17/04/2019 08:08 GMT+7

Ăn uống quá nóng có nguy cơ mắc ung thư thực quản

NGỌC LOAN - XUÂN MAI
NGỌC LOAN - XUÂN MAI

TTO - Theo thạc sĩ Trần Thị Ngọc Châu - trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện quốc tế Mỹ AIH (TP.HCM), việc tiêu thụ thực phẩm quá nóng có nguy cơ mắc ung thư thực quản vì nhiệt độ cao có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản.

Ăn uống quá nóng có nguy cơ mắc ung thư thực quản - Ảnh 1.

Rau củ chứa nhiều vitamin, chất khoáng giúp nhuận trường, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thạc sĩ Châu khuyến cáo chỉ nên dùng thức ăn ấm (khoảng 50 - 65 độ C) để miệng và thực quản dễ dàng thích ứng.

Tôi bị ung thư dạ dày, đã mổ cắt 1/2 dạ dày được hơn 2 năm. Tôi đi tái khám, bác sĩ nói vẫn ổn. 

Nhưng từ khi mổ xong, mọi người cứ khuyên không nên ăn cái này, không nên ăn cái kia. Đến giờ, tôi không dám ăn đủ thứ, từ đậu nành, thịt bò, thịt heo, đồ ngọt… đến nỗi so với hồi chưa mổ tôi đã giảm mất mấy kg. 

Tôi kiêng như vậy có đúng không và nên ăn những gì, cảm ơn bác sĩ tư vấn? (Trần Thị Thu Hương, Quận 6, TP.HCM, thuhuongtranhcmc@... )

- Có thể khi bạn kiêng cữ quá nhiều thứ sẽ dẫn đến không đủ năng lượng và dưỡng chất trong một ngày, vì vậy cân nặng bị giảm.

Về nguyên tắc chung dành cho bệnh nhân sau phẫu thuật dạ dày, bạn cần lưu ý:

+ Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa/ngày, để giảm tải cho hệ tiêu hóa

+ Hạn chế các loại thực phẩm cay, nóng, chua và mặn vì chúng sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày

+  Hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và chất béo gây khó tiêu.

Ngoài ra, việc kiêng thực phẩm giàu đạm như thịt, đậu, …sẽ làm chậm quá trình hồi phục. Vì thế, đối với thực phẩm giàu đạm như thịt nạc, cá bỏ da, các loại đậu, …thì bạn nên ăn khoảng 50-100 g/ngày để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng cho cơ thể.

Bên cạnh đó, bạn nên ăn cân bằng - đa dạng - lành mạnh mỗi ngày kết hợp với vận động thể chất để mang lại sức khỏe tốt.

Nhà tôi từng có người thân mất vì ung thư dạ dày, nên vợ tôi rất lo lắng, mỗi khi đọc trên mạng thấy nói gì là về bắt tôi phải theo. 

Gần đây nghe nói mỗi ngày ăn một củ hành tây và một củ tỏi sẽ giảm được 80% nguy cơ ung thư đường ruột, nên ngày nào cũng bắt tôi ăn. Như vậy có đúng không thưa bác sĩ? (Trần Văn Trung, Nghệ An, Huuphu_nguoixunghe@...)

- Chưa có bằng chứng khoa học mạnh mẽ để khuyến nghị ăn hành tây và tỏi mỗi ngày có thể giảm 80% nguy cơ ung thư đường ruột. Hiện nay, việc bạn ăn đa dạng nhiều loại rau củ quả mỗi ngày đều có thể giúp bạn phòng ngừa ung thư do hoạt tính chống oxy hóa và kháng viêm của chúng.

Tôi nghe nói ăn uống quá nóng có thể dẫn tới ung thư thực quản. Điều đó có đúng không thưa bác sĩ? Tôi rất lo vì cả nhà tôi có thói quen và sở thích ăn uống thật nóng mới "đã". (Trương Văn Thu, Nhà Bè, muathuchoem247@... )

Ăn uống đồ quá nóng không tốt cho miệng, thực quản, dễ bị ung thư. Nhưng nóng đến cỡ nào là vừa? Ví dụ nồi canh nấu xong tôi lấy ra ăn, tôi ăn thấy rất bình thường nhưng mọi người đều nói tôi ăn vậy là quá nóng. Thiều Quang Nhật, jpinmyheart@...)

- Theo các nghiên cứu lâm sàng hiện nay thì việc tiêu thụ thực phẩm quá nóng có nguy cơ mắc ung thư thực quản vì nhiệt độ cao có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến nghị bạn nên dùng thức ăn ấm (khoảng tầm 50 - 65  độ C) để miệng và thực quản dễ dàng thích ứng.

Bác sĩ ơi có phải mọi loại ung thư đường tiêu hóa, bệnh nhân đều phải ăn thức ăn xay nhuyễn? Tôi bị ung thư đại tràng, cảm thấy vẫn ăn được thức ăn bình thường nhưng người nhà cấm đoán, cái gì cũng xay nhỏ ra. Thú thực là tôi ngán lắm. (Trần Văn Phú, starfish123@...)

- Về nguyên tắc chung, ung thư đường tiêu hóa vẫn ăn được nhiều cấu trúc thực phầm khác nhau (súp xay, cháo, mềm, rắn,…), tùy theo tình trạng bệnh lý hiện tại mà nhân viên y tế sẽ đưa ra chế độ ăn phù hợp.

Cha tôi 68 tuổi, bị ung thư trực tràng đang điều trị hóa chất kết hợp xạ trị. Nhờ BS tư vấn chế độ ăn uống, những loại thức ăn nào nên và không nên ăn để có sức khỏe tốt để điều trị. Xin cảm ơn!

- Trong quá trình điều trị ung thư đại tràng, để hạn chế tổn thương niêm mạc đại tràng, bạn cần hạn chế các thực phẩm có chất xơ dạng sợi, thay vào đó nên bổ sung thực phẩm có chất xơ hòa tan (VD: nước ép rau củ quả). Chia nhỏ các bữa ăn để đảm bảo cơ thể nhận được đủ năng lượng cũng như các chất dinh dưỡng và giảm tải cho hệ tiêu hóa. Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ.

Tùy theo kết quả đánh giá tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của cá nhân, các nhân viên y tế sẽ có pháp đồ điều trị riêng và cụ thể hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần duy trì tâm lý ổn định, tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động ngoài trời khác để củng cố sức khỏe.

Ba tôi bị ung thư đại tràng giai đoạn 2, đã phẫu thuật lần 2 để nối lại. Truyền hóa chất 5 lần, nhưng ông lại bị tiểu đường tuýp 2, bác sĩ cho biết tiên lượng xấu. Có người bày ba tôi uống nước lá đu đủ, vậy có được không thưa bác sĩ? (Thanh Hòa, Phú Yên, Hoathanhle1992@... )

- Mặc dù có một số trường hợp lâm sàng ghi nhận rằng việc uống nước đu đủ có dấu hiệu tích cực trong việc điều trị ung thư. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu lâm sàng nào được thực hiện để khẳng định tác dụng này.

Vì vậy, không thể khuyến nghị dùng lá đu đủ là phương pháp điều trị ung thư được, vì các trường hợp ghi nhận mang tính chất đơn lẻ và tùy thuộc vào từng cá nhân, và có nhiều yếu tố tác động tới kết quả lâm sàng ngoài chế độ ăn uống. Do đó, bạn cần chọn phương pháp điều trị đã được chứng minh hiệu quả lâm sàng.

Trong gia đình tôi có hai người bị ung thư đại trực tràng. Như vậy thì có phải nguy cơ mắc bệnh của tôi sẽ rất cao hay không? Tôi phải ăn uống, luyện tập như thế nào để giảm nguy cơ này thưa bác sĩ? (Lê Minh Dũng, Củ Chi- TP.HCM, dung_leminhvnn@...)

- Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng, bạn cần:

+ Ăn nhiều rau và trái cây để cung cấp chất xơ và vitamin/chất khoáng, giúp nhuận trường, tránh táo bón

+ Uống đủ nước, khoảng 2 lít nước/ngày

+ Thường xuyên vận động thể chất tối thiểu 150 phút/tuần để kích thích nhu động ruột.

+ Hạn chế ăn thực phẩm chiên nướng, nhiều dầu mỡ

Ngoài ra, nếu có người thân mắc bệnh ung thư đại trực tràng thì bạn nên đến cơ sở y tế khám định kì để tầm soát ung thư.

Ăn uống quá nóng có nguy cơ mắc ung thư thực quản - Ảnh 2.

Hạn chế thực phẩm chiên nướng, nhiều dầu mỡ giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thưa bác sĩ, trong thời gian xạ trị ung thư trực tràng, tôi gần như không ăn uống được gì. Ăn được một chút là ói ra hết, rồi tiêu chảy liên tục, khiến cơ thể gần như kiệt sức. Tôi phải làm sao đây, phía trước vẫn còn 3 đợt xạ trị nữa… (Huỳnh Bảo Trân, Q.5, TP.HCM, Trantranq5@...)

- Tác dụng phụ của một số chất hóa trị thường gây buồn nôn và tiêu chảy, vì vậy bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

+ Chia nhỏ thành 6 bữa/ngày hoặc hơn, thay vì 3 bữa lớn

+ Sau khi hết nôn, hãy bắt đầu uống 1 muỗng nước ấm cứ sau mỗi 10 phút. Tăng lượng nước lên dần dần sau 1 giờ để tránh mất nước.

+ Chế biến bằng các phương pháp ít dậy mùi như luộc, hấp, nấu canh và sử dụng ít gia vị.

+ Nên dùng thực phẩm nguội, ấm thay vì thức ăn nóng

+ Tránh các thực phẩm quá ngọt hoặc nhiều dầu mỡ

+ Không nên nằm ngay trong 1 giờ sau khi ăn, thay vào đó bạn ngồi ghế dựa cao đầu

Khi bị tiêu chảy, nên hạn chế thực phẩm chứa lactose (VD: sữa bò) vì khi bị rối loạn tiêu hóa cơ thể tạm thời bị mất enzyme tiêu hóa lactose, và sẽ làm cho tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn. Thay vào đó, bạn có thể ăn sữa chua hoặc phô mai..

Bên cạnh đó, bạn cần được đánh giá và tư vấn dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng phù hợp trước khi bị suy mòn vì ăn uống kém.

Kính thưa bác sĩ, tôi 50 tuổi bị ung thư đại tràng, đã phẫu thuật và truyền đủ 5 lần hóa chất theo phác đồ. Xin hỏi sau khi điều trị về ăn uống có cần kiêng gì không, có cần uống thêm thuốc bổ không? (Đặng Văn Vỹ, Hải Phòng, Vydang_hoaphuongdo16@...)

Sau phẫu thuật, bạn cần chế độ ăn nhiều năng lượng và nhiều đạm để giúp hồi phục tốt, vì vậy không nên kiêng cử quá mức dẫn tới nguy cơ thiếu dưỡng chất. Bạn chỉ cần lưu ý các thực phẩm sau: 

+ Hạn chế chất xơ dạng sơi, tăng cường thực phẩm có chất xơ hòa tan (VD: nước ép rau quả)

+ Uống đủ nước, khoảng 2 lít nước/ngày hoặc hơn.

+ Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ

Bên cạnh đó, bạn cần có chế độ ăn đầy đủ - cân bằng - đa dạng mỗi ngày kết hợp với vận động thể chất giúp kích thích nhu động ruột. Tùy theo tình trạng dinh dưỡng và kết quả đánh giá lâm sàng, các chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn cho bạn loại sản phẩm bổ sung phù hợp.

Mẹ tôi bị ung thư trực tràng, đã mổ và làm hậu môn nhân tạo. Kết quả tái khám vẫn ổn, xin hỏi để đề phòng bệnh tái phát, mẹ tôi có nên uống thêm các loại thực phẩm chức năng không? (Người Đà Lạt, Chungcdsp49@...)

Thưa bác sĩ, sau phẫu thuật trực tràng, có cần uống thêm thực phẩm chức năng hay thuốc gì khác để hạn chế tái phát không? Bác sĩ có thể giới thiệu vài loại thuốc nếu cần hay không.  (Phạm Bằng, xtphambang36@...)

- Thực phẩm chức năng thường được chỉ định nhằm cung cấp thêm dưỡng chất và năng lượng cho các bệnh nhân ăn uống kém. Nếu bạn có thể ăn uống tốt, thì không cần thiết sử dụng thêm thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định sử dụng thực phẩm chức năng có thể ngăn ngừa tái phát ung thư. 

Vì vậy, việc tầm soát ung thư nên được làm định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín. Ngoài ra bệnh nhân cần có chế độ ăn uống đầy đủ - cân bằng - đa dạng mỗi ngày phối hợp với hoạt động thể chất vừa sức thì nguy cơ tái phát sẽ thấp hơn.

Mẹ em năm nay 68 tuổi, bị ung thư trực tràng đã mổ cắt bỏ và xạ trị được 1 năm, hiện đang phải dùng hậu môn nhân tạo. Xin bác sĩ chỉ dẫn cách chăm sóc và phương hướng điều dưỡng như thế nào, tôi đã tìm nhiều tài liệu nhưng có khi người ta nói trái ngược nhau về chuyện ăn uống kiêng khem, không biết nên theo cái nào. (Lê Minh Hiền, Hà Nội, nongnanhoasuathang10@...)

- Việc mở hậu môn cần được chăm sóc trước và sau mổ. Nếu đã mổ rồi thì nên tập quen dần với hậu môn nhân tạo, cách sử dụng túi chứa phân như thế nào là đúng (cách cắt hay làm miệng túi không quá nặng, cách đo vòng cần cắt, cách dán túi sao cho dính tốt và không bị hở), loại túi thích hợp, cách theo dõi hậu môn nhân tạo để phát hiện các biến chứng theo hướng dẫn của bs điều dưỡng trực tiếp trong ca mổ.

Tập vật lý trị liệu, tập đi lại. Tập quen dần cách tự làm vệ sinh cá nhân: vệ sinh răng miệng, tắm rửa, vệ sinh bộ phận sinh dục.

Uống rượu là không tốt, nhưng tôi uống rượu ngâm sâm và các loại bổ dưỡng khác thì có được không? Hưng Nguyên, nguyenhung293@...)

- Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, việc tiêu thụ rượu làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản, tuyến tiền liệt, ung thư vú.

Một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy nhân sâm giúp giảm các tác dụng phụ của quá tr ình điều trị hóa trị như giảm cảm giác mệt mỏi, buồn nôn. Tuy nhiên lượng hoạt chất hòa tan trong rượu ngâm nhân sâm thì quá ít để đem đến tác dụng tích cực.

Anh tôi điều trị ung thư đại tràng vừa khỏi. Khác với những người khác mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, anh tôi ăn uống tốt, ngon miệng, lên cân. Đặc biệt là các đồ tẩm bổ như sâm, yến… anh ăn rất nhiều. Có cần kìm bớt lại không, vì cách ăn uống đó khiến tôi thấy lo. (Lê Mạnh Linh, linhnhi2010@...)

- Một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy nhân sâm giúp giảm các tác dụng phụ của quá trình điều trị hóa trị như giảm cảm giác mệt mỏi, buồn nôn. Về yến thì hiện nay chưa có nghiên cứu lâm sàng cho thấy lợi ích của việc dùng yến đối với bệnh nhân ung thư. Hiện nay chưa có mức khuyến nghị về việc ăn bao nhiêu là quá mức cho phép đối với những thực phẩm như sâm, yến.

 Vì vậy, bệnh nhân nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm, đặc biệt tăng cường tiêu thụ rau củ quả tươi, đồng thời cần ăn cân đối, không nên ăn quá nhiều hoặc quá ít một loại thực phẩm nào đó, cùng với việc kết hợp vận động thể chất mỗi ngày sẽ mang lại sức khỏe tốt. 

Ăn nhiều dâu tây có thể ngăn ngừa ung thư đúng không thưa bác sĩ? (Phùng Thị Thanh Liên, bupsenxanh37@...)

- Dâu tây giàu anthocyanin, đây là hợp chất có tác dụng chống oxy hóa cao, ngăn ngừa nhiều loại ung thư và kháng viêm. Tuy nhiên, không chỉ dâu tây mà nhiều loại trái cây và rau củ khác đều có hoạt tính chống ung thư. Vì thế bạn nên ăn đa dạng các loại rau củ quả mỗi ngày để đạt được lợi ích sức khỏe.

Sau phẫu thuật thực quản, mẹ tôi không dám ăn vì sợ bị sặc, nghẹn. Nhưng tôi thấy chủ yếu vấn đề là về tâm lý, càng sợ lại càng dễ bị sặc. Có cách nào để tập luyện khả năng nhai nuốt thức ăn cho mẹ tôi không? (Phương Mỹ Anh, traitimkhongnguyen@...)

- Hiện nay đã có các sản phẩm y học hỗ trợ làm đặc thực phẩm dành cho bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhai nuốt. Vì thế bệnh nhân nên đến gặp nhân viên y tế đến được đánh giá về mức độ rối loạn nhai nuốt/sặc để được tư vấn về loại cấu trúc thức ăn và có kế hoạch phục hồi chức năng phù hợp.

Trái cây tốt cho người bệnh, nhưng uống quá nhiều nước ép trái cây có ảnh hưởng gì không thưa bác sĩ? Mỗi ngày tôi bị ép uống tới 3-4 loại, mỗi loại một ly lớn… (Lê Thị Hồng Nga, knmoscow56@...)

- Không chỉ trái cây mà rau củ nói chung đều chứa hàm lượng vitamin và chất khoáng cao, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn nên dùng trái cây nguyên miếng sẽ tốt hơn dùng nước ép do sản phẩm tươi chứa hàm lượng chất xơ cao, giúp tránh táo bón.

Ngoài ra, nước ép chứa hàm lượng đường và năng lượng cao hơn do đã loại bỏ đi phần lớn thành phần chất xơ. Bên cạnh đó, quá trình ép làm thúc đẩy sự oxy hóa của các loại vitamin vì vậy làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

Nghe nói trứng tốt cho người ung thư thực quản, nên tôi luộc cho mẹ ăn. Nhưng không may tôi luộc trứng chín quá, lòng đỏ bị khô, mẹ tôi ăn bị nghẹn. Chiên lên thì lại có dầu mỡ khó ăn. Tôi nên chế biến trứng như thế nào, mong bác sĩ tư vấn thêm cho tôi một số món ăn dễ làm. (Mỹ Thủy, thuy_hoahuongduong@...)

- Bệnh nhân ung thư thực quản nói riêng và bệnh nhân ung thư nói chung cần chế độ ăn nhiều năng lượng và nhiều đạm. Vì vậy, bệnh nhân cần ăn đa dạng các thực phẩm giàu đạm, không chỉ riêng trứng, mà còn có thịt, cá, các loại đậu, hạt, tàu hũ.

Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư thực quản thường dễ bị nghẹn, vì vậy cấu trúc thực phẩm cần phải mềm, mịn dễ nuốt. Do đó, đối với món trứng, bạn có thể thử làm món trứng hấp kiểu Nhật, trứng đánh với sữa tươi kiểu scrambled egg, canh trứng với cà chua.

Sau phẫu thuật thực quản, mẹ tôi gặp khó khăn trong nuốt thức ăn và phải nuôi bằng một ống nhỏ nối vào đầu ruột non. Về lâu dài, mẹ tôi có thể phục hồi được khả năng nhai nuốt hay không, có phải tập luyện hay lưu ý gì không, xin bác sĩ tư vấn. (Quang Anh, anhduong167@...)

Đối với những bệnh nhân nuôi ăn qua ống, bệnh nhân nên được sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên dụng phù hợp với tình trạng bệnh lý, dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Người thân không nên sử dụng súp xay hoặc sinh tố tự chế biến vì làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa. Và nếu súp quá đặc sẽ dễ làm nghẹt ống, súp quá lỏng thì thiếu dưỡng chất.

Về khả năng nhai nuốt, cần được đánh giá lâm sàng mới có thể đưa được cho bạn lời khuyên phù hợp nhất.

Gần nhà em có một bác đang trong đợt hóa trị và được bác sĩ hướng dẫn sử dụng sữa của hãng Forticare. Vì không ăn được, nên bác ấy đã cố gắng sử dụng (dù giá thành khá cao), nhất là những lần vào hóa chất. Giờ thì bác ấy đã khỏe mạnh lại nhiều, hiển nhiên không chỉ nhờ sữa. Gia đình em có người mắc ung thư ruột giai đoạn cuối, hiện không ăn uống được gì dù đang ở độ tuổi thanh niên. 

 Bác sĩ cho em hỏi, ngoài hãng sữa Forticare, có hãng nào khác giá cả thấp hơn không vì ở quê nên không có điều kiện kinh tế? Nên cho bệnh nhân ăn uống ra sao (cháo hầm, hay cơm xay, hay cách nào khác)? 

(Nếu bệnh nhân có điều kiện đi thăm khám ở bệnh viện thì quá tốt. Nếu không, các bác sĩ hãy viết bài báo đăng trên trang web sức khỏe hoặc của bệnh viện để những ai ở vùng sâu xa có thể đọc hiểu và chăm người bệnh đúng cách, không đi theo các lời đồn đại, thầy làng). (Nguyễn Thị Kim Phượng, Khánh Hòa, phuong.nguyen.usth@...)

- Các sản phẩm dinh dưỡng y học có đậm độ năng lượng cao và đầy đủ dưỡng chất nên có thể dùng để thay thế một phần hoặc hoàn toàn bữa ăn đối với bệnh nhân ăn uống kém. Hiện nay trên thì trường thì ngoài sản phẩm Forticare còn có các sản phẩm của các nhãn hàng khác. 

Tùy theo tình trạng dinh dưỡng, diễn biến của bệnh và điều kiện kinh tế, các chuyên gia dinh dưỡng sẽ cho lời khuyên phù hợp nhất. Vì không phải bệnh nhân nào cũng giống nhau, việc thăm khám lâm sàng trực tiếp và trao đổi về thói quen ăn uống là điều cần thiết để đảm bảo một kế hoạch can thiệp dinh dưỡng phù hợp và hiệu quả nhất với từng đối tượng bệnh nhân.

Ba tôi được tiến hành hóa trị đã được 2 lần. Trong đó lần 1 truyền 6 chai, nằm viện 5 ngày; lần 2 (sau lần 1 khoảng 2 tuần) chỉ truyền 1 chai, nằm viện 3 ngày nhưng chi phí thanh toán tăng gấp rưỡi. Sau một ngày hóa trị, bố tôi có biểu hiện mệt, không ăn được, đi đại tiện lỏng 7-8 lần/ngày.

Xin hỏi quá trình điều trị như trên có bình thường không? Hiện gia đình đang cho ba uống bổ sung Fukoida lâu dài thì có vấn đề gì không ạ? (Lê Trần Đoan Thục)

- Liều thuốc hóa trị được chỉ định tùy theo diễn biến từng bệnh nhân, và tác dụng phụ của hóa trị thường làm cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy. 

 Về câu hỏi của bạn, Fucoidan là một loại chất xơ có ở thành tế bào rong biển nâu hoặc 1 số động vật không xương sống như nhím biển, hải sâm. Hiện nay, chỉ có một số nghiên cứu tế bào trong phòng thí nghiệm cho thấy tiềm năng chống ung thư của chế phẩm này. Tuy nhiên cần có nghiên cứu lâm sàng để xác thực công dụng của chế phẩm. Vì vậy, cũng chưa có tài liệu công bố lượng an toàn của sản phẩm này trên người.

 Các nghiên cứu trên chuột cho thấy, nếu tiêu thụ từ 2 g/ml/body weight thì gây rối loạn tuyến giáp, thay đổi mức triglycerides trong máu. 

Vừa tiểu đường, vừa ung thư đại trực tràng giai đoạn hóa trị (đã xong toa 2) nên ăn uống sao để khỏe? (Lê Văn Hùng)

- Đối với ung thư đại trực tràng, nếu trong giai đoạn còn bị loét tổn thưởng niêm mạc đại tràng thì bạn cần hạn chế các chất xơ dạng sợi, thay vào đó ăn nhiều chất xơ dạng hòa tan. Nếu thêm yếu tố bị tiểu đường, bạn cần chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình để kiểm soát tốt mức đường trong máu. Cụ thể như sau:

+ Tinh bột: hạn chế cháo, cơm trắng, khoai tây, bánh mì trắng, bắp. Thay vào dó bạn nên ăn bún, phở, khoai 

+ Đối với nhóm rau củ quả cũng nên ăn những loại trái cây giàu chất xơ hòa tan nhưng có chỉ số đường huyết thấp như cà rốt, chuối, táo, … và nước ép từ rau củ không bổ sung đường. 

+ Không nên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, bạn nên đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp nhất với tình trạng bệnh lý của bạn. 

Thưa bác sĩ, ăn tối quá khuya và quá no có làm tôi dễ mắc bệnh ung thư không? Do phải đi làm, đi học buổi tối nên hầu như ngày nào tôi cũng ăn tối sau 22:30. Sau một thời gian dài, tôi cảm thấy khó ngủ, ngủ không sâu và sáng dậy bụng rất khó chịu. (Diệu Nhi, dieunhi1990@...)

- Việc các bữa ăn cách quá xa nhau (từ trưa tới 22.30 tối) có thể khiến dạ dày tăng tiết acid và làm tổn thương các niêm mạc dạ dày. Các vết tổn thương này là yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày. Bên cạnh đó, nếu bạn ăn vặt nhiều lần từ trưa tới tối thì sẽ khó kiểm soát được năng lượng hấp thu, làm tăng đường huyết và kích hoạt cơ chế tích tụ mỡ, cung với thiếu vận động thể chất thì bạn có nguy cơ thừa cân - béo phì. 

Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến các loại ung thư và rối loạn chuyển hóa khác. Việc ăn một bữa tối nhiều năng lượng và no đủ và đi ngủ ngay sau đó khiến cho cơ thể không kịp tiêu hóa hết thức ăn, gây các rối loạn tiêu hóa và ảnh hưởng giấc ngủ như bạn đề cập. 

Thay vào đó, bạn nên ăn khẩu phần nhỏ, năng lượng thấp (< 200 kcal), ăn thực phẩm mềm, lỏng, không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ sẽ giúp hạn chế cảm giác khó chịu, đầy bụng. 

Đồng thời, nên ăn nhẹ với các thực phẩm lành mạnh (VD: trái cây, sữa chua, khoai lang) vào buổi chiều để các bữa ăn không cách nhau quá 6 giờ.

Từ bé tới giờ 32 tuổi, tôi chỉ ăn một số loại thức ăn mà không thấy chán, cũng không muốn ăn những loại khác: Tôi ăn nhiều thịt (chiên, xào, kho, nướng) và rất ít rau. Tôi có thể ăn fastfood cả tuần cũng được. 

Thời gian gần đây, vì công việc tôi phải uống rượu bia thì bắt đầu tôi thấy có dấu hiệu bất thường. Cổ họng thường khô rát, đau, khó nuốt, người nổi đầy mẩn đỏ. Liệu tôi có bị ung thư về đường tiêu hóa không? (Nguyễn Cường, nguyencuonginfo@...)

 - Nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ quá nhiều thịt (đặc biệt là thịt đỏ và thịt chế biến sẵn như bacon, ham, xúc xích, v.v…) có liên quan đến các loại ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, bao tử và đại tràng. Bên cạnh đó, việc chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao (chiên, nướng) làm kích hoạt phản ứng Maillard sinh ra chất gây ung thư. 

Ngoài ra, bạn ăn quá ít rau thì cơ thể cũng thiếu các chất chống oxy hóa và làm tăng nguy cơ ung thư. Thêm vào đó, rượu bia càng làm tăng nguy cơ ung thư, không riêng gì ung thư đường tiêu hóa. Để chẩn đoán chính xác và có kế hoạch tầm soát ung thư hiệu quả, bạn nên gặp nhân viên y tế được khám và tư vấn cụ thể.

Báo Tuổi Trẻ phối hợp Bệnh viện Quốc Tế Mỹ (AIH) tổ chức chương trình tư vấn điều trị ung thư đường tiêu hóa từ ngày 2-4 đến 15-5.

Bạn đọc có thắc mắc về ung thư đường tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn...) hay cách ăn uống cho bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa, có thể gửi câu hỏi về email suckhoe@tuoitre.com.vn hoặc điền câu hỏi ở đây.

500 bạn đọc gửi câu hỏi sớm nhất sẽ được tặng thẻ ưu đãi gồm 1 lần khám bệnh miễn phí, trị giá 690.000 đồng và giảm 5% phí dịch vụ lẻ tiếp theo tại Bệnh viện Quốc Tế Mỹ AIH (Q.2, TP.HCM).

Bạn đọc gửi câu hỏi vui lòng để lại thông tin họ tên, email, điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ để nhận được quà từ chương trình.

Hỏi về ung thư dạ dày, đại tràng..., được khám bệnh miễn phí Hỏi về ung thư dạ dày, đại tràng..., được khám bệnh miễn phí

TTO - Loại ung thư nào hay gặp ở đường tiêu hóa? Phương pháp điều trị ra sao? Chế độ dinh dưỡng trong điều trị ung thư thế nào? ... sẽ được chuyên gia, bác sĩ giải đáp trên tuoitre.vn.

NGỌC LOAN - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên