Chiều 29-7, UBND TP Cần Thơ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ quý 2 năm 2024. Tại buổi họp báo, Tuổi Trẻ Online đề nghị cho biết vì sao nghị quyết 45 năm 2022 của Quốc hội cho thành phố nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhưng đến nay qua ba năm vẫn chưa có sản phẩm gì cụ thể?
Nguyên nhân chậm trễ do đâu?
Do phải phục hồi sau đại dịch COVID-19?
Ông Võ Nhựt Quang, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết nghị quyết này có sáu cơ chế, chính sách và hai dự án mang tính đặc thù cho thành phố.
Điều kiện đặt ra để thực hiện các cơ chế, chính sách này đòi hỏi thành phố phải đạt được tự chủ về tài chính, có tăng thu ngân sách...
Khi triển khai thì Cần Thơ cũng như các địa phương trong cả nước trong tình trạng phải khắc phục, phục hồi sau đại dịch COVID-19 cho nên tới hiện nay, tính hết năm ngân sách 2023 thành phố chưa được hưởng các chính sách liên quan tới tài chính ngân sách.
Có hai nội dung thành phố đang triển khai thực hiện. Thứ nhất, đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương để trình Thủ tướng liên quan nâng trần nợ vay từ 40% đến 60%, thành phố có đề xuất dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 61C và đầu tư tuyến Ô Môn (Cần Thơ) đến Giồng Riềng của tỉnh Kiên Giang (tổng vốn đầu tư 8.700 tỉ đồng).
Thứ hai là dự án trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện thành phố đang trình Thủ tướng ban hành quyết định thành lập trung tâm, đồng thời bố trí vốn thực hiện quy hoạch phân khu cho hai vị trí tại quận Bình Thủy (50ha) và tại huyện Cờ Đỏ (200ha).
"Về tiến độ chung triển khai nghị quyết 45 của Quốc hội, qua cuộc họp của Ban thường vụ Thành ủy có đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan, bao gồm cả việc chủ động tích cực phối hợp với các bộ ngành trung ương để tham mưu các nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương. UBND TP đã ban hành các văn bản chấn chỉnh các sở ngành để tập trung thực hiện trong thời gian sớm nhất", ông Quang nói.
Vì sao chưa phát hành trái phiếu chính quyền địa phương?
Cũng liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội cho TP Cần Thơ, phóng viên đặt vấn đề theo đề án đã được ban hành, thành phố sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương đợt 1 là 1.000 tỉ đồng trong tháng 7-2024 nhưng vì sao đến nay chưa thực hiện được?
Ông Nguyễn Thanh Sĩ, phó giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ, cho biết đây mới là dự kiến. Theo quy định, thành phố sẽ xây dựng đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương gửi Bộ Tài chính có ý kiến và bộ đã có ý kiến với đề án của thành phố.
Ngày 26-7, UBND TP Cần Thơ có cuộc họp và đã có thông báo kết luận chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài chính cùng các chủ đầu tư sử dụng vốn trái phiếu chính quyền địa phương thống nhất các phương án để tham mưu, đề xuất và hoàn chỉnh đề án trong năm 2024 theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Sở sẽ tích cực, cố gắng hoàn thành đề án này trong thời gian sớm nhất để tổ chức thực hiện.
Nói thêm vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển giải thích: "Bộ Tài chính thẩm định, có ý kiến là địa phương phải thực hiện kỹ, phát hành số tiền này thì sử dụng vào dự án nào, dự án đó phải cam kết trong năm nay sử dụng hết tiền, việc phát hành không thể để trả lãi vay mà không sử dụng, không thể giải ngân, tránh lãng phí".
“Cho nên tôi mới giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cùng với các chủ đầu tư ngồi lại tính ngày nào vay, số tiền được sử dụng thì giải ngân thế nào, đảm bảo trong năm 2024 sử dụng hết ra sao", ông Hiển nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận