Trở lại Việt Nam lần này, trong vai trò là quốc vụ khanh (bộ trưởng) Bộ An ninh năng lượng và Trung hòa carbon của Anh, ông Graham Stuart kỳ vọng chuyến công tác từ ngày 31-7 đến 3-8 của ông sẽ giúp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong chuyển dịch năng lượng sạch.
Ông Stuart cho rằng nền kinh tế Việt Nam và Anh có nhiều điểm tương đồng. Hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác để có thể cùng nhau nắm bắt các cơ hội kinh tế, đầu tư từ chuyển đổi năng lượng.
Chìa khóa thu hút đầu tư
Theo Bộ trưởng Stuart, kinh tế Việt Nam và Anh đều phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài và dựa vào xuất khẩu. Về môi trường đầu tư, hiện nay năng lượng sạch là điều kiện mà các công ty trên thế giới đặt ra khi đến xây dựng nhà máy. Kinh nghiệm tại Anh cho thấy "nếu không cung cấp năng lượng sạch, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà nền kinh tế của chúng tôi dựa vào sẽ sụt giảm", ông chia sẻ.
Về xuất khẩu, cả Anh và Việt Nam đều xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới. Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều thị trường khác đã ban hành Luật về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Đây là một công cụ chính sách nhằm giải quyết nguy cơ hàng hóa có lượng phát thải carbon cao được nhập khẩu vào EU.
CBAM đảm bảo rằng chi phí carbon của hàng nhập khẩu sẽ tương đương với chi phí carbon mà các nhà sản xuất ở EU phải tuân thủ theo quy định hiện hành. Vì vậy nếu không giảm phát thải carbon bằng sử dụng năng lượng sạch, việc xuất khẩu sẽ bị ách tắc.
"Nếu ai đó còn nói năng lượng sạch chỉ là thứ gì đó xa xỉ thì tôi muốn nói rằng thế giới đang thay đổi và chúng tôi, chúng ta phải làm sạch hệ thống năng lượng của mình. Từ góc độ môi trường, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi năng lượng là vô cùng cần thiết. Bằng cách khai thác tất cả những gì được thiên nhiên ban tặng, chúng ta có thể có một hệ thống năng lượng chi phí thấp cần thiết cho lĩnh vực đời sống và công nghiệp nặng", ông Stuart nhấn mạnh.
Chuyển đổi năng lượng còn là để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của nước ngoài.
"Chúng ta đều thấy giá năng lượng tăng vọt đã ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến sự tăng trưởng kinh tế. Vì vậy một lần nữa, chuyển dịch sang năng lượng sạch có nghĩa là Việt Nam sản xuất được nhiều điện năng hơn từ các nguồn năng lượng tái tạo trên bờ và ngoài biển. Tôi đã chứng kiến tiềm năng về năng lượng sạch to lớn của Việt Nam ở Bình Thuận. Thực tế cho thấy các cơ hội đang rất nhiều", ông Stuart nói.
"Tôi tin sau quá trình này, Anh và Việt Nam sẽ củng cố hơn nữa sức mạnh kinh tế, an ninh năng lượng và hơn thế nữa so với các nước láng giềng", ông nhấn mạnh.
Điện khí hóa giao thông, xanh hóa nông nghiệp
Theo sau cam kết tham vọng mà Việt Nam đưa ra tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm 2021 tại Glasgow (Scotland) với mục tiêu phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam và nhóm đối tác quốc tế do Vương quốc Anh chủ trì đã ký hợp tác về Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). JETP sẽ huy động 15,5 tỉ USD từ nguồn tài chính công và tư để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu đó qua việc chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Theo ông Stuart, với lộ trình Net Zero của Việt Nam, lượng phát thải carbon cần đạt đỉnh vào năm 2035 và sau đó giảm nhanh. Dòng tiền khổng lồ, đặc biệt từ các nhà đầu tư tư nhân, sẽ chảy vào Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, Việt Nam cần thiết lập các quy định pháp lý phù hợp và ưu tiên các lĩnh vực cần giảm phát thải.
Các lĩnh vực cần ưu tiên là điện khí hóa giao thông và giảm phát thải trong nông nghiệp - hỗ trợ nông dân trồng lúa hiệu quả nhưng ít phát thải hơn.
"Những thành tựu gần đây của Việt Nam trong việc xác định các mục tiêu khí hậu là rất đáng ngưỡng mộ. Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai hành động nhanh chóng và có quy mô nhằm đạt được mức phát thải đỉnh vào năm 2035 và các mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Tôi hy vọng sẽ được chứng kiến những hợp tác của chúng ta trong chuyển dịch năng lượng".
Giúp Việt Nam tiếp cận nhà đầu tư
Chiều 2-8, ông Graham dự lễ khai mạc Chương trình thúc đẩy tài chính khí hậu (CFA) giai đoạn 2 tại TP.HCM. CFA là chương trình hỗ trợ kỹ thuật trị giá 11,8 triệu bảng Anh (15 triệu USD) do Tổ chức Tài chính khí hậu quốc tế (ICF) tài trợ thông qua Bộ An ninh năng lượng và Trung hòa carbon của Vương quốc Anh. Việt Nam là một trong chín nước tham gia chương trình. Trong giai đoạn 1 của CFA, bắt đầu từ tháng 12-2022 đến tháng 5-2023, có chín dự án với nhu cầu huy động vốn từ 5 triệu USD trở lên và khả thi về lợi nhuận ở Việt Nam được hỗ trợ.
Giai đoạn 2 của chương trình (từ 7-2023 đến 4-2024) bắt đầu nhận hồ sơ từ cuối tháng 8-2023 đến tháng 10-2023. Sẽ có từ 8-12 dự án carbon thấp được chọn để hỗ trợ nâng cao nặng lực, tiếp cận với nhà đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận