16/09/2021 08:54 GMT+7

Ai được vào Đà Nẵng tiêm vắc xin, ai ở Khánh Hòa được xét nghiệm COVID-19 miễn phí?

TRƯỜNG TRUNG ghi
TRƯỜNG TRUNG ghi

TTO - Nhiều người dân ở bên ngoài nhận được tin nhắn tiêm vắc xin ở Đà Nẵng có được vào thành phố tiêm chủng hay không? 8.000 giáo viên và học sinh đang còn ở 30 tỉnh thành khác sẽ được về lại Đà Nẵng như thế nào?

Ai được vào Đà Nẵng tiêm vắc xin, ai ở Khánh Hòa được xét nghiệm COVID-19 miễn phí? - Ảnh 1.

Chốt kiểm soát ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

* Tôi làm cho một công ty ở Đà Nẵng, đợt dịch vừa rồi ít việc nên tôi về Quảng Nam. Khi công ty đăng ký cho tôi tiêm vắc xin ở Đà Nẵng, tôi có được qua chốt vào lại thành phố hay không? (Anh Bùi Tấn Trường, Quảng Nam)

- Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, phó giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, cho biết: Vừa qua lãnh đạo thành phố chỉ đạo tiêm vắc xin COVID-19 cho tất cả những người lao động trong và ngoài khu công nghiệp.

Do vậy người thuộc đối tượng này, miễn đang có mặt ở Đà Nẵng đều được tiêm chủng. Trường hợp rời khỏi Đà Nẵng thì không được lập danh sách tiêm nữa vì đã rời thành phố.

Đối với người đã tiêm mũi 1 ở Đà Nẵng là đối tượng theo nghị quyết 21 nhưng sau đó đi khỏi địa bàn, khi vào lại thành phố để tiêm mũi 2 cần phải trình bày để xin qua các chốt.

Lực lượng công an tại các chốt sẽ kiểm tra có đúng đối tượng hay không và các yếu tố liên quan để xem xét cho qua chốt.

Đối với trường hợp chưa tiêm mũi nào sẽ không được vào Đà Nẵng để tiêm chủng trong giai đoạn này. Trước đây Đà Nẵng thực hiện cách ly người từ vùng thực hiện chỉ thị 16 vào thành phố.

Tuy nhiên hiện nay tinh thần chỉ đạo thông suốt của Chính phủ là "ai ở đâu ở yên đấy", do vậy kể cả người thường trú ở Đà Nẵng nhưng rời đi khỏi thành phố cũng sẽ không được vào lại để tiêm.

Trừ những trường hợp đặc biệt sẽ được xem xét, quyết định bởi trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố.

* Nhiều giáo viên và học sinh đang mắc kẹt ở ngoại tỉnh muốn về lại Đà Nẵng để ổn định dạy và học năm học mới, thành phố đã có giải pháp gì tạo điều kiện cho chúng tôi không?

- Một thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng trả lời: Sáng 15-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã họp với Sở GD-ĐT và các ngành liên quan để có phương án đón các em học sinh về.

Sở GD-ĐT Đà Nẵng đang cho các trường triển khai việc lập danh sách, nắm bắt thông tin số học sinh đang còn ở các tỉnh chưa kịp về lại thành phố. Ước tính sơ bộ có khoảng 8.000 giáo viên và học sinh đang ở bên ngoài Đà Nẵng.

Thành phố còn đang thực hiện giãn cách xã hội, vì vậy phải đến khi thành phố chuyển qua trạng thái bình thường mới đón học sinh về.

Sau khi thống kê, thành phố sẽ lên phương án tổ chức đón về trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch vì hiện nay học sinh đang còn kẹt lại ở 30 tỉnh thành khác.

Có những nơi là vùng bình thường mới, có nơi đang trong vùng dịch. Việc đưa đón học sinh sẽ được tổ chức sớm nhất khi đảm bảo các điều kiện và sẽ triển khai trước thời điểm Đà Nẵng triển khai dạy và học bình thường. Trong thời điểm chờ chuyển trạng thái về bình thường mới thì Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục triển khai việc học trực tuyến.

Xét nghiệm COVID-19 ở bệnh viện: ai được miễn phí?

* Vì sao hiện nay bên cạnh nhiều bệnh nhân và người nhà vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa được xét nghiệm COVID-19 miễn phí vẫn có những trường hợp phải trả tiền xét nghiệm đó hoặc buộc phải làm xét nghiệm RT-PCR?

- Bác sĩ Phan Hữu Chính - giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - giải thích như sau:

Theo Bộ Y tế, tất cả mọi người vào bệnh viện đều phải có xét nghiệm COVID-19 trong vòng 72 giờ, nếu quá thời hạn đó thì phải xét nghiệm lại tại bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa hiện tại vẫn xét nghiệm (test nhanh) miễn phí cho bệnh nhân và một người nhà đi cùng khi vào bệnh viện.

Còn những người nhà đi cùng bệnh nhân vào bệnh viện là người thứ hai trở lên thì đều phải xét nghiệm COVID-19 nhưng phải tự trả tiền xét nghiệm đó và tất cả trường hợp vừa nêu đều là test nhanh, chứ không phải là xét nghiệm PCR.

Những người vào Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa từ những vùng phong tỏa ("vùng đỏ") vì COVID-19 hay từ các tỉnh, thành phố đang là "nguy cơ cao" về COVID-19 hoặc có yếu tố lâm sàng là viêm phổi không có đặc hiệu thì đều phải làm xét nghiệm PCR.

Còn những trường hợp phải trả tiền làm xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa là khi người bệnh có yêu cầu chuyển viện hoặc được chuyển viện đi TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế.

Vì hiện nay tất cả bệnh viện trong cả nước đều có quy định yêu cầu tất cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi chuyển viện đến đều phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 bằng PCR trong vòng trước 72 giờ khi vào các bệnh viện đó.

Đối với những trường hợp xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y tế có chức năng được phép làm xét nghiệm, có giấy xác nhận kết quả đúng quy định, còn hiệu lực trong vòng 72 giờ thì đều không phải làm xét nghiệm lại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm quá thời hạn vừa nêu hoặc giấy xác nhận của cơ sở y tế không đúng quy định, không có dấu thì phải làm xét nghiệm, đó là theo quy định chung của ngành y tế hiện nay.

Hiện tại, theo bác sĩ Chính, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa làm mỗi xét nghiệm PCR là 734.000 đồng và test nhanh là 218.000 đồng (nếu xét nghiệm gộp, tối đa 5 người/xét nghiệm, thì số tiền đó sẽ chia ra cho số người được xét nghiệm gộp để trả).

Bệnh viện tỉnh cũng có làm dịch vụ test nhanh COVID-19 theo yêu cầu của người cần xét nghiệm và chỉ thu phí 150.000 đồng/lần xét nghiệm.

Ông Nguyễn Khắc Tân - trưởng phòng giám định bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa - cho biết 5 nhóm sau sẽ được thanh toán tiền xét nghiệm COVID-19, gồm: bệnh nhân nội trú; người bệnh ngoại trú thực hiện xét nghiệm sau khi có quyết định chuyển vào điều trị nội trú; cán bộ, nhân viên y tế, người lao động tại cơ sở khám chữa bệnh; người chăm sóc bệnh nhân (tối đa không quá 2 người luân phiên) nếu được cơ sở y tế đồng ý cho ở lại; người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã hoàn thành thời gian cách ly y tế theo quy định nhưng thuộc các nhóm nêu trên.

Những người thuộc 5 nhóm nêu trên khi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đúng quy định tại các cơ sở khám chữa bệnh (kể cả các cơ sở y tế ngoài công lập) nếu có thẻ BHYT thì sẽ được thanh toán từ quỹ BHYT; trường hợp không có thẻ hoặc không có BHYT thì sẽ do ngân sách nhà nước chi trả.

P.S.NGÂN

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca sau 6 tuần, có sao không? HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca sau 6 tuần, có sao không?

TTO - Nghiên cứu cho thấy khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin AstraZeneca là 6 tuần đến 8 tuần có hiệu lực như nhau.

TRƯỜNG TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên