03/11/2024 07:25 GMT+7

Bà Harris đem đến làn gió mới, nhưng...

Chính trường Mỹ hiếm khi chứng kiến sự vươn lên thần tốc như của bà Harris, song dấu hỏi vẫn còn nguyên về cá tính lãnh đạo của bà nếu bà thắng cử.

Bà Harris liệu có đẩy lùi được mác 'nhiệm kỳ Obama thứ tư'? - Ảnh 1.

Bà Harris vận động tranh cử tại làng Little Chute, bang Wisconsin ngày 1-11 - Ảnh: REUTERS

Dù ngày bầu cử 5-11 tại Mỹ đã đến rất gần, cục diện bầu cử vẫn là sự bất phân thắng bại giữa hai ứng viên tổng thống Donald Trump và Kamala Harris.

Cả hai đều đã tung những "con bài tẩy" chính sách của mình lên bàn để các cử tri xem xét. Ứng viên của Đảng Dân chủ - Phó tổng thống Kamala Harris - đặt cược tấm vé trở thành nữ chủ nhân đầu tiên của Nhà Trắng bằng những chính sách cấp tiến nhưng cũng không kém phần gây tranh cãi.

Chưa thoát được hình bóng những người tiền nhiệm

Xét về thành tích đối đầu, bà Harris được hầu hết giới quan sát đánh giá là người nhỉnh hơn trong cuộc tranh luận tổng thống duy nhất giữa hai ứng viên.

Dù diễn ra đột ngột và có rất ít thời gian để chuẩn bị, chiến dịch tranh cử của bà Harris vẫn được cho là khá ổn khi mang hình ảnh tươi mới, tích cực về bà đến với cử tri.

Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử xuất sắc đến đâu cũng không thể che giấu điểm yếu cố hữu là ứng viên Đảng Dân chủ chưa thổi được cá tính riêng vào những chính sách mà bà hứa hẹn.

Trong bài phân tích ứng viên tổng thống của mình, báo Wall Street Journal nhận xét nhiệm kỳ tổng thống của bà Harris có thể được xem như nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Joe Biden, thậm chí là nhiệm kỳ thứ tư của cựu tổng thống Barack Obama.

Giống như ông Obama và ông Biden, bà Harris sẽ trở thành "người lướt ván" tiếp theo trên con sóng chính trị cấp tiến phủ lấy Đảng Dân chủ trong thế kỷ 20.

Chính sách kinh tế chưa rõ nét

Bà Harris liệu có đẩy lùi được mác 'nhiệm kỳ Obama thứ tư'? - Ảnh 2.

Ông Obama thể hiện khả năng diễn thuyết ấn tượng trong buổi vận động cho bà Harris ở bang chiến địa Pennsylvania, ngày 10-10 - Ảnh: AFP

Theo Washington Post, bà Harris vẫn chưa thật sự giải thích cặn kẽ những chính sách kinh tế của mình. Bà tập trung tuyên truyền, giới thiệu việc xây dựng một nền kinh tế dễ thở đối với tầng lớp trung lưu, gọi là "nền kinh tế cơ hội".

Một trong những trụ cột chính sách của bà là đẩy mạnh phúc lợi xã hội cho người dân, đặc biệt qua việc mở rộng hai chương trình An sinh xã hội và Medicare (bảo hiểm y tế), cũng như cam kết không tăng thuế cho người thu nhập dưới 400.000 USD/năm.

Bên cạnh đó bà còn hướng đến việc "hồi sinh" và mở rộng một số chương trình miễn trừ thuế thu nhập cá nhân, bao gồm chương trình giảm thuế cho phụ huynh trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên đến nay bà Harris vẫn chưa công khai chi tiết lộ trình hướng đến những mục tiêu trên.

Nhiều khả năng bà Harris sẽ tiếp nối chủ trương chuộng thương mại đa phương, tự do của ông Biden và không lạm dụng hàng rào thuế quan như ông Trump.

Trung Quốc có thể sẽ là ngoại lệ hiếm hoi của chủ trương này. Trong bốn năm ở Nhà Trắng, ông Biden và bà Harris đã ban hành nhiều khoản thuế ngất ngưởng vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như xe điện, khoáng sản quý. Phó tổng thống Mỹ được kỳ vọng sẽ tiếp tục chính sách này nếu đắc cử.

Sát cánh với đồng minh truyền thống

Bà Harris đem đến làn gió mới, nhưng... - Ảnh 5.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris bên lề Hội nghị An ninh Munich, ngày 17-2 - Ảnh: AFP

Đối ngoại không thật sự là mặt được đánh giá cao của chính quyền Biden - Harris. Trong giai đoạn cầm quyền, cả hai đã trải qua cuộc rút quân đẫm máu của quân đội Mỹ khỏi Afganishtan khiến 13 lính Mỹ thiệt mạng và chính quyền thân Mỹ tại đây nhanh chóng sụp đổ.

Thế giới cũng chứng kiến hai cuộc xung đột nặng nề bậc nhất trong nhiều năm nổ ra ở Ukraine và Trung Đông, trong khi căng thẳng trên eo biển Đài Loan cũng nóng lên đáng kể.

Điều này được cho phần nào xuất phát từ cách tiếp cận mềm mỏng, chưa đủ răn đe của tổng thống và phó tổng thống đương nhiệm.

Nhiều nhà phân tích lo ngại việc bà Harris còn thiếu kinh nghiệm trong chuyện xử lý các vấn đề đối ngoại có thể khuyến khích các đối thủ của Washington như Nga và Trung Quốc bạo dạn hơn.

Tuy nhiên, về cơ bản, bà Harris gần như chắc chắn sẽ tiếp tục thi hành những chính sách an ninh - đối ngoại của ông Biden.

Bà từng tuyên bố vẫn sẽ ủng hộ và hỗ trợ quân sự cho Ukraine nếu đắc cử tổng thống, đồng thời nhấn mạnh quan điểm sẽ sát cánh với Israel tại Trung Đông. Ứng viên Đảng Dân chủ không nói cụ thể liệu nước Mỹ dưới quyền bà có đặt ra những điều kiện cụ thể cho Tel Aviv nhằm đổi lấy các khoản viện trợ quân sự hay không.

Mối quan hệ giữa Washington và các đồng minh còn lại, bao gồm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng được kỳ vọng sẽ không có gì xáo trộn nếu bà Harris làm tổng thống.

Tiếp tục làn sóng cấp tiến

Bà Harris liệu có đẩy lùi được mác 'nhiệm kỳ Obama thứ tư'? - Ảnh 4.

Bà Harris chụp ảnh cùng các cử tri ở Pennsylvania ngày 27-10 - Ảnh: AFP

Đối với các vấn đề còn lại trong nội bộ Mỹ, phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh quan điểm cấp tiến của mình và cũng là của Đảng Dân chủ trong nhiều năm qua.

Bà Harris ủng hộ quyền nạo phá thai nói riêng và quyền tự chủ cơ thể nói chung của phụ nữ, trực tiếp khẳng định sẽ đấu tranh để Quốc hội Mỹ luật hóa quyền này ở cấp độ liên bang.

Bà cũng chủ trương đi đầu các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, đặc biệt là việc tiếp tục thi hành đạo luật giảm lạm phát mà bà từng đóng vai trò quyết định trong việc thông qua.

Đây chính là đạo luật môi trường tham vọng nhất dưới thời ông Biden, cung cấp hàng trăm tỉ USD ngân sách cho các chủ trương năng lượng xanh, năng lượng sạch của Nhà Trắng.

Về vấn đề nhập cư bất hợp pháp, bà Harris đưa ra cam kết giải quyết vấn đề này. Giải pháp đáng kể nhất mà bà đưa ra là "hồi sinh" dự luật về kiểm soát biên giới từng "chết yểu" vì vấp phải sự phản đối của ông Trump hồi đầu năm 2024.

Cuối cùng, về mặt lập pháp, bà Harris hứa hẹn sẽ theo đuổi một số mục tiêu cải cách như gỡ bỏ yêu cầu tối thiểu 60 phiếu bầu để thông qua hầu hết dự luật tại Thượng viện, điều chỉnh quy định bầu cử để cử tri dễ bầu từ xa hơn...

Đặc biệt, phó tổng thống Mỹ sẽ tìm cách theo đuổi tham vọng cải cách tư pháp bằng việc đề xuất giới hạn nhiệm kỳ với thẩm phán tòa án tối cao.

Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Online tại đây.

Bà Harris liệu có đẩy lùi được mác 'nhiệm kỳ Obama thứ tư'? - Ảnh 6.Bang Washington chỉ đạo quân đội sẵn sàng can thiệp bạo lực bầu cử

Thống đốc bang Washington lệnh cho lực lượng Vệ binh quốc gia sẵn sàng can thiệp các trường hợp bạo lực liên quan đến bầu cử.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên