05/09/2022 10:44 GMT+7

Anh em bà Suu Kyi tranh chấp biệt thự lịch sử, tòa án phải can thiệp

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Tòa nhà lịch sử ở Myanmar, nơi nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi bị quản thúc hơn 15 năm, có nguy cơ bị bán sau khi tòa án phán quyết nghiêng về anh trai bà trong vụ tranh chấp sở hữu giữa 2 người.

Anh em bà Suu Kyi tranh chấp biệt thự lịch sử, tòa án phải can thiệp - Ảnh 1.

Căn biệt thự nơi bà Suu Kyi từng bị quản thúc 15 năm ở Yangon - Ảnh: REUTERS

Ngày 5-9, báo Guardian dẫn lời ông Aung San Oo - anh trai của bà Suu Kyi - cho biết phán quyết của Tòa án tối cao ở Naypyidaw mới đây phù hợp với một phán quyết trước đó về việc ông cũng sở hữu một phần căn biệt thự ở Yangon.

"Phán quyết năm 2012 nói nếu chúng tôi không thể chia ngôi nhà thì nó sẽ được đấu giá và chia số tiền thu được... Phiên tòa cách đây vài tuần xác nhận điều đó", ông San Oo nói.

Anh em bà Suu Kyi đã tranh chấp ngôi nhà trong nhiều năm qua và ông San Oo nộp đơn kiện lần đầu tiên kể từ năm 2000.

Luật sư của ông San Oo ước tính giá trị ngôi nhà, dù đang trong tình trạng xuống cấp, vào khoảng 90 triệu USD. Tuy nhiên, anh trai bà Suu Kyi không xác nhận có rao bán ngôi biệt thự hay không.

Căn biệt thự nằm trên mảnh đất rộng 0,8 hecta được Chính phủ Myanmar trao cho bà Khin Kyi, mẹ của bà Suu Kyi và ông San Oo, sau khi cha của hai người, vị tướng anh hùng Aung San, bị ám sát vào năm 1947. Bà Khin Kyi qua đời vào năm 1988.

Đối với nhiều người Myanmar, căn biệt thự ven hồ với phong cách kiến trúc thuộc địa này là một biểu tượng của nền dân chủ.

Bà Suu Kyi từng bị quản thúc tại đây trong 15 năm, trong giai đoạn từ năm 1989 đến 2010. Mỗi cuối tuần, bà thường có bài phát biểu về dân chủ trước đám đông tụ tập trước ngôi nhà.

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng đến thăm bà Suu Kyi tại căn biệt thự này. Bà Suu Kyi không còn sống tại đây kể từ năm 2012.

Anh em bà Suu Kyi tranh chấp biệt thự lịch sử, tòa án phải can thiệp - Ảnh 2.

Bà Hillary Clinton (khi còn là ngoại trưởng Mỹ) đến thăm bà Suu Kyi năm 2011 - Ảnh: AP

Chính quyền Thống nhất quốc gia (NUG) tự xưng, do các nghị sĩ Myanmar bị phế truất sau cuộc chính biến đầu năm 2021 thành lập, đã tuyên bố căn biệt thự là một di sản quốc gia không thể bị bán hay xây lại.

Về phần bà Suu Kyi, sau cuộc chính biến, bà bị bắt giam và bị xét xử hơn một năm qua với nhiều tội danh khác nhau, từ tham nhũng, kích động đến tiết lộ bí mật nhà nước, với mức án tối đa có thể lên đến hơn 190 năm. Bà đã phủ nhận mọi cáo buộc này.

Mới đây, bà Aung San Suu Kyi đã bị kết tội gian lận bầu cử vào ngày 2-9 và bị thẩm phán kết án 3 năm tù đi kèm lao động khổ sai. 

Trước bản án mới nhất, bà Suu Kyi vừa bị tuyên thêm 6 năm tù vì tham nhũng hồi đầu tháng 8. Tính tới thời điểm đó, tổng số án tù bà phải đối mặt là 17 năm.

Bà Aung San Suu Kyi bị kết án thêm ba năm tù và lao động khổ sai Bà Aung San Suu Kyi bị kết án thêm ba năm tù và lao động khổ sai

TTO - Theo Hãng tin Reuters, cựu cố vấn nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, đã bị kết tội gian lận bầu cử vào ngày 2-9 và bị thẩm phán kết án ba năm tù đi kèm lao động khổ sai.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên