11/01/2018 17:38 GMT+7

Bà con miền Nam đã 'ăn là ăn ráo trọi'?

NGUYỄN VĂN CÔNG (Đồng Nai)
NGUYỄN VĂN CÔNG (Đồng Nai)

TTO - Theo bạn đọc Nguyễn Văn Công, dù mang tiếng ăn chơi, nhưng trong ăn uống người miền Nam không phung phí. Dưới đây là 3 biểu hiện mà bạn đọc này quan sát và cảm nhận được.

Bà con miền Nam đã ăn là ăn ráo trọi? - Ảnh 1.

Theo tác giả, người miền Nam ăn uống đơn giản chỉ cần một nồi lẩu là có thể đãi khách - Ảnh: Tư liệu

1. Người miền Nam ăn uống đơn giản, không phô trương

Thông thường một mâm cỗ ở miền Nam (người gốc Sài Gòn hoặc người miền Tây) thường không quá nhiều món như miền Bắc và miền Trung (trừ tiệc tùng, đám xá), họ thường tổ chức một cách đơn giản và gọn nhẹ.

'Vì lời đàm tiếu tôi rất ngại lấy thức ăn thừa mang về'

TTO - Theo bạn đọc Phan Tuyết, do tính ích kỉ của người Việt đã làm cho ai mang đồ thừa về cũng thấy ngại. Từ đó, đã nảy sinh suy nghĩ: "Thà nhịn ăn một tí còn hơn bị mọi người đánh giá thì nhục lắm".

Có khách đến chơi thì họ cũng nhanh chóng chế biến hoặc tìm phương án gọn gàng mà khách cũng cảm thấy không kém phần ấm cúng, trân trọng. Chẳng hạn, chỉ cần một nồi lẩu là có thể đãi khách hoặc vì không kịp chuẩn bị thì họ có thể mua một vài món là đâu vào đấy.

Phong tục mỗi miền mỗi khác, ăn sâu vào nét văn hóa của người Việt, cái gì cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Song, cả nước chúng ta đang thực hiện lối sống tiết kiệm, chống lãng phí thì mỗi cá nhân cho dù vùng miền nào cũng nên tiết kiệm, bỏ qua bệnh sĩ, bệnh ngại, bệnh mắc cỡ hay đàm tiếu để tiết kiệm một cách chân thực nhất."

Nguyễn Văn Công

Thức ăn đơn giản, hợp khẩu vị thì đâu cần phải rình rang làm gì cho tốn kém. Tuy nhiên, ở miền Bắc và miền Trung (mẹ tôi miền Bắc, cha tôi miền Trung) bản thân tôi cảm nhận được họ trọng phần nghi lễ thậm chí là rất rườm rà trong khâu chuẩn bị.

Một người khách đến nhà chơi cần phải thông báo trước ít nhất một ngày, mâm cơm đãi khách nhất định phải chuẩn bị công phu (cho dù khách chỉ 1-2 người), các món ăn bao giờ cũng đầy đủ như gà vịt, giò, trứng, đậu phụ… ít nhất cũng phải từ 5, 6 món trở lên.

Vì trọng hình thức nên mâm cơm bao giờ cũng đầy đủ món, thiếu hoặc ít họ sẽ cảm thấy lăn tăn và cho rằng mình chưa hiếu khách. Song, ăn uống thường không bao giờ hết thức ăn trong mâm, thậm chí nếu còn dư thật nhiều thì họ cảm thấy mãn nguyện vì "mâm cao cỗ đầy" và "hiếu khách"…

Tuy nhiên, suy cho cùng những thức ăn còn lại sẽ không được bảo quản tốt thì sẽ kém chất lượng hoặc không có phương tiện bảo quản sẽ dẫn đến ôi thiu… thậm chí có gia đình ăn xong còn thừa rất nhiều nhưng họ sẵn sàng đổ hết… Phải chăng là quá lãng phí chỉ vì bệnh sĩ?

2. Người miền Nam không khách sáo cả khách lẫn gia chủ

Đây cũng là nét văn hóa của người Nam bộ, họ rất trọng tình nghĩa nhưng họ lại ít khi khách sáo với nhau. Vì điều này mà tình cảm thường chan hoà, cởi mở và ít khi mất lòng nhau.

Chuyện mời nhau ăn cơm cũng không rườm rà, thậm chí cưới hỏi chỉ cần gia chủ điện thoại thì khách cũng sẵn sàng đến chia vui.

Họ rất tôn trọng gia chủ, nếu vì điều kiện hoàn cảnh nào đó khó khăn thì họ đặt thẳng luôn vấn đề như: anh chị chuẩn bị cho tôi món A, món B là xong.

Thậm chí có người khách hiểu gia chủ đến mức khi họ đến chơi còn mang theo cả đồ nhậu, không làm khó chủ nhà. Khi có sự kiện mang tính tập thể, mỗi nhà góp một phần thức ăn và cùng nhau tổ chức liên hoan một cách vui vẻ, không cầu kỳ.

Chuyện một người khách cảm thấy đói thì họ ăn rất thoải mái, ăn no chứ không có chuyện ăn cho được lòng gia đình. Tổ chức tại nhà thì cũng có thể không cần bàn ghế, họ trải chiếu hoặc ngồi dưới nền nhà là bữa tiệc cũng vui vẻ.

Còn ở miền Bắc, miền Trung thì sự khách sáo vẫn nặng. Trong nhà dù không còn tiền nhưng khi khách đến họ cũng cố để làm sao chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn. Phải bàn ghế đàng hoàng thậm chí còn cắt cử người giời thiệu, người tiếp khách…

Khi khách đến nhà chơi mặc dù rất đói nhưng hiếm ai dám ăn thật no!

3. Người miền Nam ăn ra ăn, chơi ra chơi nhưng không phung phí

Trong đời sống ẩm thực gia đình thì người miền Nam họ thường lựa chọn phương án vừa đủ, không thừa thãi. Ăn là ăn hết, "ăn ráo trọi" chớ không để dư, phí!

Chẳng hạn, một mâm cỗ ở miền Bắc, miền Trung có 5 người mà cắt 6 miếng giò thì miếng còn lại không ai dám ăn. Nhưng miền Nam thì khác, họ sẽ ăn hết hoặc cất đi dùng bữa khác.

Vài năm gần đây, ở miền Bắc và miền Trung có sự thay đổi rõ như đi đám cưới, cỗ bàn lớn thường họ cũng chia nhau mang về đồ ăn thừa, còn trước đây tâm lý ngại ngùng nên mỗi tiệc cưới, liên hoan, hội họp bao giờ cũng thừa cỗ… đành mang đi đổ. Vậy có hoang phí quá không?

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Theo bạn, làm sao giải quyết dứt điểm tình trạng này phung phí thức ăn thừa? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

NGUYỄN VĂN CÔNG (Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên