Người đẹp điền kinh Belarus đang gặp rắc rối - Ảnh: EPA
Chiều 2-8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Marcin Przydacz xác nhận Timanovskaya đã nhận được visa nhân đạo từ Ba Lan.
"Ba Lan sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp cô ấy có thể tiếp tục sự nghiệp thể thao. Ba Lan luôn hướng tới sự đoàn kết", ông Przydacz viết trên Twitter.
Theo AP, Timanovskaya cũng đang tìm cách xin tị nạn ở Ba Lan. Tổ chức Đoàn kết thể thao Belarus cho biết họ đã mua vé máy bay để nữ VĐV điền kinh này lên đường vào ngày 4-8.
Trước đó, Timanovskaya gặp rắc rối vì chỉ trích các quan chức điều hành tuyển điền kinh Belarus tại Olympic Tokyo. Ban đầu, cô chỉ tham dự nội dung 200m. Nhưng trong đoạn video đăng tải trên Instagram, cô cho biết bị ép tham dự thêm nội dung 4 x 400m tiếp sức do một VĐV khác của Belarus không đủ điều kiện tham dự vì không thực hiện đủ số lần kiểm tra doping.
Sau khi phanh phui vụ việc, Timanovskaya nhận hàng loạt lời đe dọa và hiện đoạn video đã được xóa. Cô còn bị các quan chức thể thao Belarus bắt đóng gói đồ đạc và về nước ngay lập tức.
Khi đến sân bay Haneda ở Tokyo, Tomanovskaya đã tiếp xúc cảnh sát Nhật Bản và trình bày mọi chuyện, sau đó được đưa đến nơi an toàn. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết đã liên hệ phía Belarus để làm rõ vụ việc.
Kristina Timanovskaya được cảnh sát Nhật Bản hộ tống tại sân bay Haneda - Ảnh: REUTERS
Dự kiến hôm nay (2-8), Kristina Timanovskaya thi đấu nội dung 200m. Thay vào đó, cô đã chạy khắp nơi để xin tị nạn. Trong số những nơi mà cô "gõ cửa" có Nhật Bản và Ba Lan.
"Tôi sợ mình sẽ bị đi tù ở Belarus. Tôi không sợ việc bị đuổi khỏi đội tuyển, chỉ lo lắng về sự an nguy của bản thân. Tôi nghĩ lúc này sẽ không được an toàn khi ở Belarus. Tôi chẳng làm gì cả. Nhưng họ đã tước đoạt quyền tham dự nội dung 200m của tôi và ép buộc tôi phải về nước", Timanovskaya trả lời phỏng vấn tờ Tribuna của Belarus.
Hiện Balarus đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ. Kể từ khi Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 hồi tháng 8 năm ngoái, người dân nước này đã đổ xuống đường và tổ chức nhiều cuộc biểu tình rầm rộ.
Ngoài việc lãnh đạo Belarus, ông Alexander Lukashenko còn là chủ tịch Ủy ban Olympic Belarus (NOC) trong nhiều năm. Tháng 2 vừa qua, con trai ông là Viktor Lukashenko đã thay cha nắm quyền ở vị trí này.
Tuy nhiên, IOC khẳng định họ không công nhận vai trò của ông Viktor. Cả hai cha con Tổng thống Lukashenko đều bị cấm tham dự Olympic Tokyo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận