30/06/2018 11:43 GMT+7

'Ăn nên làm ra' nhưng lo lạm phát

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết tăng trưởng kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng cũng bày tỏ lo lắng trước áp lực lạm phát.

Ăn nên làm ra nhưng lo lạm phát - Ảnh 1.

Giá xăng tăng liên tục và dự kiến thuế bảo vệ môi trường sẽ tăng kịch khung là những yếu tố gây áp lực lên lạm phát. Trong ảnh: người dân đổ xăng ở một cây xăng trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) chiều 29-6 - Ảnh: Hoàng Đông

Theo phát biểu của ông Lâm tại buổi công bố thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm vào ngày 29-6, ước tính GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây. 

Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu lạm phát năm nay là 4% như Quốc hội giao, không thể tăng giá đồng loạt các mặt hàng, dịch vụ y tế, giáo dục... vào cùng một thời điểm.

Nhiều dấu hiệu tích cực

"Các chỉ số kinh tế trong 2 quý đầu năm khá tích cực" - ông Lâm khẳng định. 

Cụ thể, lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung và là mức tăng trưởng 6 tháng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018. 

Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%, trong khi ngành thủy sản đạt mức tăng 6,41%, cao nhất trong 8 năm qua.

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 49%. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 5,42% của cùng kỳ năm 2017. 

Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13%, tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Riêng khu vực dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 41,4%.

Ông Phạm Đình Thúy - vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) - cho biết trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là rất lớn vào GDP. 

Riêng 2 doanh nghiệp FDI lớn nhất của VN là Samsung và Formosa đã đóng góp 28% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.

Hạn chế tăng giá để tránh lạm phát

Điều lo ngại nhất là lạm phát cuối năm tiềm ẩn nguy cơ tăng cao so với mục tiêu Quốc hội đặt ra cả năm là 4%. 

Theo bà Đỗ Bích Ngọc - vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, lạm phát 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, cao nhất trong 7 năm qua. 

Trong khi đó, nhiều yếu tố có thể tác động đến chỉ số giá (CPI) 6 tháng cuối năm.

Chẳng hạn, từ ngày 1-7 sẽ tăng lương cơ sở thêm 90.000 đồng/tháng, giá dịch vụ giáo dục sẽ tăng vào tháng 9, giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh và đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến sẽ tăng kịch khung... 

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, các tác động này sẽ làm tăng CPI từ 0,27-0,29%.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Đức Độ, phó viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính, Học viện Tài chính, cho rằng lạm phát năm nay chắc chắn giữ được mục tiêu đặt ra. 

Bởi nếu có nhiều áp lực tới lạm phát mục tiêu, Chính phủ sẽ không tăng giá những mặt hàng, dịch vụ nhà nước kiểm soát. 

"Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nếu được thông qua có thể sẽ làm giá xăng dầu tăng nhưng chúng ta cũng có quỹ bình ổn để xử lý rồi" - ông Độ nói.

Mục tiêu CPI tăng không quá 4 là khả quan Mục tiêu CPI tăng không quá 4 là khả quan

TTO - Ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khẳng định như vậy trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiềm chế lạm phát dưới 4%.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên