Tháng 5, giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước đóng góp làm tăng CPI chung 0,16% - Ảnh: TL
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5-2018 so với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 3,86% và nếu so với tháng 12 năm 2017 thì tăng 1,61%. Tính trong 5 tháng đầu năm 2018, CPI bình quân tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 9 nhóm hàng tăng giá.
Trong số đó, nhóm Giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 1,72%, Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88%, Nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,34%, Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%...
Riêng chỉ có nhóm Giáo dục giá không đổi và nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,14%.
Theo Tổng cục Thống kê, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 5-2018 phải kể tới như giá thịt heo tăng cao do sau một thời gian dài thua lỗ nhiều hộ chăn nuôi phải ngừng nuôi.
Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do giá nhập nguyên liệu thô như bắp, lúa mỳ, vitamin, khoáng chất tăng làm cho giá thịt heo tăng 5,85% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung 0,25%.
Đặc biệt, hai lần giá xăng dầu tăng vào ngày 8-5 và 23-5, (tổng cộng giá xăng A95 tăng 1.010 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.010 đồng/lít, giá dầu diezel tăng 960 đồng/lít) bình quân tháng 5-2018 giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước đẩy CPI chung 0,16%.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng điện và nước tăng làm cho giá điện sinh hoạt tăng 0,95% và giá nước sinh hoạt tăng 0,52%.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5-2018 tăng 0,11% so với tháng trước.
Con số này tăng 1,37% so với cùng kỳ năm ngoái, và tổng cộng năm tháng đầu năm 2018 lạm phát cơ bản tăng 1,34% so với cùng kỳ năm 2017.
Thống kê cho thấy trong tháng 5-2018, lạm phát chung tăng cao hơn lạm phát cơ bản.
Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, giá xăng dầu.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê khẳng định, lạm phát cơ bản năm tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ ở mức 1,34% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận