13/12/2024 08:19 GMT+7

'Bàn cờ Syria' và cuộc tranh giành thế lực ở Trung, Cận Đông

Trong khi Mỹ và Israel có 'kế hoạch chung' ở Syria, như lời đại giáo chủ Iran, thì Iran và các đồng minh trong 'Trục đối kháng' cũng có những chiến lược riêng.

Tranh giành thế lực ở Trung, Cận Đông - Ảnh 1.

Lãnh tụ tối cao Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei, phát biểu trong cuộc gặp với một nhóm người tại Tehran, ngày 11-12 - Ảnh: REUTERS

Cuối cùng thì ngày 11-12, Đại giáo chủ Khamenei của Iran cũng đã lên tiếng về những thay đổi ở Syria khi cáo buộc "những gì đã xảy ra ở Syria là sản phẩm của một kế hoạch chung giữa Mỹ và Israel", và "Mỹ đang tìm cách củng cố chỗ đứng của mình trong khu vực".

Bên cạnh điều ông Khamenei gọi là "kế hoạch chung giữa Mỹ và Israel", Iran và các đồng minh trong "Trục đối kháng" cũng có những chiến lược riêng.

Trong đó, tổ chức Hezbollah thuộc Hồi giáo Shia như Iran giữ vai trò chính, còn Hamas dù không phải Hồi giáo Shia vẫn được Iran hỗ trợ nhờ cùng chia sẻ lợi ích chiến lược: đấu tranh chống lại Mỹ và Israel, hai thế lực mà họ gọi là "quỷ dữ".

"Chuyện tình" Iran - Assad

Cộng hòa Hồi giáo Iran đã dốc sức hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad duy trì quyền lực, đổi lại là quyền sử dụng lãnh thổ và cơ sở quân sự của Syria để phục vụ lợi ích khu vực của Iran. Trong đó quan trọng nhất là việc các cơ quan tình báo và an ninh Iran đã cố vấn và hỗ trợ quân đội Syria trong việc bảo vệ chính quyền của ông Assad.

Theo báo cáo "Chiến lược của Iran tại Syria" của Will Fulton, Joseph Holliday và Sam Wyer thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh, Iran đã chi viện cho chế độ Assad rất nhiều, từ việc sử dụng các đơn vị bộ binh của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) đến lực lượng quân báo Quds cùng các cơ quan thực thi pháp luật khác.

Do phe đối lập tại Syria chặn thành công nhiều tuyến tiếp tế trên bộ, Iran phải chuyển sang cung cấp các nhu yếu phẩm quân sự cho chế độ Assad chủ yếu bằng đường không. 

Tuy nhiên khả năng hỗ trợ của Iran sẽ bị cản trở nghiêm trọng nếu tuyến đường không này bị gián đoạn, chẳng hạn bởi một vùng cấm bay hoặc việc quân nổi dậy chiếm giữ các sân bay của Syria.

Iran đã hỗ trợ mạnh mẽ các lực lượng dân quân thân chính phủ để ngăn chặn nguy cơ chế độ Assad sụp đổ hoặc bị dồn về cố thủ tại Damascus. Tehran không chỉ đầu tư lớn vào các lực lượng này mà còn khiến họ ngày càng phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của Iran.

Kết quả, Iran duy trì khả năng hoạt động và triển khai lực lượng từ Syria, trong đó nổi bật nhất là Hezbollah, vốn ra đời tại Lebanon. Hezbollah bắt đầu đảm nhận vai trò chiến đấu trực tiếp hơn tại Syria khi chế độ Assad bắt đầu mất quyền kiểm soát lãnh thổ Syria vào năm 2012. Sự hỗ trợ của Hezbollah cho ông Assad là hữu ích do đây là một lực lượng được huấn luyện tốt cho mục đích tham gia vào cuộc xung đột phù hợp với lợi ích chiến lược của Iran.

Điều này, trong thực tế đã thể hiện từ sau ngày 15-3-2011, tại Deraa (Syria), khi một bộ phận người dân đã nổi dậy chống lại ông Assad. Cuộc nội chiến bùng phát sau đó đã đẩy hơn một phần tư dân số Syria, tức hơn 5 triệu người, phải rời bỏ quê hương.

Lại lo bất ổn "hậu Assad"

Việc Đại giáo chủ Khamenei cáo giác rằng "những gì đã xảy ra ở Syria là sản phẩm của một kế hoạch chung giữa Mỹ và Israel" phản ánh những "bực dọc" lớn lao kể từ sau vụ thủ lĩnh Hamas, ông Ismail Haniyeh, bị sát hại hôm 31-7 bởi một quả bom đã được giấu kín trong khu nhà của ông tại Tehran suốt hai tháng.

Sau đó là vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên Hezbollah hôm 17-9 năm nay khiến hơn 2.800 người bị thương. Chưa dừng lại ở đó, ngày 27-9-2024, quân đội Israel đã tấn công trụ sở của Hezbollah ở ngoại ô phía nam Beirut, tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức này là Hassan Nasrallah.

Những hành động đó cho thấy Israel đã nhắm đến cả Hamas và Hezbollah, hai lực lượng được gọi là "đồng minh của Iran chống lại Israel", theo một tài liệu giáo khoa của Pháp.

Sáng 12-12, tại cuộc họp của chỉ huy lực lượng IRGC, tướng Hossein Salami, tư lệnh lực lượng này, đã ca ngợi cựu tổng thống Syria Bashar al-Assad vì chính sách đối ngoại và vai trò trong "Mặt trận đối kháng".

Ông phát biểu: "Syria có thành tích sáng chói và nổi bật nhất trong số các quốc gia Ả Rập trong việc đối đầu với chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Đây là quốc gia duy nhất không chấp nhận bất kỳ kế hoạch thỏa hiệp nào, luôn trong trạng thái đối đầu, tấn công, phòng thủ và kháng cự Mỹ cũng như chế độ Israel".

Tướng Salami đã nhắc lại công việc của ông với các lực lượng Hamas và Hezbollah: "Trong suốt 13 năm qua, chúng tôi đã nỗ lực để giúp Hezbollah ở Lebanon và phong trào Palestine phần lớn trở nên độc lập...".

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ trích quân đội Syria: "Lực lượng IRGC của chúng tôi và dân quân Basij không thể giao chiến ở một nơi mà quân đội của họ chỉ là người đứng ngoài cuộc".

Như theo định luật bình thông nhau, nay khi chế độ Assad đã cáo chung thì một thế trận mới nổi lên như lời than của Đại giáo chủ Khamenei: "Mỹ đang tìm cách củng cố chỗ đứng của mình trong khu vực".

Ở đất nước Syria này, chiến lược của các phong trào liên minh với Iran rất khác nhau. Năm 2012, Hamas chọn đứng về phía người dân trong khi Tehran và Hezbollah tiếp tục ủng hộ đồng minh trung thành của họ là ông Bashar Al-Assad. Do đó, một số thành viên của Hamas đã trực tiếp đối đầu với Hezbollah trên đất Syria.

Song 5 năm sau, vào năm 2017, thủ lĩnh mới của Hamas, Yahya Sinwar, quyết định kết nối lại với tổ chức vũ trang Shiite và Iran. Kết quả là Iran tài trợ và cung cấp vũ khí cho Hamas trong Dải Gaza.

Bên cạnh các phái Hezbollah, Hamas còn có các phái khác như Houthis chuyên ngáng đường trên biển Đỏ bằng tên lửa, cũng được Iran tài trợ.

Tranh giành thế lực ở Trung, Cận Đông - Ảnh 2.Ông Trump ưu tiên giải quyết vấn đề Ukraine hơn Trung Đông

Ông Trump nói ưu tiên hàng đầu của ông là giải quyết xung đột Ukraine, cho rằng tình hình Trung Đông 'ít khó khăn hơn'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên