17/03/2014 11:21 GMT+7

Bạc lẻ đi tàu

VIỄN SỰ - THÁI LỘC
VIỄN SỰ - THÁI LỘC

TT - Ga Huế buổi sáng mờ sương ngày cuối đông, trời lạnh cắt da nhưng trán bà Nguyễn Thị Kim Hoa vẫn lấm tấm mồ hôi khi bà vừa khuân xong 3 tạ hàng lên tàu ĐH41. Ở toa cuối đoàn tàu sắp lăn bánh trên chặng đường 166km từ ga Huế đến ga Đồng Hới, hàng của bà Hoa chiếm gần một phần tư.

Người dân vùng sơn cước Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Bắc Giang... vừa gửi lời thỉnh cầu đến Tổng công ty Đường sắt VN giữ lại năm đôi tàu chợ (tàu địa phương). Bởi bao năm qua, những chuyến tàu chợ ấy đã chở biết bao gánh mưu sinh của người dân những vùng đất này.

FXKMifut.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa (trái) và hàng hóa đi buôn chất đầy 1/3 toa tàu Huế - Đồng Hới - Ảnh: V.Sự

Tay quệt mồ hôi, bà Hoa bắt đầu câu chuyện khi tàu vừa lăn bánh với giọng hỉ hả: “Rẻ ớn chú nờ, có 27.000 đồng một tạ, thêm tiền vé của tui 40.000 đồng, chừng ni hàng tui trả mới hơn trăm bạc (trăm ngàn đồng)”...

Ai cũng được lên tàu

Bà Hoa buôn chuyến trên chuyến tàu chợ ngược xuôi Huế - Đồng Hới đến nay vừa tròn 37 năm, từ những ngày đầu tiên chuyến tàu nối liền vĩ tuyến, chở người và hàng hóa xuôi ngược đất Bình Trị Thiên. Nhiều thứ đã đổi thay trên con tàu này, nhưng bà Hoa nói có hai thứ không đổi đó là tốc độ đoàn tàu (vẫn 30 km/giờ) và giá vé khi đi suốt chặng hành trình cũng chưa bao giờ đắt hơn hai tô bún. Bán buôn ngày càng ế ẩm nhưng nhờ giá cước hàng hóa đi tàu rất rẻ, lại chở đến tận những nhà ga có mối hàng ở vùng núi xa xôi tại Quảng Bình, Quảng Trị nên bà và những bạn buôn vẫn có lời, ráng neo lại làm ăn.

Bà Hoa không phải là khách buôn duy nhất hỉ hả kể câu chuyện về giá vé “rẻ ớn” trên những chuyến tàu chợ. Trên chuyến tàu chợ từ Đồng Hới đi Vinh (tàu VĐ31) chúng tôi còn bất ngờ hơn khi con tàu dừng lại 10 phút tại ga Hòa Duyệt, một ga xép hẻo lánh ở miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh), để chở 3 tạ củi và nửa tạ cua về ga Vinh với giá... 30.000 đồng. Anh Châu Nam Trung, trưởng ga Hòa Duyệt, cười vui vẻ: “Hai bó củi gần nửa tạ, chở ra Vinh mới bán được 25.000 đồng, củi bán xong mới được nhận tiền. Ngành đường sắt chỉ lấy tiền cước tượng trưng, chứ cao hơn tí nữa bà con tiền mô mà trả...”.

Giá vé cực rẻ nhưng có lẽ điều làm hành khách thương mến đoàn tàu hơn cả khi nhiều người ví đoàn tàu cứ như một chiếc xe buýt, nhẫn nại ghé đủ tất cả các ga trên cung đường, kể cả những ga xép xa xôi và trạm hàng hóa bé nhỏ nhất. Chỉ 180km từ Huế đi Đồng Hới nhưng tàu ĐH41/ ĐH42 ghé lại 20 ga, tàu VĐ31/ VĐ32 tuyến Đồng Hới - Vinh cũng dừng lại ở 24 ga trên hành trình 203km. Xuất phát lúc 6g ở ga Huế, khách chưa ngồi ấm chỗ thì 6g09 tàu ĐH41 đã dừng ở trạm An Hòa ngoại ô thành phố Huế. Từ đó đến 7g sáng tàu còn dừng thêm ba ga nữa là: Văn Xá, Hiền Sĩ, Phò Trạch, giá vé rẻ nhất nối giữa các ga có lẽ còn rẻ hơn giá một cuốc xe ôm vì chỉ có 10.000 đồng. Chỉ vào bảng giờ tàu chạy, trưởng tàu Đặng Ái nói: “Cứ 15-20 phút dừng một lần đón khách. Mấy em học sinh, sinh viên nói với tui tàu ni như chiếc xe buýt. Chậm chút nhưng ai cũng được lên tàu chú ạ!”.

8VGcWNPf.jpg
Tàu VĐ32 chở 3 tạ củi từ ga Hòa Duyệt (Hà Tĩnh) về ga Vinh (Nghệ An), giá 30.000 đồng - Ảnh: T.Lộc

Giữ lại mến thương

6g tàu ĐH41 khởi hành từ Huế, nhưng mới 5g vợ chồng ông Nguyễn Quốc Hải, nguyên giảng viên ĐH Khoa học Huế, đã lên tàu. Chọn một góc trên đoàn tàu hướng ra cửa ga, ông Hải và vợ chia nhau gói xôi bắp, chậm rãi ngắm dõi theo từng bóng người hối hả lên tàu. Chỉ đi từ Huế ra Đông Hà thăm người thân, vợ chồng ông Hải đi tàu không phải vì giá vé rẻ mà vì thói quen của một thời gian khó từng thức khuya dậy sớm đi tàu để tiết kiệm mấy hào, đến giờ cứ như một ký ức thân thương. Trên chuyến tàu cũ kỹ này ông giáo già Nguyễn Quốc Hải được nhìn lại nhịp đời nhộn nhịp, lam lũ của ga Huế buổi mờ sương, được gặp lại những nhân viên nhà tàu thân quen nay đã già nua, vẫn cầm trong tay chiếc đèn bão cũ kỹ. Và trên tàu, ông Hải cùng những hành khách khác còn được nếm lại bao nhiêu đặc sản: cháo bột, bánh mướt ở ga Diên Sanh, cơm gà kho mặn với dọc mùng chua ở ga Mỹ Đức... “Ra đường vẫy cái là có xe đi Đông Hà, nhưng đi tàu gặp lại nhiều người quen, cái chi cũng quen, lâu không đi thấy nhớ...” - ông giáo già tâm sự.

Cũng như bao hành khách lớn tuổi của tàu, bà Hoa buôn chuyến đi Huế - Đồng Hới còn mang theo cả ký ức những câu chuyện ân tình với con tàu chậm chạp này. Bà nhớ như in trận lụt lịch sử năm 1999, tàu vừa qua ga Hiền Sĩ thì nước quá lớn, đi tới quay lui đều không được. Cả trăm hành khách kẹt lại trên tàu mất bốn ngày, trong túi nhiều người không còn tiền nhưng bốn ngày đó không ai bị đói khi cơm nóng, mì gói được nhà tàu đưa đến tận tay từng hành khách. Ăn xong rồi ghi sổ, nước rút ai về nhà nấy nhưng chỉ tuần sau tất cả hành khách đều tự tìm đến trả đủ tiền cơm và mì gói.

Trưởng tàu Đặng Ái nói: “Khách đi tàu với nhân viên quen mặt nhau hết, ai lâu lâu không đi tàu lại thấy nhớ, lại hỏi han như người nhà. Nhiều em sinh viên đi Sài Gòn học, nhà ở Quảng Bình, Quảng Trị nhưng chỉ đi tàu nhanh, đi xe về đến Huế, chờ một đêm rồi đi tiếp tàu chợ chỉ để gặp các cô, chú nhân viên trên tàu”. Ông Ái kể nhiều năm trước đường sắt VN kiên quyết dẹp hàng rong, bán cơm nước trên tàu nhưng cả hai chuyến tàu chợ Vinh - Đồng Hới và Huế - Đồng Hới vẫn đề nghị ngành đường sắt cho giữ lại những thúng cơm gà Mỹ Chánh và cơm gà Lạc Sơn. “Đó không chỉ là chuyện mưu sinh của các mệ, các chị mà với nhiều hành khách, đĩa cơm gà đã trở thành đặc sản tàu chợ với bao ký ức mến thương của một thuở đi tàu. Bỏ đi thì biết bao cô bác sẽ nhớ...” - ông Ái như thuộc làu tâm tư của hành khách đi tàu.

7 tỉnh đề nghị giữ lại tàu chợ

Cuối năm 2013, đồng loạt các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên đã đồng loạt có văn bản gửi đến Tổng công ty Đường sắt đề nghị tiếp tục duy trì năm đôi tàu chợ (tàu địa phương), gồm các đôi tàu: 91/92 chạy tuyến Long Biên - Quán Triều, D9D93/D9DE4 chạy tuyến Gia Lâm - Đồng Đăng, R157/R158 chạy tuyến Yên Viên - Hạ Long, VĐ31/VĐ32 chạy tuyến Vinh - Đồng Hới và ĐH41/ĐH42 chạy tuyến Huế - Đồng Hới. Trước đó, Tổng công ty Đường sắt VN gửi công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cho ý kiến về việc sẽ dừng toàn bộ năm đôi tàu chợ này vì quá thua lỗ. Cùng với tuyến tàu hàng Mạo Khê - Cổ Thành (Quảng Ninh), năm đôi tàu này đã gây thua lỗ cho ngành đường sắt 83 tỉ đồng vào năm 2011 và 103 tỉ đồng trong năm 2012.

Các tỉnh này cho biết đề nghị này xuất phát từ nguyện vọng tha thiết của người dân, đặc biệt là những người dân nghèo ở vùng trung du, miền núi hẻo lánh, từ lâu có đời sống phụ thuộc lớn vào những chuyến tàu chợ. Trước đề nghị tha thiết này, Tổng công ty Đường sắt VN đã quyết định duy trì năm đôi tàu chợ đến sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Các phương án duy trì hay bãi bỏ những đôi tàu chợ này hiện vẫn đang được bàn thảo.

Kỳ tới: Chở cuộc mưu sinh

VIỄN SỰ - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên