Anh cán bộ Đoàn Dương Trọng Phúc tâm sự về hành trình 3 năm mày mò nghiên cứu bức chân dung người anh hùng Lý Tự Trọng.
Sáng 3-3, tại Đường sách TP.HCM đã diễn ra buổi giao lưu và giới thiệu tác phẩm Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử cùng tác giả Dương Trọng Phúc.
Trong tập sách, tác giả chọn ra 17 vấn đề liên quan đến anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng (con số này cũng chính là số tuổi của đồng chí Lý Tự Trọng khi bị thực dân Pháp xử tử) để kiến giải, minh chứng thông qua nguồn tài liệu lưu trữ, báo chí, hồi ký.
Dấu ấn Lý Tự Trọng còn mãi trên con đường về nhà
Dương Trọng Phúc thực hiện quyển sách bởi anh có tình cảm, sự trân trọng và lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với người anh hùng đã hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân vì lý tưởng của Đảng và cách mạng.
Khi về công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng, anh đã nhen nhóm ý định viết về tác phẩm này.
"Thời điểm ấy, tôi về trường và đứng trước bức tượng toàn thân của đồng chí Lý Tự Trọng dựng ở trong trường.
Tôi quyết tâm phải tìm hiểu về người anh hùng này, không chỉ tìm hiểu về giai đoạn Lý Tự Trọng trở thành một trong những đoàn viên đầu tiên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mà còn muốn hiểu hơn về hoạt động, tinh thần cách mạng của anh" - Dương Trọng Phúc chia sẻ.
Từ năm 2020, anh bắt đầu hành trình nghiên cứu bằng cách tìm đọc các tài liệu trên nhiều phương tiện khác nhau, từ các sách lịch sử, khảo cứu, đến các tài liệu trên các trang thông tin, báo đài, phim ảnh.
Ví dụ như bộ phim tài liệu Lý Tự Trọng - Người truyền lửa dài 5 tập của nhà báo Minh Thùy đã cung cấp cho anh rất nhiều tư liệu, thông tin thú vị.
Dành 3 năm ròng rã nghiên cứu, Dương Trọng Phúc đã đặt chân qua nhiều tỉnh, thành phố có dấu ấn của người anh hùng Lý Tự Trọng như: An Giang, TP.HCM, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Hà Nam...
Để có thêm nhiều tư liệu viết sách, anh gặp gỡ trực tiếp thêm các nhân chứng lịch sử như: gia đình bà Lý Phương Thuận, Lý Phương Đức. Cả hai bà đều là những bạn học, người cùng hoạt động cách mạng với Lý Tự Trọng.
Trong tác phẩm cũng đề cập đến nhiều di tích lịch sử mang dấu ấn của Lý Tự Trọng tại Sài Gòn - Gia Định với những ký ức buồn nhưng hào hùng.
Để bảo vệ buổi diễn thuyết của chiến sĩ cách mạng Phan Bôi, trong cuộc mít tinh kỷ niệm khởi nghĩa Yên Bái, Lý Tự Trọng đã hòa vào dòng người, rút súng bắn chết Legrand, thanh tra cảnh sát hạng 2 và là tên mật thám gian ác khét tiếng của Pháp tại Sài Gòn.
Theo nghiên cứu của Dương Trọng Phúc, địa điểm mà Lý Tự Trọng bắn chết Legrand là góc đường Legrand de la Liraye và Larégnère (nay là ngã tư Điện Biên Phủ và Trương Định, TP.HCM).
Anh Phúc kể: "Đường Điện Biên Phủ là con đường đi làm về mỗi ngày của tôi. Trước khi nghiên cứu, với tôi, con đường này chỉ đơn giản là con đường hay đi qua để về nhà.
Nhưng giờ đây, sau khi đã viết sách, tìm hiểu thì mỗi lần đi ngang con đường này, trong lòng tôi lại dấy lên sự tự hào. Không chỉ là ngã tư có đèn đỏ, đèn xanh, mà tôi cảm thấy những giá trị, ký ức lịch sử quý giá vẫn luôn tồn tại ở ngay chỗ này".
Muốn tặng sách cho các trường học mang tên Lý Tự Trọng
Tiền nhuận bút viết sách của tác giả Dương Trọng Phúc đều dành để mua lại sách và gửi tặng về quê nhà ở Hà Tĩnh của anh hùng Lý Tự Trọng.
Anh cũng mong muốn mua thêm sách và tặng cho học sinh ở các trường học mang tên Lý Tự Trọng.
Dương Trọng Phúc chia sẻ với anh, khó khăn lớn nhất khi nghiên cứu về Lý Tự Trọng là tư liệu để lại rất ít. Bởi trong quá trình hoạt động cách mạng thì hầu như mọi thông tin về ông đều trong vòng bí mật, không thể ghi chép.
"Tôi quyết tâm hoàn thành tác phẩm dù cũng có những lúc khó khăn.
Như lời của người anh hùng Lý Tự Trọng nói: Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác.
Mà theo tôi nghĩ, lời nói đó cũng là sự động viên vì mình phải đi con đường tiến lên phía trước, chứ đâu thể dừng lại" - Phúc nói.
Dương Trọng Phúc là tác giả của quyển Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử.
Anh đã có 24 năm làm công tác Đoàn và hiện là phó hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng. Anh cũng là một trong 6 chuyên gia giáo dục sáng tạo cao cấp của Microsoft toàn cầu.
Với khoảng 144 trang, tác phẩm Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử phác họa những nét vẽ đầu tiên về đồng chí Lý Tự Trọng, học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người thuộc lớp đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận