20/04/2015 14:30 GMT+7

​Bác sĩ Trung Quốc không còn uy tín ở VN

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Ông Nguyễn Hoàng Sơn - phó cục trưởng Cục Y dược cổ truyền Bộ Y tế - nói với Tuổi Trẻ như vậy  sau vụ bệnh nhân đi phá thai suýt tử vong tại phòng khám do bác sĩ Trung Quốc thực hiện.

Phòng khám đa khoa Quốc tế do bác sĩ Trung Quốc thực hiện đã làm bệnh nhân phá thai suýt mất mạng hôm 10-4 - Ảnh: Quang Định

Ông NGUYỄN HOÀNG SƠN cho biết:

- Hiện tại Cục Y dược cổ truyền có 25 bác sĩ Trung Quốc đăng ký hành nghề bác sĩ đông y tại Việt Nam, nhưng theo khảo sát của tôi, chỉ còn hai người đang tiếp tục hành nghề, một ở Hà Nội và một tại TP.HCM.

4 lý do khiến bác sĩ Trung y mất uy tín ở Việt Nam:

* Thầy thuốc Trung Quốc sang Việt Nam làm việc khi chưa có giấy phép đã hành nghề, khi có đoàn kiểm tra đến họ chạy trốn khắp nơi, trốn cả vào nhà vệ sinh và báo chí đăng tải khiến họ mất uy tín.

* Quảng cáo quá mức cho phép.

* Hiệu quả khám chữa bệnh không cao hơn thầy thuốc Việt Nam chứ chưa nói là thấp hơn, trong khi giá cả cao hơn nhiều.

* Nguồn gốc thuốc bán ra không rõ ràng, nhiều khi là hàng xách tay không có số đăng ký lưu hành.

Ông NGUYỄN HOÀNG SƠN

* Lý do vì sao phòng khám đông y một thời nở rộ hiện lại “heo hút” như vậy, thưa ông?

- Tôi cho rằng số còn lại đã về nước hết do Trung y mất uy tín ở Việt Nam, có bác sĩ Trung Quốc còn nói với tôi là người bệnh vào phòng khám hỏi bác sĩ Trung Quốc hay Việt Nam, nếu bác sĩ Trung Quốc là họ về luôn không khám bệnh nữa.

Có bốn lý do khiến bác sĩ Trung y mất uy tín ở Việt Nam thời gian qua, và bốn lý do này tôi cũng nói với cán bộ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam khi hai bên có dịp làm việc gần đây.

Đó là thầy thuốc Trung Quốc sang Việt Nam làm việc khi chưa có giấy phép đã hành nghề, khi có đoàn kiểm tra đến họ chạy trốn khắp nơi, trốn cả vào nhà vệ sinh và báo chí đăng tải khiến họ mất uy tín.

Thứ hai là quảng cáo quá mức cho phép, thứ nữa là hiệu quả khám chữa bệnh không cao hơn thầy thuốc Việt Nam chứ chưa nói là thấp hơn, trong khi giá cả cao hơn nhiều.

Điểm thứ tư là nguồn gốc thuốc bán ra không rõ ràng, nhiều khi là hàng xách tay không có số đăng ký lưu hành.

* Ông đánh giá như thế nào về trình độ của bác sĩ Trung Quốc đến hành nghề tại Việt Nam? Họ có giỏi như quảng cáo?

- Các bác sĩ đông y Trung Quốc sang Việt Nam không phải là người có tay nghề cao, vì người có tay nghề cao làm việc trong nước đã phát đạt rồi, làm gì phải đi nước khác làm việc.

Ở Việt Nam do liên tiếp bị xử phạt và mất uy tín, bác sĩ đông y Trung Quốc có đăng ký hành nghề tại Việt Nam đã về nước gần hết, nhưng gần đây lại xuất hiện ngày càng nhiều bác sĩ tây y Trung Quốc đến làm việc.

Tai biến gần đây tại TP.HCM làm thủng tử cung một phụ nữ cũng liên quan đến bác sĩ tây y Trung Quốc.

Có những dấu hiệu cho thấy lượng bác sĩ Trung Quốc đến hành nghề đang dịch chuyển từ đông y sang tây y. Học đại học y ở Trung Quốc chỉ kéo dài năm năm, trong khi tại Việt Nam phải học sáu năm.

Sinh viên Việt Nam học y khoa ở Trung Quốc bắt đầu tốt nghiệp và về nước nhiều, riêng học Trung y, đông y cũng phải hàng trăm em, nhưng việc thống nhất học vị của các em như thế nào thì vẫn đang bàn, có khi họ sẽ được gọi là cử nhân chứ chưa phải là bác sĩ ngay như người tốt nghiệp đại học y khoa ở Việt Nam.

* Câu chuyện tai biến và rắc rối ở các phòng khám Trung Quốc nhiều năm qua đã gây bức xúc cho dư luận, nhưng vì sao nó vẫn tồn tại được và lại tiếp tục gây tai biến cho bệnh nhân như trường hợp mới đây ở TP.HCM, thưa ông?

- Nguyên nhân tai biến có thể do tiên lượng bệnh chưa đầy đủ, có thể do cơ địa người bệnh, quy trình kỹ thuật..., cần phải xem lại đã đúng với quy trình của ngành y tế hay chưa.

Về hoạt động của các phòng khám Trung Quốc, trước đây đông y sang nhiều, nay đông y không sang nữa mà tây y lại sang nhiều, quy trình kiểm tra vẫn thực hiện như trước đây là kiểm tra quy chế chuyên môn, thủ tục hành chính, còn việc các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc vẫn hoạt động thì thực hiện theo luật, nếu họ đầy đủ hồ sơ giấy tờ thì phải cấp giấy phép cho họ.

Luật khám chữa bệnh quy định các thủ tục để bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam làm việc rất kỹ càng, nhưng nếu đủ tiêu chuẩn bộ và sở phải cấp phép hoạt động. Trong quá trình hoạt động, có khi Bộ Y tế cấp phép nhưng sở y tế vẫn phải theo dõi, giám sát.

* Nhưng việc vẫn để “lọt” những phòng khám không chất lượng, như vụ tai biến vừa qua ở TP.HCM, theo ông, lỗi từ khâu nào?

- Theo tôi được biết là phòng khám và bác sĩ có đầy đủ giấy phép, nhưng vấn đề thiếu sót là quy trình chuyên môn, không hỏi bệnh nhân xem họ có tiền sử như thế nào, đã đi khám ở đâu..., nên nhân dịp này cần tăng cường công tác kiểm tra, xem hoạt động có gì sai phạm để ngăn chặn sớm các nguy cơ gây tai biến có thể xảy ra.

Còn với người bệnh, khi khám chữa bệnh nên chọn các cơ sở có uy tín, có giấy phép hoạt động, thầy thuốc có chứng chỉ hành nghề. Với phòng khám đông y, tôi cho rằng nên chọn các phòng chẩn trị y học cổ truyền có uy tín và thầy thuốc có thâm niên.

* Ông LƯƠNG NGỌC KHUÊ (cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế):

Sai quy trình chuyên môn

- Tôi cho rằng bác sĩ tây y Trung Quốc đến hành nghề tại Việt Nam đã xuất hiện trong vài năm gần đây, như phòng khám Maria ở Hà Nội trước đây cũng là tây y.

Vấn đề ở chỗ Maria thì giấy tờ thủ tục hồ sơ còn chưa đủ, còn vụ ở TP.HCM vừa qua giấy tờ đầy đủ nhưng hành nghề thì sai về quy trình chuyên môn.

Khi làm sai quy trình chuyên môn, Sở Y tế TP.HCM cần lập hội đồng, xem sai quy trình ở khâu nào, lỗi ở đâu và xử lý theo quy trình trong Luật khám chữa bệnh.

* Theo ông, khâu nào đã để “lọt” trong vụ tai biến này? Tại TP.HCM còn rất nhiều phòng khám quảng cáo sai, thu tiền cao như đã xảy ra ở các phòng khám Trung Quốc thời gian trước đây?

- Tôi đã có văn bản đề nghị Sở Y tế TP.HCM kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm. Nếu sở giải quyết chưa thấu đáo, Bộ Y tế sẽ lập đoàn thanh tra đột xuất để làm rõ. Bên cạnh khâu cấp phép, địa phương quản lý hoạt động của các phòng khám trên địa bàn, xem hoạt động chuyên môn nghiệp vụ có theo quy trình, phát hiện ngăn chặn sai phạm là rất quan trọng.

L.ANH ghi

Nhiều bệnh nhân chờ khám tại phòng khám đa khoa Quốc tế sáng 15-4, lúc đoàn thanh tra Sở Y tế đến thanh tra phòng khám này - Ảnh: L.TH.H.

* Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM TĂNG CHÍ THƯỢNG:

Sẽ thanh tra các cơ sở “có vấn đề”

Tại TP.HCM vẫn còn một số phòng khám đa khoa tư nhân hoạt động quá phép, không đúng phạm vi chuyên môn theo giấy phép của Sở Y tế TP.HCM cấp.

Nguyên nhân là do một số người hành nghề, cơ sở hành nghề y tư nhân không tuân thủ pháp luật, cố tình làm sai quy định. Qua hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra trên địa bàn nếu phát hiện được chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Sở Y tế thường xuyên nhắc nhở các phòng y tế quận, huyện giám sát hoạt động của các cơ sở hành nghề y tư nhân. Tuy có cố gắng rất nhiều nhưng do nhân lực của các phòng y tế còn ít nên chưa đáp ứng kịp việc giám sát trên địa bàn.

Để chủ động giám sát, phát hiện và chấn chỉnh vi phạm, sai sót của các cơ sở hành nghề y tư nhân, năm nào Sở Y tế cũng tổ chức hai đợt thanh tra định kỳ (thường có 25-26 đoàn thanh tra chuyên ngành và liên ngành) và nhiều lần thanh tra đột xuất các cơ sở hành nghề y tư nhân theo phản ảnh của người dân hoặc phản ánh của các phương tiện truyền thông đại chúng.

Qua các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đã phát hiện nhiều cơ sở, cá nhân vi phạm và đã xử phạt tiền, đình chỉ hoạt động hoặc tước chứng chỉ hành nghề.

Các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn TP.HCM phải hoạt động và hành nghề khám chữa bệnh đúng theo quy định pháp luật và phạm vi chuyên môn cho phép. Cơ sở nào vi phạm chúng tôi xử lý nghiêm theo quy định.

Nhiều năm nay Sở Y tế đã chỉ đạo quyết liệt trên tinh thần như vậy. Thanh tra Sở Y tế đã có kế hoạch thanh tra các cơ sở hành nghề y tế tư nhân và sẽ chú trọng thanh tra những cơ sở “có vấn đề” mà người dân, báo chí phản ánh.

L.TH.H. ghi

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên