Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ tại New York - Ảnh: AFP
Theo hãng tin AP, giới quan sát và các nhà ngoại giao nhận định sự việc này như một bước lùi về uy tín quốc tế của Vương quốc Anh kể từ sau khi xứ sở sương mù quyết định lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân tháng 6 năm ngoái.
Đặt trụ sở tại The Hague (Hà Lan), tòa ICJ gồm 15 thành viên là cơ quan công lý cao nhất của Liên hợp quốc (LHQ). Cơ quan này có nhiệm vụ giải quyết những tranh chấp, xung đột giữa các quốc gia.
Cứ 3 năm một lần, sẽ có 5 thẩm phán được bầu chọn để tham gia tòa án này và họ sẽ làm việc trong nhiệm kỳ 9 năm.
Sau 9 năm giữ ghế thẩm phán tại tòa ICJ, ông Christopher Greenwood mong muốn tiếp tục tái đắc cử. Tuy nhiên ngày 20-11, sau khi ông Christopher không giành được đa số phiếu ủng hộ ở cả Đại hội đồng LHQ lẫn Hội đồng bảo an LHQ qua 12 vòng bỏ phiếu, nước Anh đã rút ứng cử viên của họ khỏi "đường đua".
Sau quyết định của Anh, ứng cử viên của Ấn Độ, ông Dalveer Bhandari, đã dễ dàng đắc cử.
Báo Telegraph dẫn lời đại sứ Anh tại LHQ, ông Matthew Rycroft khẳng định, bất chấp thất bại, nước Anh vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ công việc của tòa án "phù hợp với cam kết của chúng tôi về tầm quan trọng của việc thượng tôn pháp luật".
Thất bại của ông Christopher đánh dấu sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử LHQ, một ứng cử viên của một quốc gia thành viên thường trực hội đồng Bảo an LHQ đã bị phản đối.
Trước cuộc bầu chọn thẩm phán của ICJ, báo Guardian của Anh cho rằng "việc mất đi sự hiện diện của nước Anh tại tòa án này sẽ là một nỗi xấu hổ chính trị quốc tế".
Cũng theo Guardian, sự thất bại của ông Greenwood "được hiểu như cú đòn giáng mạnh vào vị thế quốc tế của nước Anh giai đoạn hậu Brexit". Và ở chừng mực nào đó, báo Guardian quy kết trách nhiệm vấn đề cho tầm ảnh hưởng không đủ lớn của ngoại trưởng Anh Boris Johnson tại LHQ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận