Một trong những ý tưởng của chúng tôi là thực hiện bộ phim về anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng. Thời gian từ khi xuất hiện ý tưởng đến khi hoàn thành bộ phim 5 tập (thời lượng 15 phút/ tập) tròm trèm 2 tháng.
Phóng to |
Chúng tôi nghĩ sẽ gặp khó khăn lớn bởi nhân vật chính sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Thời ấy hoạt động cách mạng cần bí mật nên hình ảnh hầu như không có. Anh về Việt Nam được 2 năm thì đã hi sinh. Cuộc đời ngắn ngủi cộng với hoạt động bí mật khiến câu chuyện về Lý Tự Trọng kể bằng hình ảnh trở nên nan giải.
Đi tiền trạm càng làm suy nghĩ đó được khẳng định hơn bởi tư liệu về anh cực kỳ ít và hiếm. Câu chuyện của gần 100 năm qua lời kể lại thì không một nhân chứng trực tiếp nào còn sống. Chúng tôi chỉ có một điểm bấu víu duy nhất là nhà văn, nhà sử học Văn Tùng. Ông là người đã bỏ ra nhiều năm để tìm hiểu về cuộc đời anh Lý Tự Trọng.
Thời ấy, may mắn hơn chúng tôi, ông gặp được tất cả những người sống bên cạnh anh như cha mẹ của anh Lý Tự Trọng, ông Ung Văn Khiêm, người đã đưa anh về nước và là người giao nhiệm vụ trực tiếp cho anh ở Sài Gòn, bà Lý Phương Đức là chị nuôi, là người kết nạp anh Lý Tự Trọng vào Đoàn và cũng là người sống cùng anh nhiều nhất, ông Bùi Lâm, người đã bị bắt giam cùng trong bót Catina với anh Trọng đã chứng kiến cảnh anh Trọng bị tra tấn dã man như thế nào... Vậy là chúng tôi trông cậy vào pho tư liệu sống gần 80 tuổi này.
Phóng to |
Nhà văn, nhà sử học Văn Tùng - Ảnh: Minh Thùy |
Thế nhưng đó mới chỉ là thông tin. Còn hình ảnh? Anh Trọng có được 3 tấm ảnh chụp và một tấm ảnh vẽ. Chúng tôi "ăn dầm nằm dề" ở Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam và lục tung kho tư liệu ấy. Một tin vui là cách đây 2 năm bảo tàng này đã làm một cuộc triển lãm về cuộc đời của anh Lý Tự Trọng ở Hà Tĩnh, làm xong thì toàn bộ tư liệu đã được tặng lại cho Tỉnh đoàn Hà Tĩnh.
Kèm theo luôn một tin buồn là khi chúng tôi đến Hà Tĩnh thì kho tư liệu với gần 200 hiện vật liên quan đến cuộc đời anh Lý Tự Trọng đã… biến mất không tung tích. Tỉnh đoàn, bảo tàng của tỉnh đều không ai biết nó đã nằm ở đâu sau buổi triển lãm đó. Vậy là mất dấu, mọi thứ trở lại là con số 0.
Tìm đến gia đình anh Lý Tự Trọng, những người thân của anh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của ngày xưa người dân ở đây đi lánh nạn như thế nào, đi con đường nào...Vậy là kế hoạch đi bằng máy bay sang Thái Lan đến ngôi làng mà anh Trọng sinh sống được đổi thành đi bằng…đường bộ theo con đường ngày xưa ông cha của anh Trọng đã đi qua.
Tập 1: tha hương nuôi chí lớn
Người truyền lửa - Tập 1: tha hương nuôi chí lớn |
Khi mọi người đang hồ hởi đón xuân thì chúng tôi xách balô lên đường sang Thái Lan. Lần đầu tiên chúng tôi được nếm trải cái lạnh cắt da của miền Bắc. Cũng là lần đầu tiên chúng tôi hiểu thế nào là “bên nắng đốt bên mưa quay” của hai bên dãy Trường Sơn. Bên Việt Nam lạnh thấu xương với những vờn mây bay ngay dưới chân mình, có khi phải xuyên qua những đám mây lượn ngay sườn núi. Vậy mà qua đến bên kia đất Lào thì nắng như nung, anh tài xế chở chúng tôi đi phải lấy cả nước suối chúng tôi mang theo để làm mát cho xe.
Phóng to |
Đoàn làm phim theo con đường mà cha ông của anh hùng Lý Tự Trọng đã đi sang Thái Lan nuôi chí lớn |
Nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của anh Đức - bí thư Đoàn cơ sở Hải quan tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi qua cửa khẩu Lào khá nhanh. Những người bạn Lào dù không sõi tiếng Việt nhưng tiếp đón chúng tôi rất chu đáo.
Với họ, mối thâm tình giữa Việt Nam và Lào được Bác Hồ gầy dựng từ xa xưa giờ vẫn còn nguyên vẹn. Thậm chí khi chúng tôi đi tiếp, anh Savany, cán bộ hải quan ở cửa khẩu Cầu Treo, còn chuẩn bị cả nước uống và thực phẩm cho chúng tôi mang theo. Phải từ chối mãi anh mới đồng ý cho chúng tôi bỏ lại hết, chỉ cầm theo mấy cái nem làm quà. Cũng vì được hỗ trợ nên chúng tôi qua đến cửa khẩu Tà Khẹt vừa kịp trước khi nơi đây đóng cửa. May mắn đầu tiên mà chúng tôi có được đó là không phải ngủ lại trên đất Lào và qua Thái Lan luôn, đồng nghĩa với việc chúng tôi tiết kiệm được 1 ngày để bắt tay vào công việc còn rất nhiều ngổn ngang phía trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận