29/11/2021 10:26 GMT+7

Ăn cơm trên bờ, kiếm tiền đáy sông

HÙNG ANH
HÙNG ANH

TTO - 'Anh em chỉ có kính lặn, ống thở, lặn xuống đáy sông nước đục ngầu phải lấy tay thay mắt để làm việc kiếm cơm' - 'trùm rái cá' Tám Chậu bày tỏ.

Ăn cơm trên bờ, kiếm tiền đáy sông - Ảnh 1.

Nhóm thợ lặn trục vớt sà lan chìm trên kênh Chợ Gạo, Tiền Giang - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Cái xóm nhỏ hơn chục nóc gia nằm dưới chân cầu Mỹ Lợi bắc ngang sông Soài Rạp nối 2 tỉnh Long An - Tiền Giang (ấp 4, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là "đại bản doanh" của những người thợ lặn nổi tiếng miền Đông, miền Tây Nam Bộ. 

"Trùm thợ lặn" Tám Chậu (Trần Văn Chậu, SN 1964) cười nói: "Mấy tháng nay cả xóm ở trên bờ, thất nghiệp vì dịch".

3 đời... cắm đầu xuống đáy sông

Ông Tám kể mấy chục năm trước cha ông thường được thuê lặn xuống sông Soài Rạp mò vớt những cây gỗ to bị chìm dưới đáy sông. Những cây gỗ này được đưa từ miền Đông Nam Bộ theo sông Vàm Cỏ xuôi về Gò Công (Tiền Giang), cung cấp nguyên liệu cho làng sản xuất tủ thờ nổi tiếng. 

"Một mình cha tui không thể làm được nên ông kêu gọi anh em, bà con họ hàng cùng ra sông lặn vớt gỗ để kiếm tiền. Hồi đó gia đình nào cũng chỉ có cái nền nhà, không ruộng, nghe nói lặn xuống đáy sông kiếm tiền là... lặn liền. Lâu ngày, cha tui và bà con trong xóm trở thành thợ lặn chuyên nghiệp lúc nào không hay" - ông Tám nhớ căn nguyên khiến cả họ nhà mình gắn bó với nghề "ăn cơm trên bờ, kiếm tiền dưới đáy sông".

Năm 16 tuổi, ông Tám đã theo cha đi lặn vớt gỗ, ghe xuồng bị chìm. 

"Hồi xưa lặn xuống đáy sông trục vớt đồ vật, ghe tàu người thợ chỉ có lá phổi, sợi dây thừng cột ngang lưng nối với chiếc ghe và những người trên mặt nước nên phải ngoi lên hụp xuống liên tục, mất nhiều thời gian. Giờ thợ lặn trang bị nhiều loại máy móc, đặc biệt là máy cung cấp dưỡng khí để thở, nên thời gian làm việc dưới đáy sông rất dài" - ông Tám nhớ lại.

Lúc mới vào nghề, ông Tám chỉ là thợ phụ việc cho cha, lâu dần nghề dạy nghề, ông trở thành thợ chính. Khi cha ông Tám giải nghệ vì tuổi cao sức yếu, ông dần trở thành thủ lĩnh của cả nhóm thợ lặn trong vùng cho đến nay. Sau này, hai đứa con trai của ông Tám lớn lên lại nối nghiệp cha.

Phía sau xóm nhà, dưới con rạch Rạch Lá và sông Soài Rạp, gần chục chiếc ghe lớn nhỏ là phương tiện làm ăn của nhóm thợ lặn đậu san sát nhau. Trên bờ rạch, dây nhợ, ống cao su, máy hút bùn cát, máy bắn đá, máy khoan, máy bơm nước, máy cắt sắt thép nằm ngổn ngang. 

Ông Tám nói nghề lặn quan trọng nhất là những chiếc máy cung cấp oxy cho thợ lặn làm việc dưới đáy sông. Thông thường, mỗi kíp lặn có hai máy nén khí, trong đó một chiếc làm nhiệm vụ dự phòng. Chúng phải luôn trong tình trạng hoạt động thật tốt, bởi là lá phổi, trái tim của nghề lặn.

Trong lúc làm việc, nếu máy nén khí chính gặp sự cố thì người trên ghe phải lập tức vận hành máy dự phòng, nối ống cung cấp dưỡng khí cho thợ lặn ngay lập tức. Nếu cả hai máy cùng bị sự cố, họ phải gấp rút đưa thợ lặn lên khỏi mặt nước, không ai dám mạo hiểm "lặn chay không ống thở".

Ông Tám tâm sự làm nghề lặn đáy sông cực kỳ nguy hiểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Chỉ cần bất cẩn chút xíu là tai nạn xảy ra nên luôn tuân thủ nguyên tắc đảm bảo an toàn tuyệt đối, phán đoán chính xác mọi tình huống. 

Trước và sau mỗi chuyến lặn, nhóm thợ phải tháo máy móc đem lên bờ xem xét, bảo trì. Đó là một trong những tiêu chuẩn an toàn bắt buộc của nghề thợ lặn.

"Bất cứ ai trong nhóm thợ lặn đều phải biết sửa chữa máy móc. Bởi làm việc trên sông, máy móc có trục trặc thì họ phải sửa được ngay để không gây nguy hiểm tính mạng những người đang dưới đáy sông" - ông Tám nói. 

Trước mỗi đợt lặn, nếu phát hiện sức khỏe thợ lặn không ổn, ông Tám cương quyết không cho làm việc. Tuy "nghề dạy nghề, người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau" nhưng muốn được phép lặn xuống đáy sông kiếm cơm thì tất cả đều phải đi thi lấy bằng thợ lặn chuyên nghiệp.

"Sông rạch miền Tây Nam Bộ nước đục ngầu phù sa, nên tầm nhìn dưới đáy gần như bằng không. Thợ lặn hoàn toàn không nhìn thấy gì, chỉ dùng tay để sờ, tìm kiếm, xác định những phần việc phải làm, mò mẫm đưa họng hút của các loại máy bơm cát, hút bùn, bắn đá... vào đúng vị trí. 

Muốn tháo từng chiếc bù lon, con tán hay cắt sắt thép, thợ lặn đều lần mò trong điều kiện tăm tối như vậy. Nếu thời tiết thuận lợi, ít sóng gió, dòng chảy êm, công việc đỡ vất vả. Còn gặp nước chảy xiết, sóng to gió lớn thì cực kỳ khó khăn" - thợ lặn Mười Tân (Trần Văn Tân, sinh năm 1972, em ruột của ông Tám Chậu, gần 30 năm trong nghề) nói.

Ăn cơm trên bờ, kiếm tiền đáy sông - Ảnh 2.

“Trùm thợ lặn” Tám Chậu và những chiếc ghe phương tiện làm ăn của nhóm đậu trên sông Soài Rạp - Ảnh: HÙNG ANH

Nghề ngậm miệng... ăn tiền

Mười Tân kể khi đến hiện trường việc đầu tiên là thợ lặn phải tìm hiểu kỹ phương tiện bị tai nạn, có chở hàng hóa hay không, hàng hóa loại nào, trong khoang có ai bị thiệt mạng còn kẹt lại, vị trí tàu chìm và yêu cầu của cơ quan hữu trách. 

Đối với các công trình xây dựng, thợ lặn cũng phải nắm rõ yêu cầu của nhà thầu, vị trí và khối lượng công việc phải thi công.

Sau đó, thợ lặn xuống đáy sông khảo sát thực trạng, ước tính khối lượng công việc. 

"Trục vớt phương tiện thì tùy độ sâu bị chìm, khối lượng công việc, giá cả từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng. Thi công các công trình ngầm dưới lòng sông thù lao từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng, tùy thuộc vào công trình lớn hay nhỏ, khối lượng công việc và thời gian thi công dài hay ngắn. 

Nghề thợ lặn đầy hiểm nguy nên một ca làm việc dưới đáy sông chỉ kéo dài 2 tiếng, ai có sức khỏe tốt thì có thể nhận 2 ca/ngày, ai yếu làm 1 ca. Mỗi ca làm việc dưới đáy sông, thợ lặn được trả công tối đa 1 triệu đồng, tùy khối lượng, mức độ khó khăn của công việc. Thợ lặn rất hạn chế việc lặn đêm vì quá nguy hiểm" - Mười Tân cho biết.

Hợp đồng lặn ký xong, "trùm thợ lặn" Tám Chậu chọn giờ lành để bày bàn hương án, lễ vật cúng "Bà Cậu", làm lễ xuất quân. Ông Tám trực tiếp khấn vái, cầu xin "Bà Cậu" cho cả nhóm làm việc suôn sẻ, tai qua nạn khỏi, không gặp sóng to gió lớn, tai nạn bất ngờ.

Mười Tân cho biết chỉ những người thực sự gan dạ, nhiều kinh nghiệm mới làm nhiệm vụ vớt thi thể nạn nhân xấu số. 

"Anh em thợ lặn tụi tui luôn nhắc nhở nhau nếu gia đình nạn nhân quá khó khăn thì lặn tìm thi thể miễn phí, chỉ nhận tiền công trục vớt của chủ phương tiện. Tụi tui xem đó như là cách làm phước, tích đức cho con cháu về sau" - Mười Tân tâm sự.

Sống để bụng, chết đem theo

Nghe hỏi "lặn xuống đáy sông sợ nhất điều gì, người ta đồn thợ lặn hay gặp nhiều chuyện kỳ lạ", ông Tám cười nói: "Dưới đáy sông tăm tối, thợ lặn sợ nhất hai chuyện, đó là chướng ngại vật theo dòng chảy bất ngờ lao đến và bị đứt ống cung cấp dưỡng khí.

Còn chuyện kỳ lạ, nếu có gặp cũng không ai dám nói. Bởi khi vào nghề, thợ lặn đã có lời thề độc với "Bà Cậu", không bao giờ tiết lộ những bí mật dưới đáy sông, sống để bụng, chết đem theo".

Ưu tiên đưa vớt thi thể xấu số

Theo thợ lặn Mười Tân, "Bà Cậu" là vị thủy thần chuyên phù hộ cho những người làm nghề hạ bạc trên sông. Sau lễ cúng, đích thân ông Tám phải xuống đáy sông lần nữa để xác định cụ thể những việc phải làm, rồi quay lên ghe phân công cho từng nhóm thợ phần việc khác nhau.

Nếu có nạn nhân bị thiệt mạng kẹt trong khoang ghe tàu chìm, trước tiên thợ lặn phải tìm mọi cách đưa thi thể nạn nhân lên bờ để người nhà lo hậu sự, sau đó mới thực hiện trục vớt tàu, ghe.

Thợ lặn chíp chíp trên sông Hàn Thợ lặn chíp chíp trên sông Hàn

TTO - Quanh sông Hàn và vịnh Đà Nẵng có tới... 800 thợ lặn hành nghề. Họ đổ về đây từ khắp nơi, bắt con chíp chíp mang lại cơm áo cho mình...

HÙNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên