09/01/2018 09:45 GMT+7

Vì sao người Việt lãng phí thức ăn?

LẠI THỊ NGỌC HẠNH
LẠI THỊ NGỌC HẠNH

TTO - Theo bạn Lại Thị Ngọc Hạnh, bệnh sĩ diện, thích thể hiện, sợ bị đánh giá là keo kiệt và ám ảnh bởi quá khứ khó khăn,... là hai nguyên nhân chính khiến nhiều người Việt lãng phí thức ăn.


Vì sao người Việt lãng phí thức ăn? - Ảnh 1.

Không khó khăn gì để bắt gặp cảnh những bàn thức ăn ở các nhà hàng tàn tiệc rồi mà có nhiều đĩa chỉ mới được động đũa đôi chút - Ảnh: Tư liệu TTO

Việc nhiều người Việt Nam hiện nay đang sử dụng thức ăn một cách rất lãng phí, nhất là trong những ngày Tết nguyên đán là câu chuyện biết rồi nói hoài nhưng chưa sửa được. 

Không khó khăn gì để bắt gặp cảnh những bàn thức ăn ở các nhà hàng tàn tiệc rồi mà có nhiều đĩa chỉ mới được động đũa đôi chút. 

"Các nước phát triển trên thế giới đã và đang cố gắng tiêu dùng mọi thứ từ đồ ăn thức uống đến áo quần, túi xách … một cách hợp lý, tiết kiệm nhất, không lẽ một nước chưa giàu như Việt Nam mình cứ lãng phí hoài sao được?"

Lại Thị Ngọc Hạnh

Cũng dễ dàng nhìn thấy cảnh ngày mùng 4, 5 tết thùng rác ngoài phố bị đổ đầy bánh chưng, bánh tét mốc chua, rau củ, trái cây héo úa… 

Sự lãng phí đồ ăn này kéo từ ngày thường đến ngày lễ, tết, từ thành phố cho đến vùng quê. Vậy vì sao một đất nước chưa giàu, vẫn còn nhiều người nghèo khó như chúng ta lại lãng phí thức ăn như vậy?

Người Việt ăn uống lãng phí quá Người Việt ăn uống lãng phí quá

TTO - Một cô bạn tôi, đã sống và làm việc tại Paris nhiều năm, kể rằng hè năm ngoái khi về Hà Nội thăm người thân, cô rất ngạc nhiên mỗi khi vào nhà hàng vì thấy mọi người quá hao phí, gọi thật nhiều món đến thừa mứa.


Theo tôi, có hai nguyên nhân:

Một là: nhiều người mắc bệnh sĩ diện, thích thể hiện, sợ bị đánh giá là keo kiệt, bủn xỉn

Một bộ phận người Việt chúng ta mắc bệnh sĩ diện, thích thể hiện đẳng cấp sang chảnh bằng cách phô trương sự giàu có trong bàn ăn, gọi thật nhiều dù biết rằng sẽ không thể nào ăn hết. Nếu gọi ít hoặc vừa đủ sợ bị chê là "kẹo kéo", là keo kiệt. 

Ăn uống xong phải để dư lại một ít cho … lịch sự! Có thể khi tính tiền lòng cũng đau như cắt nhưng ngoài mặt phải cố cười như thể ta đây không tiếc tiền, hào phóng với mọi người. 

Tết nhất khách tới chơi là cứ phải dọn đồ ăn ra, khui bia rồi ép nhau ăn vài miếng, uống vài ly, không ăn uống là chủ nhà bị dông cả năm. Nhưng khách thì phải đi chúc Tết nhiều nơi nên những bàn tiệc bày ra có mấy khi được dùng hết. 

Điệp khúc dọn ra cất vô vài lần là đến điểm kết thúc bằng thùng rác. Hết Tết, đồ ăn thức uống bị hư do không kịp sử dụng phải đổ bỏ, chủ nhà cũng tiếc chứ nhưng không dọn, không mời, không chuẩn bị thì sợ người khác đánh giá là không nhiệt tình nên đành phải lãng phí.

Hai là: ám ảnh bởi quá khứ khó khăn, bởi một thời ăn không đủ no, mặc không đủ ấm

Đất nước Việt Nam trải qua quá nhiều năm chiến tranh, người dân vốn đã phải quen với cuộc sống thiếu thốn trăm bề, phải thắt lưng buộc bụng để dồn sức cho chiến trường. 

Sau giải phóng vì đất nước chậm đổi mới nên cuộc sống của đa số nhân dân lại tiếp tục khó khăn, thiếu thốn, cơm độn khoai, áo quần vá trước vá sau, chỉ dám ước ăn no mặc ấm chứ không dám mơ ăn ngon mặc đẹp. 

Ngày nay, khi kinh tế đất nước phát triển, thu nhập gia đình tăng lên, như để bù đắp lại cho những ngày gian khó nhiều người không tiếc tiền chi cho việc ăn và mặc. Ăn nhiều để bù cho những ngày đói. Dự trữ đồ ăn thức uống để đề phòng khi khan hiếm hàng hóa. 

Tâm lý tích trữ hàng hóa vốn đã ăn sâu trong tiềm thức của thế hệ ông bà chúng ta được truyền sang đời bố mẹ và một cách vô tình được di truyền tiếp cho thế hệ con cháu.

Tôi nhớ bà nội tôi khi còn sống, cứ hễ trời mưa mấy ngày là bà bắt đi mua thêm bao gạo dù trong nhà không thiếu. Bà nói mua để dành không lỡ mưa lâu cửa hàng hết gạo! Nếu lũ con cháu mà cười không chịu đi mua là bà sẽ cằn nhằn cho đến lúc chịu mua mới thôi. 

Nhà có khách hay đám tiệc gì là bà bắt mua thiệt nhiều đồ ăn, nấu thêm cơm vì "chẳng thà thừa còn hơn thiếu"! Cách suy nghĩ thừa hơn thiếu của bà đã lây sang tôi từ khi nào chẳng biết mà mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa sửa được.

Dẫu biết lãng phí thức ăn là góp phần làm ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền bạc và công lao động, là việc làm đáng chê trách khi trên đất nước mình và thế giới này còn nhiều người thiếu thức ăn nhưng để thay đổi thói quen xấu này không phải dễ dàng gì. 

Chỉ có điều các nước phát triển trên thế giới đã và đang cố gắng tiêu dùng mọi thứ từ đồ ăn thức uống đến áo quần, túi xách … một cách hợp lý, tiết kiệm nhất, không lẽ một nước chưa giàu như Việt Nam mình cứ lãng phí hoài sao được?

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Theo bạn, ngoài 2 nguyên nhân trên, còn lý do nào khiến người Việt lãng phí thức ăn? Làm sao giải quyết dứt điểm tình trạng này? Hãy chi sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

LẠI THỊ NGỌC HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên