18/10/2016 18:53 GMT+7

Bà Obama làm tổng thống, tại sao không?

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Những ngày qua, truyền thông Mỹ đã bắt đầu đề cập đến một khả năng mà từng có lúc họ "rón rén" nêu ra: bà Michelle Obama sẽ tranh cử vào năm 2020. Thậm chí có người cho rằng nếu bà ra tranh cử ngay vào lúc này thì cũng dễ dàng chiến thắng.

Bà Obama phát biểu trong sự kiện tổ chức tại Nhà Trắng hôm 11-10 nhân Ngày Quốc tế cho bé gái - Ảnh: Reuters

Những ngày này, dường như truyền thông Mỹ đã chán ngán với những tranh cãi không dứt và không đi vào trọng tâm của hai ứng viên của hai chính đảng, đã xuất hiện những ý kiến cho rằng bà Đệ nhất phu nhân Michelle Obama thậm chí còn xứng đáng hơn cả.

Trong tám năm đóng vai trò Đệ nhất phu nhân nước Mỹ, người ta thấy rằng nữ luật sư sắc bén này đã tránh can dự vào chính trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “tòng phu” như bà Hillary Clinton trước kia.

Bà Michelle Obama chỉ tham gia vào một số sự vụ mang tính xã hội như chống tình trạng béo phì, lo cho đời sống cựu binh Mỹ nhưng chỉ bấy nhiêu mà người Mỹ đã có thiện cảm với bà. Người ta có cảm giác bà là một chính trị gia bẩm sinh.

Nhưng cũng chính vì muốn tránh khỏi thế giới chính trị đầy mưu mô, toan tính mà bà lại có được điều mà bao chính trị gia khác mong muốn: sự ngưỡng mộ của người dân.

Khi bà nói chuyện về một vấn đề nào đó với người dân, người nghe không có cảm giác phải lắng nghe một chính trị gia đang "thuyết khách" mà là đang nghe một phụ nữ thông hiểu những khó khăn của họ.

Bài phát biểu của bà tại Đại hội đảng Dân chủ hồi tháng 7 vừa qua đã gây ấn tượng rất mạnh với mọi người. Bà đã nói về tương lai của nước Mỹ với những lập luận sắc bén và thuyết phục. Giới phân tích cho rằng trong ngày hôm đó, bà lấn át cả ứng viên Bernie Sanders của đảng Dân chủ.

Nhưng bài phát biểu hồi cuối tuần qua của bà, nhằm vận động cho nữ ứng viên Hillary Clinton, mới được đánh giá là xuất sắc nhất trong các bài phát biểu của kỳ vận động tranh cử năm nay.

Giới phân tích cho rằng đó là “tiếng lòng” của một phụ nữ có trái tim nhạy cảm, một phụ nữ tràn đầy nhiệt huyết và chân thực. Thậm chí đối với phần lớn người Mỹ, bà Hillary Clinton cũng không có được những tố chất đó.

Bà Michelle Obama đã chứng tỏ có tài nói chuyện với đám đông - Ảnh: AFP

Người ta đã nghe thấy bà Michelle phê phán những lời nói thô bỉ của ứng viên Donald Trump (dù bà không nêu tên) bằng tiếng nói như thể đại diện cho số đông phụ nữ Mỹ, nếu không muốn nói là của cả người Mỹ.

"Đó không phải là kiểu nói trà dư tửu hậu. Đó là kiểu nói của gã đàn ông cậy quyền ỷ thế nói năng văng mạng về kiểu ham hố tính dục. Chỉ kiểu người như thế mới khoe khoang chuyện ôm hôn và sờ mó phụ nữ", bà Obama đã kết luận như thế về những ngôn từ thô bỉ mà ông Trump đã “vui miệng” nói ra 11 năm trước.

Dù có thuộc đảng phái nào, Cộng hòa, Dân chủ hay độc lập thì không người phụ nữ nào đáng bị đối xử như thế. Không ai đáng bị nghe kiểu chửi rủa xúc phạm như thế"
Đệ nhất phu nhân Michelle Obama

Bà không ngại lên án những ngôn từ của người đang đại diện cho đảng Cộng hòa chạy đua để trở thành lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ: "Tôi nghe mà thấy lạnh cả sống lưng. Chuyện đó không phải bình thường. Đó không phải kiểu chính trị gia mà chúng ta mong chờ. Chuyện đó thật xấu hổ"

Ngay hôm 16-10, nhật báo đầy uy tín New York Times đã viết bằng những ngôn từ mà người ta thấy không hề cường điệu chút nào: “Bà ấy là hiện thân cho lương tâm của đất nước này”, là “người gìn giữ những giá trị nền tảng của chúng ta”.

Theo AFP, bà Michelle Obama giờ đây không còn là Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ như nghĩa thông thường mà đã trở thành “đệ nhất” của phụ nữ Mỹ, là gương mặt đạo đức của nước Mỹ, là tiếng nói của lý trí trong một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc vì một kỳ tranh cử Tổng thống kỳ lạ chưa từng có trong lịch sử.

Có thể nói, bà Michelle đã từng bước chinh phục thiện cảm của người Mỹ. Người ta nhớ lại hình ảnh của bà nắm lấy tay cựu Tổng thống George W. Bush khi họ cùng có mặt trong buổi tang lễ các sĩ quan cảnh sát Mỹ bị một hung thủ người da màu bắn tỉa vì muốn thể hiện thái độ chống đối cách cảnh sát đối xử với người da màu.

Hình ảnh cựu Tổng thống Bush tựa vào vai bà Obama trong sự kiện khánh thành Bảo tàng lịch sử Mỹ-Phi ở Washington hôm 24-9 đã gây xúc động cho người dân Mỹ - Ảnh: AFP

Người ta lại nhớ đến một buổi lễ khác, ông George W. Bush đã nghiêng đầu lên vai bà Michelle Obama. Đó là hình ảnh của bà Đệ nhất phu nhân mà giờ đây người Mỹ đang mong thấy: là một người bạn, một người mẹ, một người chị sẵn sàng có mặt để chia sẻ, để băng bó những vết thương và để thống nhất lòng dân.

Những ngày qua, khi bà Michelle xuất chinh vận động cho bà Hillary, người ta đã dùng đến cụm từ "vũ khí bí mật của đảng Dân chủ" để mô tả tài năng của bà Đệ nhất phu nhân.

Có một nhà báo bình luận: "Thật nhẹ lòng thoải mái làm sao khi thấy ông Donald Trump, sau một chiến dịch vận động tranh cử đầy chất phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử với phụ nữ, giờ đây ông ấy bị một phát đạn ân huệ từ một phụ nữ da đen".

Dẫu cuộc đua vào chiếc ghế trong Nhà Trắng đang đến hồi quyết liệt và chưa biết thắng thua, người Mỹ lại đang bắt đầu mộng mơ về... một nữ Tổng thống da màu đầu tiên.

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên