16/12/2004 00:03 GMT+7

Đời thợ lặn miền Tây

 Bài, ảnh: MINH TÂM
 Bài, ảnh: MINH TÂM

TT - Chúng tôi đến cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt, TP Cần Thơ gặp thợ lặn Nguyễn Văn Mộng, người được mệnh danh “thủy thần” đất cù lao.

2BFvoqyd.jpgPhóng to
Ông Ba Dung, một đời làm thợ lặn
TT - Chúng tôi đến cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt, TP Cần Thơ gặp thợ lặn Nguyễn Văn Mộng, người được mệnh danh “thủy thần” đất cù lao.

Trong căn nhà vách lá ven sông gió thổi lồng lộng, anh Mộng nói: “Gọi vậy chứ đâu ai rõ cái sống cái chết của nghề này, khốn khổ lắm cái đời lặn thuê!”...

Ai kêu, có tôi ngay!

Cách đây 30 năm, cha anh Mộng - ông Nguyễn Văn Mười - là thợ lặn có tiếng ở doi đất cù lao Tân Lộc này. Ông Mười là một dân chài nghèo, ai kêu gì ông lặn đó, khi thì lặn mò đồng hồ, vàng bạc, khi thì mò xác xuồng, tàu ghe, máy móc bị đắm.

Năm anh Mộng 18 tuổi, ông Mười bắt đầu cho con xuống sông sống với cái nghề đầy bất trắc này. Anh Mộng nói: “Đội lặn thuê của tôi gồm sáu người, toàn người thân không à, thằng Hùng là em tôi, thằng Lâm là em cô cậu, mấy đứa còn lại là cháu”. Theo anh Mộng, thường tai nạn chìm ghe hay xảy ra ở các vàm, doi nơi nước chảy xiết băng băng. Đặc biệt mùa lũ, tại vàm chợ Thốt Nốt tai nạn đường sông xảy ra liên tục. Có năm tại đây đội của anh đã lặn hàng chục vụ, lúc mò máy động cơ, lúc trục ghe. “Ai kêu gì cũng lặn - anh Mộng nói - có những vụ chỉ trả 50.000-100.000 đồng để mò cái máy, xác ghe mục chúng tôi vẫn làm”. Năm nay 47 tuổi với trên 29 năm lặn thuê nhưng cánh thợ lặn anh Mộng vẫn nghèo như thời cha, chú. Họ chỉ lặn quanh quẩn địa bàn Thốt Nốt. Anh thú nhận cánh thợ anh không nổi như cánh thợ lặn Lê Văn Voi (TP Long Xuyên, An Giang) chuyên lặn mò ghe chở đá bị chìm; hay như cánh thợ lặn chuyên trục sà lan, lựu đạn, xác người ở xóm Chài, xóm Đáy.

Họ nổi danh tới nỗi nhiều ghe chìm ở tận biển Đại Ngãi, Sóc Trăng cũng phải tới tìm... Chúng tôi đến xóm Chài (phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) tìm nhóm lặn thuê của anh Chương Ngọc Dương.

Nhóm anh Dương có khoảng 30 người, ngoài máy móc các anh còn có cả bộ đồ người nhái. Chị Nhung, vợ anh Dương, cho biết: “Ảnh đi lặn tuốt ngoài biển trục chiếc sà lan 500 tấn mấy ngày rồi”. Nghe nói chiếc sà lan nặng bị chìm này là chiếc thứ năm mà nhóm anh Dương đã thực hiện trong năm nay.

Chị khoe: “Cha chồng tôi là ông Ba Bạc lặn nức tiếng xóm này nghe cô! Tàu sắt chìm, sà lan nặng tới đâu ổng cũng làm nổi lên hết. Chồng tôi là đệ tử cưng của ổng đó, ảnh cũng đã vớt cả trăm chiếc sà lan rồi chứ không ít”.

Chị Nhung kể lại: “Năm 2001, biết có một chiếc tàu của Pháp bị chìm ngay sông Hậu tại xóm Chài, anh Dương đã lặn mò với tiền thuê gần 100 triệu đồng. Chiếc tàu đó bị vùi sâu mấy chục thước dưới lòng đất khiến không ít thợ lặn bó tay. Đúng ba tháng sau anh Dương mới lôi nó lên được, cả khúc sông người ta coi đông nghẹt. Chiếc tàu to đùng hơn cả chiếc du thuyền Ninh Kiều bên kia nữa”.Ở xóm Đáy, chúng tôi gặp ông Ba Dung (tức Nguyễn Văn Dung, sinh năm 1936, P.Hưng Phú, Q.Cái Răng, TP Cần Thơ), người thợ lặn duy nhất ở miền Tây được bộ đội công binh mời đi lặn mò lựu đạn ở kênh Vĩnh Tế, An Giang.

STJkfBV4.jpgPhóng to
Thợ lặn Hùng đang chuẩn bị lặn
Có lẽ ông cũng là người thợ lặn già nua còn đeo bám cái nghề hạ bạc này! Trên căn nhà sàn ngó ra sông Hậu lồng lộng gió, ông Ba Dung trầm ngâm: “Đời ta lênh đênh khổ theo sông nước con ôi. Sông Hậu, sông Tiền này nơi đâu mà ta không chạm tới đáy, chỗ sâu chỗ cạn.

Khi nào sông hiền, lúc nào “trở chứng” ta đều nắm làu làu như tâm tính từng đứa con mình”. Ký ức thời trai trẻ ngang dọc sông hồ của ông cứ miên man hiện về theo những con sông cồn cào chảy xiết.

Ngày đó ông Ba Dung là chàng trai cô khổ ở xóm Đáy phải nương mình theo đáy sông Hậu mà sống. Những cọc sắt nhọn nằm vật vờ, những xác tàu mục rữa, những thanh sắt hoen gỉ là đống phế liệu cho ông chén cơm manh áo.

“ Ta còn lặn mò xác người nữa đó con. Bộ đội mời ta đi lên kênh Vĩnh Tế mò lựu đạn ta cũng đi, rồi phao tín hiệu bị trôi, pôngtông bến phà Hậu Giang bị hư hao gì ta cũng có mặt...”.

Hiện giờ cụm phà Hậu Giang, các xí nghiệp cơ khí đóng tàu, ban quản lý đường sông vẫn tiếp tục ký hợp đồng với ông để kiểm tra độ mòn của giàn trụ chống bến phà, bảo quản phao cứu hộ ghe tàu sà lan...

Đáy sông tối mù mịt

Nước sông khi lớn khi ròng, khi trong khi đục, nhưng người lặn thuê cả đời cứ đói nghèo quanh năm. Nghe họ kể mới hiểu tại sao nghề lặn thuê cứ cha truyền con nối, anh em thân tộc kết đoàn đi lặn chung: “Nghề này bạc bẽo lắm, ai không đất cát, vốn liếng mới mang nghề này vào thân.

Ăn của sông không dễ bao giờ, đáy sông tối đen mờ mịt, nước lạnh căm căm. Ai khỏe lắm theo nghề chỉ vài năm là cũng phải biết... mùi, tai không thối cũng bị ù, tức ngực, khó thở. Trên bờ sơ sẩy mình có thể cứu kịp chứ dưới đáy sông thì...”.

JTUJGPHC.jpgPhóng to
Thả ống dẫn khí cho thợ lặn
Cho tới bây giờ anh Mộng vẫn không quên những cái chết thảm của những người bạn lặn: “Anh Luận lặn mò máy động cơ thủy, có lẽ khi trục máy anh không ngờ đất nền là đất sình nên khi nâng máy lên anh đã mất đà lún chân, bị sình kéo lút xuống đáy khiến ống dẫn khí bị tuột khỏi miệng, anh giật dây cầu cứu nhưng không kịp nữa...

Rồi đến anh Tuấn. Anh Tuấn đang lặn mò ghe ở Chợ Vàm, dây câu bị vướng vào bánh lái của một chiếc ghe lớn chạy ngang. Và anh đã bị kéo phăng bay lên khỏi mặt nước đập đầu vào bánh lái...”.Chuyện tử vong, tai họa lòng sông nhắc tới thợ lặn nào mà không ngao ngán! Như chị Nhung khi vui miệng đề cập đến chuyện anh Dương vớt tàu Pháp lại trở về với nỗi lo: “Lặn sông nguy hiểm lắm cô, anh Dương may mắn trị kịp thời nên không bị hư bàn tay phải.

Số là lặn mò sà lan anh bị thanh sắt hoen gỉ đâm vào. Tưởng là vết thương nhẹ nên ảnh không để ý, tới chừng nó hành đau nhức ảnh mới phát hoảng, cả tháng trời chạy thầy tốn bạc triệu...”.

Ông Ba Dung thì nói giọng buồn buồn: “Nghề này bạc lắm con ơi, không có hậu chút nào...”. Cái chết của anh Hoàng - con nuôi ông, một tay lặn thuê cự phách - đã để lại mãi trong ông nỗi đau của người thợ lặn.

Ông Ba Dung có bốn đứa con trai, cả đời ngang dọc sông nước, sống nhờ đáy sông. Ông ráng hết hơi mới lo được cái nhà lá cho ba thế hệ với gần chục người có được chỗ chui ra chui vào.

Ông cũng toan tính, cũng bao đêm mất ngủ khi mang nỗi đau không thay đổi được đời sông, đời người. “ Con ta hai đứa là Hoàng Em và Thiện cũng theo nghề lặn. Ta lo rồi đây hai đứa nó sẽ khổ như ta...”. Ông lại thở dài, tiếng thở buồn buồn nghe âm ỉ như tiếng sóng vọng từ đáy sông!

 Bài, ảnh: MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên