26/12/2022 09:54 GMT+7

Bà Ba Thi - người 'góp lửa' đổi mới - Kỳ 2 : Lo gạo cho dân ăn thì sợ gì tù tội

QUỐC VIỆT - MẠNH DŨNG
QUỐC VIỆT - MẠNH DŨNG

Bà Ba Thi - anh hùng lao động Nguyễn Thị Ráo thời kỳ đổi mới là người từng mạnh dạn đề xuất xuống đồng bằng Cửu Long tổ chức mua gạo chở về phục vụ đồng bào TP.HCM, một ý tưởng rất táo bạo ở giai đoạn còn nhiều vướng mắc về cơ chế.

Bà Ba Thi - người góp lửa đổi mới - Kỳ 2 : Lo gạo cho dân ăn thì sợ gì tù tội - Ảnh 1.

Bí thư Võ Văn Kiệt (thứ hai từ phải qua) và bà Ba Thi, ông Lữ Minh Châu - Ảnh: Gia đình cung cấp

"Hạt gạo chị Ba Thi thật nhiều chất chứa. Rất khó phân tích tỉ lệ các phần cấu thành trong danh hiệu anh hùng của chị Ba, bao nhiêu phần trăm thuộc suy tính đến bạc tóc, bao nhiêu phần trăm thuộc những đêm thức trắng vì khắc khoải sự đói no của thành phố...".

Đó là trải lòng cảm động về bà Ba Thi của ông Tư Ánh, tức Trần Bạch Đằng, nguyên bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 3-10-1985. Đây cũng là ngày Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký quyết định tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho bà Ba Thi, anh hùng lao động Nguyễn Thị Ráo thời kỳ đổi mới.

Trĩu lo nồi cơm cho dân

Ngược thời gian trở lại buổi sáng ông Lữ Minh Châu, tức Ba Châu, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lúc ấy đương nhiệm giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, được Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt mời sang căn nhà gỗ bên bờ sông Sài Gòn ở quận 2 ăn sáng và bàn việc. 

Ông Ba Châu đến nơi thì thấy những gương mặt quen thuộc là bà Ba Thi lúc đó làm phó giám đốc Sở Lương thực; ông Năm Ẩn, giám đốc Sở Tài chính; ông Năm Nam, chánh văn phòng Thành ủy. 

Vui vẻ chào ông Ba Châu, bà Ba Thi cười nói: "Anh cán bộ ngân hàng coi lẹ lẹ tiền bạc cho tụi tui chạy lương thực nghen".

Sau khi ăn sáng xong, ông Sáu Dân mời trà mọi người và nói lý do gọi đến để cùng bàn chuyện "chạy ăn" cho 4 triệu dân TP.HCM. 

Không khí thân tình, mọi người đều nói chuyện cởi mở, thẳng thắn. Ông Sáu Dân cho biết tình trạng "kho lương" thành phố hết sức căng thẳng, lượng gạo chỉ còn đủ ăn vài ngày. 

Bộ Lương thực hứa thì không chắc chắn và lượng gạo cung cấp luôn thiếu hụt nhiều so với nhu cầu của 4 triệu dân. Còn nông dân lại không muốn bán gạo cho Nhà nước vì bị thiệt thòi. 

Sở Lương thực thành phố có đó mà phải chịu ngồi chờ bộ, vì chỉ là cơ quan quản lý, không có cơ chế kinh doanh, miền Tây có gạo nhưng lại không thể mua về cho dân thành phố ăn được...

Tới phần mình phát biểu, bà Ba Thi mạnh dạn đề xuất xuống đồng bằng Cửu Long tổ chức mua gạo chở về phục vụ đồng bào TP.HCM. 

Ý kiến "trúng bụng" mọi người. Dân thành phố có tiền và bao đời quen mua gạo chợ ăn, giờ lại không có gạo để mua, trong khi nông dân miền Tây có lúa gạo thì không đưa lên thành phố để bán được. 

Điểm nghẽn làm thiếu hụt nồi cơm của mấy triệu dân thành phố chính ở vấn đề này. Sự ngăn sông cấm chợ làm tắc nghẽn lưu thông hàng hóa, kể cả lương thực thiết yếu của người dân.

Thời điểm trao đổi với người viết bài này ở nhà riêng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, ông Ba Châu mắt đã yếu nhưng vẫn tìm được cả những tấm hình liên quan và chi tiết buổi "ăn sáng lịch sử" cùng ông Sáu Dân, bà Ba Thi. 

Ông kể ông Sáu Dân rất nặng lòng chuyện người dân phải hụt nồi cơm và đề nghị mọi người đề xuất giải pháp. Vấn đề là làm sao kết nối được nhu cầu mua gạo của TP.HCM với các tỉnh lúa miền Tây. 

Và bài toán khó là làm sao mua được giá thỏa thuận với nông dân để có gạo chở về trong thời điểm đó Nhà nước có "giá gạo kế hoạch đưa xuống" mà không hề theo giá thực tế thị trường.

Bà Ba Thi - người góp lửa đổi mới - Kỳ 2 : Lo gạo cho dân ăn thì sợ gì tù tội - Ảnh 2.

Cảnh xếp hàng mua gạo rất khó khăn thời bao cấp ở TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

"Xé rào" mua gạo về thành phố

Ông Ba Châu nhớ bà Ba Thi đã nhanh nhẹn nói rằng thời kháng chiến mình từng đi buôn gạo để làm liên lạc, nên hiểu rất rõ công việc này. 

Nếu ông Sáu Dân và Thành ủy đồng ý, bà có thể xuống miền Tây mua gạo chở nhanh về thành phố. Tuy nhiên, điểm vướng mắc là các quy định thời kỳ đó không cho phép bà mang danh nghĩa Sở Lương thực đi mua gạo nông dân với giá thỏa thuận, mà chỉ có thể với tư cách cá nhân. Và như vậy rõ ràng là "phạm luật", luật của thời kỳ bao cấp, quan liêu.

Nhắc nhớ buổi hiến kế quan trọng này, ông Ba Châu kể bà Ba Thi đã nói: "Nếu cho về miền Tây mua gạo cách này thì chúng tôi làm nhanh được, nhưng Trung ương phát hiện là dính tù đó". 

"Nếu vì lo miếng ăn cho dân mà anh chị phải đi tù thì tôi đi thăm nuôi", ông Sáu Dân cũng cười trả lời. Hai người cùng tuổi với nhau, sinh ra ở hai tỉnh liền kề Vĩnh Long - Trà Vinh, đã từng hiểu rõ nhau từ thời kháng chiến và đều cùng tấm lòng vì dân, vì nước.

Đến đây, coi như ông Sáu Dân đã bật đèn xanh cho bà Ba Thi về miền Tây mua gạo. Nhưng còn một vướng mắc nữa là tiền đâu mua, cơ chế nào để thành phố xuất tiền mặt khi chỉ đi mua với danh nghĩa cá nhân. 

Bà Ba Thi vui vẻ quay sang ông Ba Châu và Năm Ẩn: "Hai anh ngân hàng và tài chính bày kế đi, mình đâu có thiếu tiền". Ông Sáu Dân cũng đề nghị có giải pháp linh động mà hiệu quả.

Cuối cùng, cách "linh động" mà mọi người cùng tán thành là ông Năm Ẩn sẽ cử người Sở Tài chính đi theo bà Ba Thi để làm kế toán, ông Ba Châu cử người ngân hàng đi giữ tiền mặt và chi, thu. 

Bà Ba Thi sẽ lập một tổ đa phần là chị em phụ nữ để trực tiếp đi thỏa thuận mua lúa gạo, về sau có luồng ý kiến nửa đùa nửa thật rằng đây là "tổ buôn lậu của bà Ba Thi". 

Cách làm tuy vẫn không đúng chính sách, quy định về thu mua lương thực của Trung ương thời kỳ đó, nhưng cũng không "sai phạm nặng" vì hoàn toàn minh bạch tài chính. 

Cuối buổi bàn thảo, ông Sáu Dân dặn dò bà Ba Thi cứ mạnh dạn đi lo miếng ăn cho dân thành phố, thực tế còn vướng mắc ở đâu sẽ tìm cách tháo gỡ ở đó.

Ông Ba Châu kể bà Ba Thi đã rất vui vẻ, vừa ra về đã bắt tay làm việc "xé rào" ngay, khiến ông và ông Năm Ẩn cũng phải nhanh chóng bàn bạc với đơn vị cử người đi theo phối hợp. 

Chỉ vài ngày sau, những chuyến xe tải và ghe tàu từ TP.HCM của tổ thu mua lúa gạo bà Ba Thi đã có mặt ở đồng lúa miền Tây.

Nhắc lại một thời khó quên này, bà Nguyễn Thị Kim Anh, nguyên cán bộ văn phòng Công ty Lương thực TP.HCM, kể: "Tính cô Ba Thi là vậy, thấy việc gì có lợi cho dân, cho nước là quyết làm và làm nhanh, dù có thể bị ảnh hưởng đến mình. Thậm chí có người còn bóng gió cô có thể đi tù vì "tội buôn lậu" này, nhưng cô đã trả lời nếu làm được cho bụng dân no thì phải tù tội cô cũng chịu".

Thời còn kháng chiến trước năm 1975, cũng từ nhiệt huyết này mà bà Ba Thi suýt bị kỷ luật. Gần chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bà được phân công vào Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh Trà Vinh, chuẩn bị trận đánh vào đồn đối phương ở Vũng Liêm nhưng bị thiếu vũ khí. 

Trước đó, bà Ba Thi biết một trung đoàn quân chủ lực cách mạng có chôn hầm vũ khí khi hành quân qua đây, và bà đã cho người đào lên để lấy vũ khí đánh thắng trận. Về nguyên tắc, việc bà tự tiện lấy vũ khí của quân chủ lực là sai và có thể bị kỷ luật nặng, nhưng mọi người đều hiểu tấm lòng bà...

"Là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn Nam Bộ, đã từng lăn lộn với nắng mưa, đồng ruộng, tôi hiểu nông dân quý từng hột lúa như thế nào...

Trong những ngày khó khăn chồng chất, thành phố như bị cô lập vì tệ ngăn sông cấm chợ, tôi nghĩ đến đồng bào thành phố thiếu gạo, tôi nghĩ đến các má, các bà, các cơ sở đã che chở cách mạng trong những năm gian khổ..., tôi càng quyết tâm suy nghĩ phải làm thế nào giải quyết cho được khó khăn đó... Chuyện hột gạo, chén cơm thì hơn ai hết, phụ nữ là những người hiểu rõ và thông cảm một cách sâu sắc...".

Trích báo cáo của bà Ba Thi tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1985.

***********

Ban đầu là mang tiền xuống thu mua lúa gạo, sau bà Ba Thi thấy nông dân miền Tây thiếu thuốc men, vải vóc, xăng dầu mà lúc ấy có tiền cũng không dễ mua được, nên bà đem hàng hóa xuống đổi gạo. Lợi cả hai bên...

>> Kỳ tới: Về miền Tây chạy gạo

Bà Ba Thi - người Bà Ba Thi - người 'góp lửa' đổi mới - Kỳ 1: Giữa bộn bề khó khăn thời hậu chiến

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Thị Ráo - bà Ba Thi, người dân và nhiều cán bộ cấp cao đều nhắc nhớ với sự thương mến, trân trọng.

QUỐC VIỆT - MẠNH DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên