Dù việc dán các biểu ngữ ấy là chủ trương của lãnh đạo doanh nghiệp hay chỉ là hành động tự phát của một số tài xế taxi thì hành động này vẫn bị coi là không đúng mực và không đúng luật.
Được biết, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tổ chức họp báo khẩn cấp, yêu cầu doanh nghiệp taxi kia phải tháo gỡ các biểu ngữ và trong thực tế, hầu hết các xe taxi cũng đã tháo bỏ biểu ngữ này. Câu chuyện ồn ào hẳn sẽ sớm lắng xuống, nhưng bài học mà nó để lại vẫn nóng hổi.
Xã hội luôn phát triển không ngừng. Một trong những động lực của sự phát triển là sức sáng tạo của trí tuệ con người liên tục dẫn đến việc cho ra đời những thành tựu khoa học công nghệ và việc ứng dụng những thành tựu công nghệ đó vào cuộc sống đã giúp cho xã hội không ngừng thay đổi theo hướng tích cực.
Có những cách sống, cách giao tiếp đã được cho là hợp lý và phổ biến ngày hôm qua, nhưng ngày hôm nay bị coi là lạc hậu và cần phải bị đào thải hoặc ít nhất phải được cải tiến để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Tất nhiên cần phải ghi nhận lời than phiền của doanh nghiệp về tình trạng thiếu bình đẳng, thiếu công bằng trong việc áp dụng các điều kiện kinh doanh. Chính quyền cần rà soát để phát hiện những điểm bất hợp lý trong hệ thống quản lý và có biện pháp khắc phục.
Nhưng điều quan trọng là bản thân doanh nghiệp phải biết dũng cảm nhìn nhận và đối mặt với những thách thức cạnh tranh của đối thủ kinh doanh và có đối sách phù hợp trong khuôn khổ luật pháp, để có thể đứng vững và phát triển.
Chẳng hạn, có thể nhìn nhận các ưu thế mà "taxi công nghệ" có được là do dựa vào các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để giao tiếp; bởi vậy, cách cạnh tranh tốt nhất của taxi thường là tự đổi mới về phương thức giao tiếp: cũng dùng mạng Internet để yêu cầu dịch vụ, cũng báo giá trước...
Có thể khi làm việc đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn trong việc tính toán giá thành dịch vụ, do các đối thủ cạnh tranh là những doanh nghiệp có nền tảng quản lý được thiết lập trên phạm vi châu lục, thậm chí trên toàn cầu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước phải biết coi đó như một áp lực, khiến doanh nghiệp phải nghĩ đến khả năng bản thân mình cũng phải tìm cách vươn ra đến khu vực, thế giới để tồn tại, phát triển bền vững, thay vì bằng lòng với một chỗ đứng tại thị phần địa phương, trong nước.
Suy cho cùng, cách cạnh tranh lành mạnh, tích cực là nỗ lực để chen vai trong cuộc đua chinh phục không gian sinh động của tương lai, chứ không phải ra sức níu kéo nhau cùng ở lại trong khung cảnh cũ kỹ quen thuộc, có khi đến nhàm chán của hiện tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận