Theo báo Asia Times, một báo cáo gần đây tiết lộ Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đang sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có tên Habsora để nhắm vào các mục tiêu tổ chức Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.
Hệ thống này được cho là đã sử dụng để tìm kiếm các mục tiêu ném bom, liên kết địa điểm của các thành viên Hamas, hay thậm chí là ước tính trước số lượng người dân thường có thể thiệt mạng.
Trang tin Asia Times nhận định hệ thống AI có thể giúp binh sĩ Israel hoạt động hiệu quả hơn, có khả năng nâng cao tốc độ cũng như tăng mức độ sát thương.
Một cựu lãnh đạo của IDF cho biết các nhà phân tích tình báo có thể đưa ra 50 mục tiêu ném bom mỗi năm, trong khi hệ thống Habsora có thể tạo ra 100 mục tiêu mỗi ngày.
Hơn nữa, Habsora còn có thể đưa ra các khuyến nghị về các mục tiêu ném bom dựa trên thời gian thực.
Một số ý kiến khẳng định công nghệ máy tính cho phép Israel nhắm mục tiêu chính xác cao hơn, giúp tránh làm hại đến những người dân thường dễ dàng hơn, cũng như sử dụng vũ lực tương ứng với các mục tiêu khác nhau.
Những hệ thống AI tương tự Habsora được cho là có khả năng định hình lại tính chất của toàn bộ cuộc chiến, từ đó khiến các bên càng dễ tham gia vào các cuộc xung đột hơn.
Và khi AI ngày càng phổ biến trong chiến tranh, quân đội các bên sẽ phát triển các biện pháp đối phó nhằm làm suy yếu hệ thống của đối thủ. Từ đó tạo ra một vòng lặp leo thang quân sự hóa.
Hiện nay, AI có mặt ở mọi cấp độ của chiến sự, từ hỗ trợ tình báo, giám sát, trinh sát như hệ thống Habsora của IDF, đến những hệ thống vũ khí tự động sát thương có thể chọn và tấn công mục tiêu mà không cần sự can thiệp của con người.
Tuy nhiên, những hệ thống AI phức tạp như Habsora cũng có thể gây khó khăn trong việc phát đi tín hiệu tấn công hoặc dự đoán sai đường đi nước bước của đối thủ khi tình hình xung đột leo thang nghiêm trọng.
Cụ thể, các hệ thống AI có thể tạo ra thông tin sai lệch, cũng như tạo ra và truyền thông tin gây hiểu lầm trong các cuộc giao tranh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận