26/05/2014 02:00 GMT+7

Ân tình thấm mặn giọt mồ hôi

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY
MAI HƯƠNG - VŨ THỦY

TT - Những ngày cuối tuần, những buổi chiều tối, chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” của báo Tuổi Trẻ thường tiếp đón nhiều bạn đọc đặc biệt: những người lao động lam lũ, nghèo khó nhất đến góp cho biển đảo đồng tiền chắt chiu dành dụm của mình.

MM24kjK3.jpg
Thầy Lê Ngọc Thạch ủng hộ 36 triệu đồng cho chương trình - Ảnh: Vũ Thủy

Có người vội vã đến sau một ngày đứng bán cá ngoài chợ, có người để chủ nhật mới tới vì “bình thường phải buôn bán, cuối tuần thường... bán ế nên mới dám nghỉ một buổi đi đóng góp”.

“Chị Tánh đậu nành” nói về hạnh phúc

Có tới đâu, góp tới đó

Tấm lòng với biển đảo của vị giáo già đáng kính - giáo sư, tiến sĩ Lê Ngọc Thạch, giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), khiến ai nghe cũng không khỏi xúc động. Thầy Thạch đã tròn 65 tuổi và đã có quyết định về hưu. Hôm nay cũng là ngày hiệu trưởng trường mời thầy lên để tri ân những ngày tháng thầy giảng dạy, gắn bó với nhà trường. Thầy bảo: “Tôi vừa ở trường về, nhận được khoản tiền thưởng trước khi về hưu của nhà trường liền đem qua đây góp luôn cho chương trình”. Tuy không giàu nhưng khi trao số tiền hơn 36 triệu đồng cho báo, thầy nói: “Đã là con dân nước Việt thì phải có trách nhiệm. Có tới đâu góp tới đó!”.

28.166.728.500 đồng

Là số tiền bạn đọc đóng góp và hưởng ứng chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” tính đến 17g ngày 25-5-2014. Riêng trong hai ngày 24 và 25-5 số tiền là 715.019.000 đồng.

“Hạnh phúc quá! Lên được tận nơi, góp được tận tay số tiền này là thấy hạnh phúc rồi!”. Có lẽ đó là câu nói bay bổng, văn hoa nhất mà chị Hồ Thị Hồng Tánh - người bán sữa đậu nành trước các nhà máy ở Thủ Dầu Một, Bình Dương - thốt ra trong suốt cuộc chuyện trò. Thức dậy từ 5g sáng, chị chạy xe từ Bình Dương xuống TP.HCM, không biết tòa soạn báo Tuổi Trẻ ở đâu, chị lòng vòng hỏi thăm tới Nhà văn hóa Thanh niên rồi được người ta chỉ đường. Hỏi sao ở xa vậy, không chuyển khoản cho nhanh, chị cười: “Tới tận nơi như vầy mình mới thấy hạnh phúc”. 5 triệu đồng chị nâng niu gửi tận tay là tiền của bốn anh chị em trong nhà, trong đó có phần góp từ những chai sữa đậu nành chị bán. “Chuyện giàn khoan nổ ra, cả nhà ai cũng kêu phải đi góp cho nhanh. Bữa nay mà tui kiếm không ra tòa soạn thì ngày mai thể nào ông anh tui cũng đi kiếm tiếp” - chị Tánh nói.

Hằng ngày chị Tánh tẩn mẩn dậy từ 4g sáng, nấu sữa đến 6g sáng rồi đứng bán tới 6g-7g tối mới về. Bán sữa đậu nành cho công nhân ngày nào nhiều lắm cũng chỉ lời được hơn trăm ngàn đồng, hổm nay còn phải nghỉ bán mấy ngày trong đợt công nhân biểu tình, đập phá nhưng chị Tánh luôn miệng nói mình còn sung sướng, còn hạnh phúc. “Thì ở trong này mình còn được ngủ ngon. Mấy anh ngoài biển cực hơn mình gấp mấy. Đọc báo biết có chương trình này lâu rồi nhưng phải chờ gom được ít tiền, đợi chủ nhật công nhân nghỉ làm, hay bán ế tôi mới dám bỏ bán đi đó” - chị Tánh giải thích. Chị ăn chay trường, đứng bán cả ngày ngoài đường nhưng không dám ăn tiệm vì “người ta bán tới mười mấy ngàn đồng một phần” nên chị toàn tự nấu cho đỡ tốn. Kiếm được đồng tiền khó vậy nhưng tiền góp từ thiện, tiền góp cho biển đảo, chị Tánh luôn để riêng ra một phần, không bao giờ đụng tới.

Anh bán cá: “Ai cũng nóng mặt”

Chiều tối, một người đàn ông với gương mặt sạm nắng, đen nhẻm đến đóng góp 500.000 đồng. Anh tên Thảo, ở quận 7, TP.HCM, bán cá ngoài chợ Tân Sơn Nhất. Vừa dợm bước chân ra, anh vừa giải thích: “Tui lăn lóc với cá mú cả ngày ngoài chợ, quần áo cũng ám mùi, muốn qua góp lâu rồi nhưng ngày nào cũng bán tới 7g-8g tối, dọn dẹp xong chạy qua tòa soạn báo nhưng thấy trễ quá rồi nên ngại không vào. Bữa nay ráng bán hết về sớm để kịp ghé”.

Anh kể hồi trước coi tivi, đọc báo thì hay coi mấy tin giật gân như cướp bóc, giết người. Nhưng từ hồi có chuyện giàn khoan thì ngày nào anh cũng mua báo Tuổi Trẻ để theo dõi. “Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan vào tận biển của mình, ai cũng nóng mặt, đâu chỉ có mình tui. Tui bán cá nghèo thiệt nhưng cũng góp một chút gửi cho các anh đang ở ngoài biển” - anh Thảo nói.

Mang đến một bọc tiền chẵn, lẻ đủ cả, anh Đặng Minh Ngọc, trưởng phòng hành chính quản trị Công ty cổ phần May, da xuất khẩu 30-4, mở lời: “Tiền công nhân tui đóng góp. Công nhân nghèo lắm nhưng cũng là công dân, cũng muốn cùng góp sức với biển đảo, coi như để động viên tinh thần các anh chiến sĩ là chính. Mai mốt tụi tui góp tiếp”. Trước khi anh Ngọc đến, một anh thợ mộc không nêu tên cũng đến góp 500.000 đồng. Anh khoe: “Hôm nay mặc bộ đồ tươm tất nhất tui mới dám ghé vô đây. Mọi bữa đi làm ăn mặc nhếch nhác quá coi cũng kỳ. Cái hồi báo phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, tui cũng ấp ủ ý định đóng góp rồi mà cứ mặc cảm mình ít tiền, nghèo khó quá nên chưa thực hiện”.

RpMqKAEY.jpgPhóng to
Lý Nhã Kỳ (trái) trong buổi đấu giá - Ảnh:Q.Định

Lý Nhã Kỳ đấu giá ủng hộ chương trình

Người đẹp Lý Nhã Kỳ đã dành toàn bộ 12.800 USD từ đấu giá bốn sản phẩm thời trang cao cấp (gồm một đôi giày Rupert Sanderson, một túi da Bonastre và hai chiếc đầm) trao tặng chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. Buổi đấu giá diễn ra tối 24-5 tại cửa hàng LYNK (Q.1, TP.HCM) do Lý Nhã Kỳ làm chủ. Có khoảng 30 khách mời là doanh nhân, ca sĩ, diễn viên, đạo diễn, người mẫu tham gia buổi đấu giá này.

Lý Nhã Kỳ chia sẻ: “Kỳ cùng các anh chị tham gia đấu giá ở đây hi vọng sẽ góp được một chút cùng đồng bào mình chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”.

Doanh nhân Hoàng Phúc, vị khách mua chiếc túi da với giá 5.000 USD, cũng chia sẻ: “Không có gì quý bằng hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ. Một chút tấm lòng gửi các chiến sĩ đảo xa. Chúc các anh sức khỏe và công tác tốt”.

Q.N.

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên