AstraZeneca không có nghĩa là 'con đường tới cái chết' trong tiếng Latin

Thông tin nói rằng cụm từ "AstraZeneca" được dịch thành "con đường tới cái chết" trên Google Dịch đang lan truyền rộng rãi, nhưng các nhà ngôn ngữ học khẳng định đây chỉ là tin đồn thêu dệt.

AstraZeneca không có nghĩa là 'con đường tới cái chết' trong tiếng Latin - Ảnh 1.

Thông tin nói rằng cái tên AstraZeneca có nghĩa “con đường tới cái chết” chỉ là sản phẩm từ lỗi dịch máy, không có cơ sở trong tiếng Latin - Ảnh: REUTERS

AstraZeneca không phải tiếng Latin như tin đồn

Vào tháng 5-2025, một thông tin gây tranh cãi lan truyền trên mạng xã hội X, cho rằng tên công ty dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca, khi tách thành các từ "A stra ze neca", có nghĩa là "con đường tới cái chết" trong tiếng Latin.

Người lan truyền thông tin này là Ben Tapper - một nhân vật nổi bật trong phong trào chống vắc xin tại Mỹ, theo báo cáo ngày 20-5 của chuyên trang kiểm chứng thông tin Snopes (Mỹ).

Trong đoạn video quay màn hình được đăng tải sau đó cho thấy ông Tapper đã tự tay nhập cụm từ liên quan vào công cụ dịch của Google, như một cách để cố chứng minh giả thuyết.

Tuy nhiên các chuyên gia về tiếng Latin và chính Công ty AstraZeneca đều khẳng định đây là một sự xuyên tạc sai lệch.

Công cụ Google Dịch thực tế có thể trả về bản dịch "con đường tới cái chết" khi nhập cụm từ "A stra ze neca" vào khung dịch, nhưng kết quả này không phản ánh bất kỳ quy tắc hay ngữ nghĩa nào của tiếng Latin.

Trang Snopes cho biết việc chia tách cụm từ thành những đơn vị không có nghĩa khiến công cụ dịch thuật hoạt động sai lệch, dễ dẫn đến hiểu nhầm và đây là điều không hiếm gặp với các công cụ dịch tự động.

"Astra thực sự là một từ Latin, xuất hiện trong cụm ad astra, nghĩa là 'tới những vì sao', tuy nhiên các cụm còn lại như ze, neca và đặc biệt là stra không mang bất kỳ ý nghĩa nào trong tiếng Latin.

Từ Zeneca, dù viết rời hay liền, đều không có gốc Latin", giáo sư chuyên ngành cổ điển học tại Đại học Barnard, bà Kristina Milnor, xác nhận qua email gửi Snopes.

AstraZeneca - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình bài đăng của ông Ben Tapper - Ảnh: Snopes

Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ giảng dạy tiếng Latin tại Đại học New York Mikael Papadimitriou cũng đồng tình với phản hồi chuyên môn của bà Milnor rằng không có từ nào trong các cụm stra, ze, neca là tiếng Latin.

"Trong tiếng Latin cổ điển, không có từ bản địa nào bắt đầu bằng chữ z, trừ những danh từ mượn từ ngôn ngữ khác, Zeneca rõ ràng là một cái tên được sáng tạo", ông Papadimitriou viết trong thư trả lời Snopes.

Không phải lần đầu bị bóp méo

Theo Snopes, về nguồn gốc chính thức, cái tên AstraZeneca xuất hiện sau thương vụ sáp nhập năm 1999 giữa hai công ty là Astra AB và Zeneca Group.

Bài đăng trên tài khoản X chính thức của AstraZeneca vào tháng 10-2019 cũng cho biết Astra xuất phát từ chữ astron trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là ngôi sao, còn Zeneca là một từ hoàn toàn do con người nghĩ ra.

Từ Zeneca được đặt bởi một công ty truyền thông, với tiêu chí dễ nhớ, không mang ý nghĩa xấu trong bất kỳ ngôn ngữ nào, dài không quá ba âm tiết và bắt đầu bằng một chữ cái nổi bật trong bảng chữ cái.

Trong đợt cao điểm của đại dịch COVID-19 năm 2021, một tin đồn khác từng khẳng định rằng AstraZeneca có nghĩa là "vũ khí giết người", nhưng cũng đã bị các chuyên gia ngôn ngữ bác bỏ hoàn toàn.

Chuyên trang Snopes cảnh báo dù Google Dịch tiện lợi, nhưng không thể thay thế vai trò của con người trong công việc dịch thuật, đặc biệt đối với các ngôn ngữ cổ như Latin.

Bản thân Google cũng khuyến cáo rằng dịch máy chỉ nên được sử dụng như công cụ tham khảo hạn chế, và không thể thay thế dịch thuật chuyên nghiệp.

AstraZeneca không phải 'con đường tới cái chết' trong tiếng Latin - Ảnh 3.Giới khoa học bác bỏ tin đồn vắc xin COVID-19 mRNA gây ung thư

Một nghiên cứu tại Đức đang bị xuyên tạc trên mạng xã hội, khi nhiều người phát tán thông tin sai lệch rằng vắc xin mRNA ngừa COVID-19 gây ung thư và hội chứng 'VAIDS' - điều mà chính các tác giả của nghiên cứu đó đã lên tiếng bác bỏ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên