30/12/2024 08:45 GMT+7

Dự phòng, tầm soát tốt hơn nhưng vì sao đột quỵ không giảm?

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ. Năm 2024, riêng Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) đã tiếp nhận hơn 17.000 ca, đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Đáng nói, tỉ lệ người trẻ mắc đột quỵ ngày càng tăng.

Dự phòng, tầm soát tốt vì sao đột quỵ không giảm? - Ảnh 1.

Năm 2024, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận hơn 17.000 ca đột quỵ, cao nhất từ trước đến nay - Ảnh: THU HIẾN

Theo các chuyên gia y tế, mặc dù kỹ thuật điều trị đột quỵ đã có nhiều bước tiến, ý thức của người dân đã được nâng cao, dự phòng tốt hơn nhưng tại sao sau 10 năm, đột quỵ tại Việt Nam vẫn tăng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu?

Gia tăng số người trẻ mắc đột quỵ

Số liệu tại Bệnh viện Nhân dân 115 cho thấy, năm 2021 tiếp nhận hơn 10.000 ca đột quỵ, năm 2023 là hơn 16.000 ca, đến năm 2024 hơn 17.000 ca, cao nhất từ trước đến nay.

Khoa bệnh lý mạch máu não của bệnh viện công suất khoảng 170 giường nhưng thời điểm quá tải có thể dùng đến 200 - 210 giường. Đặc biệt, tỉ lệ bệnh nhân mắc đột quỵ dưới 45 tuổi chiếm từ 10-12% và ngày càng tăng.

Người nhà bệnh nhân P.H.D. (47 tuổi, ngụ Tây Ninh) chia sẻ khoảng 3h sáng sau khi đi vệ sinh quay trở lại giường, hai chân ông D. đột nhiên khụy xuống, liệt nửa người và bắt đầu rơi vào trạng thái lơ mơ. Ông nhanh chóng được người nhà đưa thẳng đến cơ sở y tế địa phương sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông D. đột quỵ xuất huyết não, may mắn do được cấp cứu kịp thời sức khỏe đã tiến triển tốt. Trước đó, bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, tăng huyết áp nhưng chủ quan không dùng thuốc kiểm soát huyết áp thường xuyên. Do vậy huyết áp vượt quá mức kiểm soát dẫn đến vỡ mạch máu gây xuất huyết não.

Trường hợp khác, bệnh nhân G.D.C. (60 tuổi, TP.HCM) kể lại khoảng 5h sáng khi vừa pha trà xong, ông bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như liệt nửa người chân và tay mất hết cảm giác. Sau đó, ông được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu với chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não.

Theo lời kể của bệnh nhân, trung bình mỗi ngày ông hút khoảng một gói thuốc lá, bên cạnh đó ông còn mắc tăng huyết áp nhưng đến khi nhập viện mới biết. Đây chính là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 kiêm chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, rất xót xa khi nhìn thấy nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nặng không thể cứu chữa, có những bệnh nhân còn rất trẻ tuổi.

Điển hình như trường hợp bệnh nhân 32 tuổi mới đây, có tiền sử tăng huyết áp bị đột quỵ xuất huyết não. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp tăng cao lên 220 mmHg, hôn mê, do không kiểm soát bệnh lý nền dẫn đến xuất huyết não quá nặng, bệnh nhân đã tử vong sau một ngày điều trị.

"Nếu như bệnh nhân sử dụng thuốc, kiểm soát tốt huyết áp sẽ không có sự việc đau lòng vậy", bác sĩ Thắng nói.

Dự phòng, tầm soát tốt vì sao đột quỵ không giảm? - Ảnh 2.

Các bác sĩ điều trị bệnh nhân bị đột quỵ tại một bệnh viện trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Vì sao số ca mắc đột quỵ không giảm?

PGS Thắng nói những năm gần đây mặc dù kỹ thuật điều trị bệnh nhân đột quỵ đã đạt nhiều bước tiến, người dân có ý thức hơn trong dự phòng nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tỉ lệ người mắc đột quỵ vẫn tăng.

Cụ thể, có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ, trong đó đáng nói nhất là do không kiểm soát bệnh nền tốt. Phổ biến nhất là tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh lý tim mạch bẩm sinh, mặc dù có thuốc điều trị nhưng nhiều người còn chủ quan không kiểm soát dẫn đến nguy cơ đột quỵ tăng.

Tiếp đến yếu tố nguy cơ gây đột quỵ hiện nay là do lối sống như hút thuốc lá, uống rượu, bia, nước ngọt, thừa cân, béo phì, lối sống lười vận động, căng thẳng, áp lực công việc...

"Đa phần những yếu tố nguy cơ này có thể dự phòng được. Khi đã phòng ngừa tốt, kiểm soát bệnh nền, thay đổi lối sống sẽ giảm nguy cơ đột quỵ rất nhiều", PGS Thắng nói.

PGS Thắng cũng băn khoăn dù điều trị số lượng bệnh nhân lớn, có đội ngũ bác sĩ giỏi nhưng trang thiết bị, máy móc tại bệnh viện hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải được đầu tư nhiều hơn. Đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối khi phải "gồng gánh" số lượng bệnh nhân đột quỵ lớn như hiện nay.

Việc đầu tư thêm các thiết bị máy móc như hệ thống máy DSA, MRI, công nghệ mới để tầm soát đột quỵ mới có thể tăng được chất lượng điều trị cho người bệnh.

Bác sĩ Trần Văn Sóng, giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết năm 2024 bệnh viện đã đầu tư trang thiết bị từ nguồn quỹ phát triển của bệnh viện trong đó có 2 máy CT, 1 máy MRI, 1 máy DSA để can thiệp mạch máu thần kinh.

Bác sĩ Sóng kiến nghị sớm được TP thông qua dự án đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho bệnh viện, trong vòng 5 năm tới bệnh viện sẽ có nhiều thiết bị hiện đại trong chẩn đoán hình ảnh, phương tiện để phẫu thuật cho người bệnh ở mức hiện đại nhất.

PGS Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay dự kiến TP sẽ đầu tư 54.700 tỉ đồng cho các dự án y tế lớn trong giai đoạn 2026 - 2030.

Các dự án trọng điểm bao gồm xây mới khu khám và điều trị ban ngày cho Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 1, đặc biệt là ưu tiên xây dựng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới...

Hơn 1.000 bệnh viện trong toàn quốc điều trị đột quỵ

Bác sĩ Trần Văn Sóng, giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho hay đến nay bệnh viện đã đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu giúp hỗ trợ thành lập 96 đơn vị đột quỵ (hiện có hơn 1.000 bệnh viện điều trị đột quỵ trong toàn quốc).

Theo TS Võ Văn Tân, trưởng khoa nội thần kinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm toàn cầu có 13,7 triệu người mất vì đột quỵ. So sánh với Thái Lan, tỉ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam cao gấp 1,5 lần, tử vong do nhồi máu não cao gấp 3 lần.

Bác sĩ Tân đánh giá công tác điều trị đột quỵ tại Việt Nam có nhiều tiến bộ, nhưng sau 10 năm đây vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Đột quỵ ngày càng là gánh nặng của y tế Việt Nam do 4 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, công tác dự phòng tiên phát và thứ phát chưa tối ưu. Thứ hai, điều trị đột quỵ cấp chuẩn chưa được áp dụng rộng rãi tại khắp các tuyến. Thứ ba, khả năng cập nhật kiến thức điều trị đột quỵ cấp còn hạn chế. Thứ tư, trình độ điều trị ở các tuyến chưa đồng đều, thiếu công tác chăm sóc sau đột quỵ.

Dự phòng, tầm soát tốt vì sao đột quỵ không giảm? - Ảnh 3.Năm 2024, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận hơn 17.000 ca đột quỵ, 15% tàn phế hoặc tử vong

Năm 2024, Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiếp nhận hơn 17.000 ca đột quỵ. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên