09/06/2014 06:50 GMT+7

Ấn Độ, Trung Quốc đàm phán cấp cao

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Hôm qua, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã bắt đầu cuộc đàm phán cấp cao trong hai ngày ở New Delhi.

u31sVAg5.jpg
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: Reuters

Đây là lần đầu tiên hai nước đối thoại kể từ khi tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên nắm quyền.

Theo báo India Times, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết ông Vương Nghị đến New Delhi với tư cách là “đặc phái viên” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm bắt đầu quá trình đối thoại với chính quyền mới của Ấn Độ. Bất chấp việc bị mang tiếng là một chính trị gia theo đường lối chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Thủ tướng Modi ngay khi lên nắm quyền đã bày tỏ mong muốn hợp tác với các đối thủ như Trung Quốc và Pakistan. Ông Modi đã mời ông Tập đến thăm Ấn Độ trong năm nay.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong hôm nay ông Vương Nghị sẽ gặp ông Modi và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. Trả lời phỏng vấn báo The Hindu, ông Vương Nghị khẳng định Ấn Độ và Trung Quốc “có nhiều đồng thuận chiến lược hơn là bất đồng” và xác nhận ông Tập Cận Bình sẽ đến thăm Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định New Delhi “sẽ lắng nghe và sẵn sàng hợp tác”.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với thương mại song phương lên tới gần 70 tỉ USD. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc hiện đã lên tới gần 40 tỉ USD từ mức 1 tỉ USD hồi năm 2001. AFP dẫn lời một số nhà phân tích nhận định ông Modi muốn đảm bảo các doanh nghiệp Ấn Độ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc để giảm mức thâm hụt “đáng xấu hổ” này.

Bất chấp quan hệ thương mại thân cận, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn nghi kỵ lẫn nhau. Đó là hậu quả của cuộc chiến biên giới đẫm máu năm 1962. Hiện Bắc Kinh vẫn đang đòi chủ quyền vùng phía đông Himalaya, nơi có bang Arunachal Pradesh. Ấn Độ cũng cáo buộc Trung Quốc chiếm đóng trái phép hàng chục nghìn kilômet vuông lãnh thổ nước này ở vùng cao nguyên Aksai Chin.

Khi vận động tranh cử, ông Modi từng cảnh báo Trung Quốc “nên từ bỏ giấc mộng bành trướng”. Phản ứng lại, Bắc Kinh tỉnh bơ tuyên bố nước này “chưa từng gây chiến để cướp, dù chỉ một mẩu đất, của nước khác”. Quan hệ Ấn - Trung xấu đi nghiêm trọng hồi tháng 4-2013 khi New Delhi cáo buộc Bắc Kinh triển khai binh lính xâm nhập sâu 20km vào vùng lãnh thổ Ấn Độ. Một cuộc đối đầu diễn ra trong ba tuần trước khi hai bên rút quân.

Báo chí Ấn Độ cũng đưa tin hiện nước này đang thành lập lực lượng tới 90.000 binh sĩ để bảo vệ khu vực biên giới với Trung Quốc. Lực lượng này sẽ được trang bị pháo cối, súng phòng không và các thiết bị hiện đại khác. Ngân sách hoạt động của lực lượng này trong vòng năm năm tới sẽ lên đến 10,6 tỉ USD. Mới đây, khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo cho thấy chi tiêu quốc phòng Trung Quốc lên đến 145 tỉ USD, truyền thông Ấn Độ đã so bì bởi chi tiêu quốc phòng của nước này chỉ bằng 1/3 Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định Trung Quốc sẽ là thách thức quốc phòng lớn nhất đối với Thủ tướng Modi. “Trung Quốc thường xuyên xâm lấn biên giới của Ấn Độ. Tân thủ tướng sẽ phải đảm bảo rằng biên giới Ấn Độ được bảo vệ nghiêm ngặt” - báo Christian Science Monitor dẫn lời tướng Prakash Katoch, một cựu tư lệnh không quân Ấn Độ, khẳng định.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên