Người bệnh đột quỵ có thể hồi phục nếu được can thiệp kịp thời, nên phải làm sao để không bỏ lỡ "thời gian vàng"? Từ những trăn trở đó, suốt gần 20 năm qua, bác sĩ Mai Duy Tôn và các đồng nghiệp từng bước đưa chuyên ngành đột quỵ "phổ cập" đến tuyến tỉnh, tận tuyến huyện.
Bén duyên với chuyên ngành đột quỵ từ khi còn là bác sĩ nội trú, bác sĩ Mai Duy Tôn ở tuổi 48 là thầy của nhiều bác sĩ đột quỵ và là giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai.
Ông cũng đang đặt những viên gạch cho sự phát triển bộ môn đột quỵ, Trường đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), và tích cực phát triển chuyên ngành này tại khu vực phía Bắc.
Trong 5 năm qua, cả nước đã có thêm nhiều đơn vị đột quỵ ra đời, nhiều người bệnh đã được can thiệp kịp thời, hồi phục để trở về với cuộc sống hằng ngày.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Mai Duy Tôn về hành trình tạo nên những "bước ngoặt" cho chuyên ngành đột quỵ tại Việt Nam.
Phác đồ điều trị đột quỵ "Made in Vietnam"
* Ông đã bắt đầu với chuyên ngành đột quỵ như thế nào?
- Thời điểm đó là năm 2007, may mắn tôi có cơ hội sang Mỹ tham gia khóa học. Tại đây tôi thấy điều trị đột quỵ của họ được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và hồi phục, ít để lại di chứng. Trong khi đó, tại Việt Nam lúc đó nói đến bệnh nhân đột quỵ, bác sĩ cũng như người nhà bệnh nhân coi đó là "dấu chấm" của cuộc đời, bệnh nhân ít có cơ hội để trở lại cuộc sống bình thường.
Nhìn thấy những thành tựu của họ, tôi quyết tâm theo đuổi kỹ thuật này. Tôi đã đề xuất lãnh đạo được nghiên cứu sâu về chuyên ngành đột quỵ, thực hiện đề tài nghiên cứu chuyên sâu rồi được đi học tại châu Âu.
Đến năm 2009, kỹ thuật tiêu huyết khối đã được áp dụng trên bệnh nhân đột quỵ. Nhiều bệnh nhân được điều trị kịp thời, sau khi sử dụng thuốc một giờ đã hồi phục hoàn toàn, nói năng, sinh hoạt bình thường, 1 - 2 ngày sau ra viện.
Khi tập trung nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực đột quỵ và từ những kiến thức đã học tập, tôi đề xuất bệnh viện thành lập trung tâm đột quỵ để bệnh nhân được chăm sóc tốt nhất. May mắn được ban giám đốc lãnh đạo bệnh viện, năm 2020 Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai chính thức ra đời.
* Ông có ứng dụng gì vào điều trị đột quỵ cho người Việt từ những kỹ thuật được học tại các nước châu Âu?
- Từ những kỹ thuật học ở Mỹ, khi về Việt Nam được tôi lựa chọn một cách ứng dụng phù hợp với cơ địa người Việt. Ở các nước châu Âu và Mỹ, họ ứng dụng thuốc tiêu huyết khối với liều cao, nhưng ở Việt Nam tôi đã nghiên cứu sử dụng tiêu huyết khối liều thấp.
Tôi tìm hiểu tại Nhật Bản cũng vậy, họ cũng sử dụng thuốc tiêu huyết khối liều thấp, cũng phù hợp tương tự với người Việt. Công trình nghiên cứu sử dụng tiêu huyết khối liều thấp cũng giúp cho thực hành lâm sàng ở Việt Nam.
Hiện nhiều cơ sở y tế áp dụng kỹ thuật này, vừa đạt hiệu quả điều trị, tiết kiệm cho người bệnh khi chi phí điều trị chỉ còn một nửa so với liều thông thường.
Xây dựng mạng lưới đột quỵ tại Việt Nam
* Thời gian đối với người đột quỵ rất quan trọng, ông và các đồng nghiệp làm gì để người bệnh đột quỵ có cơ hội điều trị sớm nhất?
- Tôi nhớ cách đây 3 - 4 năm, một bệnh nhân nam vốn rất mạnh khỏe có chuyến công tác tại Đồng Văn, Hà Giang và khởi phát cơn đột quỵ. Bệnh nhân phải di chuyển quãng đường dài về Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Lúc ấy đã quá "giờ vàng", không thể can thiệp bằng tiêu huyết khối nữa mà chỉ điều trị nội khoa. Bệnh nhân đã có tổn thương não và mất rất nhiều thời gian để phục hồi.
Làm sao rút ngắn được con đường đến bệnh viện cho người bệnh đột quỵ. "Thời gian vàng" để can thiệp là sáu giờ kể từ khi cơn đột quỵ khởi phát. Vì vậy, quan trọng nhất là phải mở rộng mạng lưới khoa đột quỵ từ tuyến cơ sở mới có thể cứu sống được nhiều người bệnh.
Thành lập đơn vị/khoa đột quỵ tại các bệnh viện sẽ giúp bệnh nhân đột quỵ được chăm sóc chuyên biệt hơn. Thay vì phải nằm ở nhiều khoa thì bệnh nhân được chăm sóc ở khoa chuyên biệt, có điều dưỡng được đào tạo, bệnh nhân đột quỵ có nguy cơ sặc rất cao, nhân viên y tế có chuyên môn chăm sóc sẽ tốt hơn. Hay bệnh nhân không vận động được cần được tập phục hồi chức năng...
Trong những năm qua, cả nước đã có 124 trung tâm/khoa/đơn vị đột quỵ được thành lập. Chúng tôi hỗ trợ đào tạo cho các bệnh viện như Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Nghệ An... Mỗi bệnh viện có đơn vị đột quỵ sẽ tăng cơ hội điều trị sớm cho người bệnh.
* Hiệu quả điều trị đột quỵ tại Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông?
- Trước đây tỉ lệ hồi phục ở bệnh nhân đột quỵ chỉ 25%, có 25% bệnh nhân tử vong và 50% để lại di chứng. Tuy nhiên khi áp dụng kỹ thuật mới, bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời trong giờ vàng, người bệnh gần như trở lại trạng thái bình thường đạt trên 50%, thậm chí 60 - 70%, tỉ lệ này tương tự các nước phát triển.
Đối với bệnh nhân đến muộn, nhờ phương pháp điều trị chuyên sâu tại các đơn vị đột quỵ, tỉ lệ biến chứng tử vong, di chứng tàn phế giảm đi rất nhiều. Nhiều bệnh nhân được điều trị phối hợp điều trị hồi sức chuyên sâu, tập phục hồi chức năng sớm giúp phục hồi tốt hơn so với trước đây.
Bên cạnh đó, quan trọng là người dân, y bác sĩ đã có nhiều kiến thức về đột quỵ. Người dân biết được những nguy cơ dẫn đến đột quỵ từ những thói quen, lối sống không tốt như uống rượu bia, hút thuốc lá, lười vận động... để thay đổi lối sống. Họ cũng nhận biết được những dấu hiệu đột quỵ để đến viện kịp thời.
Tháng 11-2024 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và xử trí đột quỵ não. Từ phác đồ chuẩn này, các y bác sĩ có thể xử lý cấp cứu, gia tăng cơ hội được điều trị sớm cho người bệnh.
Hoài bão xây dựng ngành đột quỵ Việt Nam
* Sau thời gian dài gắn bó với chuyên ngành đột quỵ, ông thấy điều gì là đáng nhớ và lý thú nhất?
- Niềm đam mê của người thầy thuốc là cố gắng tìm tòi, học hỏi những điều mình có thể làm được cho người bệnh. Bởi vậy, thay vì một vị trí quản lý tôi muốn nghiên cứu, muốn được làm chuyên môn hơn.
Và đến nay, tôi thấy mình đã chọn con đường đi đúng đắn. Tôi tự hào vì đã góp phần đặt nền móng cho Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai. Đóng góp cho sự ra đời của bộ môn đột quỵ và bệnh lý mạch máu não đầu tiên ở Việt Nam tại Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Những thế hệ thầy thuốc có kiến thức chuyên sâu về đột quỵ sẽ là tài nguyên, nòng cốt để xây dựng các đơn vị đột quỵ trên cả nước. Và xa hơn chúng ta phải đưa ngành đột quỵ vươn ra thế giới. Như tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai hiện nay chúng tôi đang "phổ cập" trình độ tiến sĩ.
Chúng tôi đang kết nối các bác sĩ đột quỵ của các trung tâm đột quỵ trên toàn quốc nghiên cứu các công trình về đột quỵ, để họ cùng tham gia trong những công trình có số liệu nghiên cứu lớn, đại diện cho quốc gia có thể công bố quốc tế.
* Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ ông có cơ hội nhận vị trí cao hơn và đã từ chối. Vì sao ông lại không nhận?
- Như trên tôi nói là tôi còn nhiều việc phải làm và tôi thấy cống hiến bằng chuyên môn cũng rất tốt, rất cần, mỗi người có thể làm tốt nhất ở sở trường của mình.
Bác sĩ Mai Duy Tôn:
Phải truyền thông đến người dân về việc phòng tránh đột quỵ
Hiện chúng ta mới có 124 bệnh viện có khoa/trung tâm đột quỵ, trong khi ước tính Việt Nam cần gần 400 cơ sở. Việc còn phải làm sẽ là rất nhiều.
Ngoài đào tạo các bác sĩ chuyên khoa, cần hỗ trợ các bệnh viện ở các địa phương thành lập khoa đột quỵ. Mục tiêu làm sao để bệnh nhân được cấp cứu gần nhất, được can thiệp kịp thời, tránh được biến chứng.
Thời gian tới, chúng tôi đề xuất xây dựng quy trình triển khai kỹ thuật mới cho bệnh nhân đột quỵ. Kỹ thuật này giúp đánh giá theo dõi và hỗ trợ hồi sức và điều trị các bệnh nhân đột quỵ nặng được tốt hơn.
Bên cạnh đó, phải truyền thông đến người dân về việc phòng tránh đột quỵ. Những người được xem là bình thường nhưng đang có nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa, lối sống không lành mạnh như nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động phải truyền thông nhiều hơn.
Ngoài điều trị, phải nâng cao nhận thức của người dân. Sau khi điều trị, người bệnh vẫn phải duy trì các biện pháp dự phòng. Chỉ khi có những giải pháp đồng bộ như vậy, mới nâng cao được sức khỏe.
Nhờ hỗ trợ các tuyến và số hóa, hiện nay bác sĩ chuyên ngành đột quỵ Bạch Mai có thể đọc phim qua mạng và hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân ở bệnh viện tuyến dưới, có khi là tuyến huyện, bệnh nhân được cấp cứu ngay trong giờ vàng.
Cơ sở vật chất ban đầu của trung tâm đột quỵ cũng rất khiêm tốn, bằng chuyên môn của mình bác sĩ Tôn đã kêu gọi được sự ủng hộ từ quốc tế và trong nước để trung tâm từng bước hoàn thiện. Thực ra bác sĩ Tôn có cơ hội nhận vị trí cao hơn, nhưng anh ấy đã chủ động đặt vấn đề là mong được cống hiến bằng chuyên môn.
Từ những nỗ lực của anh ấy và các đồng nghiệp, tới đây sẽ có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành đột quỵ, người bệnh sẽ được lợi.
Ông Đào Xuân Cơ (giám đốc Bệnh viện Bạch Mai)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận