Ảnh minh họa
Tại buổi sinh hoạt khoa học sáng 17-11 về kháng kháng sinh, Phó GS. Tiến sĩ Tiến Dũng cho biết kiến thức y khoa cập nhật liên tục nên người dân không nên tin vào "bác sĩ Google".
Thời gian lưu thông tin của Google rất dài, có những bài viết đã trên 10 năm vẫn nằm trên mạng và kiến thức hiện tại đã khác rất nhiều. Nhưng nhiều gia đình lại có thói quen nếu có bệnh thì tra Google xem đó là bệnh lý gì, chữa trị ra sao và áp dụng.
"Trước đây, khi trẻ em có dịch mũi màu xanh hoặc vàng thì bác sĩ cũng như các mẹ đều cho dùng kháng sinh vì lo ngại tình trạng nhiễm khuẩn. Nhưng thực tế, dịch mũi màu xanh và vàng lại có thể thể hiện bệnh sắp khỏi và không cần kháng sinh" - ông Dũng nêu ví dụ.
Một kiến thức mới cập nhật nữa là trước đây khi trẻ đau tai và viêm tai thì bác sĩ sẽ kê kháng sinh. Nhưng nay, nếu tai không chảy dịch thì bác sĩ sẽ để trẻ chờ thêm 2 ngày, nếu bệnh không tăng nặng thì không cần dùng kháng sinh.
"Nếu tra Google thì những dấu hiệu này có thể được hướng dẫn theo cách cũ và không phù hợp, chưa kể kiến thức lưu giữ có thể sai mà người nhà trẻ do không có kiến thức chuyên môn có thể không phân biệt được đúng - sai" - ông Dũng cho biết.
Ông Dũng cũng cho hay tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam là khá trầm trọng. Trong điều trị cho trẻ em, các bác sĩ đang phối hợp nhiều biện pháp để chất lượng điều trị tốt hơn, như cho trẻ rửa mũi sạch nếu chảy dịch mũi xanh, vàng thay vì 100% cho dùng kháng sinh như kiểu cũ. Hoặc sử dụng phương pháp "ly giải vi khuẩn", sử dụng vi khuẩn đã được làm yếu để tăng cường miễn dịch, giúp trẻ có khả năng chống lại bệnh tật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận