20/05/2025 18:01 GMT+7

Video xúc động về cựu binh hát trong chương trình tài năng Mỹ là sản phẩm của AI

Đoạn video xúc động về cựu binh Thế chiến 2 hát tưởng nhớ người bạn gây sốt mạng xã hội Mỹ, nhưng đây thực chất lại chỉ là sản phẩm dàn dựng bằng công nghệ AI tinh vi.

Video xúc động về cựu binh hát trong chương trình tài năng Mỹ là sản phẩm của AI - Ảnh 1.

Nhân vật hư cấu Henry Whitaker trong đoạn video do AI tạo ra được lan truyền trên mạng - Ảnh chụp màn hình YouTube

Những ngày tháng 5 gần đây, mạng xã hội Mỹ lan truyền chóng mặt một đoạn video cảm động được cho là ghi lại màn trình diễn của một cựu binh Thế chiến 2 tên Henry Whitaker (95 tuổi) trên sân khấu chương trình tìm kiếm tài năng "America's Got Talent" (AGT).

Trong video, cụ ông 95 tuổi đứng hát để tưởng nhớ người bạn thân quá cố Thomas với câu chuyện đầy xúc động về tình bạn và ký ức thời chiến, nội dung này sau đó đã nhận được 2,9 triệu lượt xem trên các nền tảng YouTube và TikTok.

Tuy nhiên, điều bất ngờ rằng trang kiểm chứng thông tin Snopes ngày 19-5 đã xác nhận đây là nội dung giả mạo do công nghệ (AI) tạo ra và buổi biểu diễn này chưa từng xuất hiện trong chương trình AGT.

Công ty sản xuất chương trình này là Fremantle cũng xác nhận qua email với Snopes rằng video này hoàn toàn không liên quan đến bất kỳ thí sinh nào từng xuất hiện trên sân khấu AGT.

Theo đó, các cuộc rà soát trên các công cụ tìm kiếm lớn như Bing, DuckDuckGo, Google và Yahoo không phát hiện được nguồn tin đáng tin cậy nào xác thực sự tồn tại của nhân vật Henry Whitaker với tư cách là một cựu binh từng tham gia AGT.

Không chỉ vậy, những chi tiết trong video cũng nhanh chóng bị phát hiện là vô lý.

Theo phân tích của Snopes, nếu nhân vật Henry Whitaker thực sự 95 tuổi vào năm 2025, ông sẽ chỉ mới 14 tuổi vào năm 1944, tức là chưa đủ tuổi nhập ngũ trong Thế chiến 2.

Chi tiết nói rằng người bạn của ông Whitaker là ông Thomas đã hy sinh cách đây 76 năm, tức là năm 1949, cũng không khớp với mốc kết thúc Thế chiến 2 vào năm 1945.

Những mâu thuẫn này càng làm rõ bản chất hư cấu và dàn dựng của video, cho thấy nó được tạo ra nhằm mục đích gây xúc động chứ không phản ánh bất kỳ sự kiện có thật nào.

Đoạn video do AI tạo dựng nói về nhân vật Henry Whitaker hát tưởng nhớ người bạn đã mất trong Thế chiến 2 - Nguồn: YouTube

Điều đáng lo ngại là video về ông Henry Whitaker chỉ là một trong rất nhiều nội dung giả mạo được kênh YouTube AGTverse tung ra.

Trong loạt nội dung đó còn có một đoạn video khác kể về câu chuyện bi kịch của người cha có tên Ernesto bị gia đình bỏ rơi thu hút hơn 37 triệu lượt xem trên các nền tảng YouTube và TikTok, tuy nhiên nhân vật này cũng hoàn toàn không có thật.

Chuyên trang Snopes đánh giá những video này được dàn dựng công phu với hình ảnh và giọng nói do AI tạo ra, nhằm trục lợi từ cảm xúc người xem để thu hút lượt xem và tương tác, bất chấp tính trung thực hay đạo đức truyền thông.

Sự việc đặt ra một cảnh báo về vấn đề lạm dụng AI để tạo ra những câu chuyện giả nhằm đánh lừa cảm xúc người xem, gây nhiễu loạn thông tin và tác động đến nhận thức cũng như cảm xúc của công chúng.

Làn sóng trục lợi cảm xúc người xem qua video giả mạo bằng AI lan rộng ở Mỹ - Ảnh 2.Video tàu du lịch xả nước thải ra đại dương là giả, do AI làm

Một video lan truyền trên TikTok ghi lại cảnh nhiều tàu du lịch xả nước thải chưa qua xử lý ra biển qua các đường ống khổng lồ thực chất là giả mạo, được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo, theo xác nhận từ nhiều công cụ kiểm chứng thông tin trên mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên