16/10/2024 05:30 GMT+7

Bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn sau vụ phá hủy đường liên Triều

Việc Triều Tiên phá hủy các tuyến đường liên Triều không tạo ra nhiều khác biệt vì chúng đã không được sử dụng trong nhiều năm. Tuy nhiên, hành động này mang theo một thông điệp leo thang rất rõ ràng.

Bán đảo Triều Tiên lại căng như dây đàn - Ảnh 1.

Ngày 15-10, Triều Tiên đã cho nổ tung các đoạn đường bộ và đường sắt ở bên phía nước này nối với Hàn Quốc tại khu vực biên giới, khiến quân đội Hàn Quốc phải nổ súng cảnh cáo.

Khoảnh khắc Triều Tiên cho nổ tung một số đoạn đường nối với Hàn Quốc - Nguồn video: YONHAP - JCS

Động thái diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un triệu tập cuộc họp an ninh để chỉ đạo thực hiện kế hoạch "hành động quân sự ngay lập tức".

Căng thẳng leo thang

Căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên với việc Bình Nhưỡng tuần trước tuyên bố sẽ cắt đứt hoàn toàn các tuyến đường bộ và đường sắt liên Triều, đồng thời củng cố thêm khu vực biên giới - một phần trong nỗ lực thúc đẩy hệ thống "hai nhà nước", hủy bỏ mục tiêu thống nhất lâu nay.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết vào khoảng giữa trưa 15-10, một số phần phía bắc của các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối với Hàn Quốc đã bị phá hủy.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc lên án vụ việc, cho rằng hành động này "cực kỳ bất thường", vi phạm rõ ràng các thỏa thuận liên Triều trước đây.

"Thật đáng chê trách khi Triều Tiên liên tục có hành vi thoái lui như vậy", người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Koo Byoung Sam phát biểu trước báo giới. Phản ứng với các vụ nổ, quân đội Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo về phía nam đường phân định quân sự.

Về lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh sau khi Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) kết thúc bằng hiệp định đình chiến, không phải bằng hiệp ước hòa bình.

Các tuyến đường bộ và đường sắt xuyên biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là những dấu tích còn lại từ các nỗ lực cải thiện quan hệ hai miền, bao gồm cả hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018.

Theo dữ liệu từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Seoul đã chuyển hơn 132 triệu USD dưới dạng các khoản vay ưu đãi cho Bình Nhưỡng để tái thiết các tuyến đường này.

"Đây là một dự án hợp tác lớn liên Triều được thực hiện theo yêu cầu của Bình Nhưỡng", người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Koo Byoung Sam cho biết, đồng thời nói thêm Bình Nhưỡng vẫn có nghĩa vụ phải trả các khoản vay.

Năm 2020, Triều Tiên đã cho nổ tung văn phòng liên lạc chung được thành lập tại một thị trấn biên giới sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ sụp đổ. Sau đó, Hàn Quốc yêu cầu Triều Tiên bồi thường thiệt hại khoảng 45 tỉ won (33 triệu USD) do việc phá dỡ văn phòng chung.

Các chuyên gia chỉ ra những tuyến đường trên đã bị đóng cửa từ lâu, nhưng giờ đây việc Triều Tiên phá hủy chúng sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Hàn Quốc rằng Bình Nhưỡng không còn sẵn sàng đàm phán với Seoul nữa.

"Đây là một biện pháp quân sự thực tế, liên quan đến hệ thống hai nhà nước thù địch mà Triều Tiên thường xuyên đề cập", ông Yang Moo Jin, hiệu trưởng Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, bình luận.

Ông Yang đánh giá Triều Tiên cũng có thể đang tìm cách dựng thêm nhiều rào cản dọc biên giới, và các vụ nổ mới nhất có thể là "công tác chuẩn bị".

Chuyện gì tiếp theo?

Thời gian qua Bình Nhưỡng đã thực hiện các bước để cắt đứt quan hệ liên Triều, xác định lại Hàn Quốc là quốc gia thù địch kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố Hàn Quốc là "kẻ thù chính" trong năm nay và thừa nhận việc thống nhất không còn khả thi nữa.

Gần đây, giới lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã gia tăng đáng kể việc sử dụng những lời lẽ gay gắt trong các tuyên bố công khai. Trong tháng này, ông Kim Jong Un đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để hủy diệt Hàn Quốc nếu Bình Nhưỡng bị tấn công.

Lời đe dọa được đưa ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cảnh báo nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, họ sẽ "phải đối mặt với sự kết thúc".

Căng thẳng giữa hai bên gia tăng sau khi Triều Tiên tuần trước cáo buộc Seoul gần đây điều drone xâm nhập Bình Nhưỡng.

Triều Tiên cho biết những drone này đã rải "một lượng lớn" truyền đơn chống Triều Tiên, và bà Kim Yo Jong, người em gái quyền lực của ông Kim Jong Un, đã cảnh báo Seoul sẽ có "thảm họa khủng khiếp".

Quân đội Hàn Quốc ban đầu phủ nhận việc đưa drone tới Bình Nhưỡng, nhưng sau đó từ chối bình luận, ngay cả khi Bình Nhưỡng đổ lỗi trực tiếp cho Seoul. Hôm 13-10, Triều Tiên cảnh báo nếu phát hiện thêm drone, họ sẽ coi đó là "lời tuyên chiến".

Hôm 14-10, ông Kim Jong Un đã triệu tập cuộc họp an ninh quốc gia cấp cao.

"Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đưa ra chỉ đạo hành động quân sự ngay lập tức và chỉ ra các nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành trong hoạt động răn đe chiến tranh và thực hiện quyền tự vệ", Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên thuật lại.

Theo nhà nghiên cứu Cheong Seong Chang tại Viện Sejong, giờ đây câu hỏi đặt ra là liệu: "Triều Tiên sẽ đáp trả bằng cách đưa drone sang Hàn Quốc hay sẽ có hành động mạnh mẽ nếu drone xâm nhập lãnh thổ nước này một lần nữa hay không?".

Nga, Trung Quốc lên tiếng

Ngày 15-10, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên trên bán đảo Triều Tiên tránh "leo thang hơn nữa" sau khi Triều Tiên cho nổ các tuyến đường liên Triều. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi cần có giải pháp ngoại giao để khôi phục an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

"Căng thẳng trên bán đảo không phục vụ cho lợi ích chung của tất cả các bên, và điều ưu tiên là tránh leo thang hơn nữa", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ.

Bán đảo Triều Tiên lại căng như dây đàn - Ảnh 2.Giữa lúc bán đảo Triều Tiên căng thẳng, Điện Kremlin lên tiếng

Điện Kremlin khẳng định nội hàm thỏa thuận phòng thủ chung giữa Nga và Triều Tiên 'đã rõ', trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang liên tục.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên