10/03/2018 10:23 GMT+7

Ai đòi lại công bằng cho 500 giáo viên 'dôi dư' mất việc?

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Đó là lời cầu cứu đầy xót xa, bất lực của cô giáo Nguyễn Hiền Diệu thay cho hơn 500 giáo viên Đắk Lắk nhận tin mình sẽ bị 'chấm dứt hợp đồng' trong năm nay.

Ai đòi lại công bằng cho 500 giáo viên dôi dư mất việc? - Ảnh 1.

Hàng trăm giáo viên bức xúc vì sẽ bị "chấm dứt hợp đồng" trong năm 2018 - Ảnh: TRUNG TÂN

"Tôi đã 7 năm đứng trên bục giảng, nay huyện cắt ngang không cho dạy nữa. Ai trả lại thanh xuân, cho những năm tháng trên bục giảng, chẳng lẽ chúng tôi đi làm thuê và ai sẽ thuê chúng tôi trong thời điểm này?

Rồi gia đình, con cái chúng tôi nữa sẽ sống bằng cái gì? Không thể đá đổ chúng tôi một cách nhanh chóng như vậy được. Ai đó hãy đòi lại công bằng cho giáo viên chúng tôi!", cô Nguyễn Hiền Diệu - giáo viên Trường THCS Ngô Mây (Krông Pắk, Đắk Lắk) chua xót.

Tha phương cầu thực

Thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh - giáo viên tin học Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết ngày 23-7-2015, ông Nguyễn Sỹ Kỷ (thời điểm này là chủ tịch UBND huyện Krông Pắk) ra quyết định ký hợp đồng lao động với mình với lương bậc 1/9, hệ số 2,34 và giao về Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai. 

Nhưng vào chiều 20-1-2017, nhà trường mời anh và 21 giáo viên dạy hợp đồng lên yêu cầu ký lại hợp đồng thời vụ (từ tháng 2 đến tháng 7-2017), mức lương 1.500.000 đồng/tháng/người. Trừ 32,5% tổng lương để đóng các loại bảo hiểm, mỗi người chỉ còn được nhận 1.002.500 đồng.

Ai đòi lại công bằng cho 500 giáo viên dôi dư mất việc? - Ảnh 2.

Các giáo viên (trái) phản ánh bức xúc với các phóng viên báo chí chiều 9-3 - Ảnh: TRUNG TÂN

Không sống nổi với số "tiền lương" này, thầy Tuấn Anh và nhiều thầy cô giáo khác buộc phải rời bục giảng để đi kiếm việc, làm "thợ đụng" khắp nơi. 

"Chúng tôi là nhà giáo nhưng nay không có công ăn việc làm thì đụng gì làm nấy. Có bạn thì vô Bình Dương làm công nhân, có người làm ruộng. Tôi và anh Nguyễn Ánh Dương (giáo viên cùng trường) phải đi Đà Nẵng làm thợ hàn. 

Mới đây hai anh em nhận dựng một cái quán cho người ta, làm từ mờ sáng đến tối mịt nhưng xong lại lỗ vốn, do chưa quen tính toán tiền công, tiền vật liệu. Nhưng chẳng biết làm sao, đến đâu liệu đến đó", thầy Tuấn Anh ngậm ngùi.

Hiệu trưởng một Trường THCS trên địa bàn Krông Pắk thừa nhận tình trạng "thừa" giáo viên khiến nhà trường hết sức căng thẳng. 

Ông nói nhiều năm qua không rõ vì lý do gì, căn cứ vào đâu ở trên huyện cứ "nhét" chỉ tiêu về buộc trường ký hợp đồng lao động. Nhiều giáo viên ở những bộ môn mà nhà trường đã dư nhưng vẫn đưa về, việc sắp xếp lịch dạy hết sức khó khăn...

Ai đòi lại công bằng cho 500 giáo viên dôi dư mất việc? - Ảnh 3.

Bà Ngô Thị Minh Trinh (áo hồng nhạt) - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk trong "vòng vây" của các giáo viên bức xúc kéo lên UBND huyện cầu cứu - Ảnh: TRUNG TÂN

"Năm vừa qua, huyện không giao kinh phí để chi trả cho những giáo viên dôi dư nên nhà trường đành phải giảm lương các thầy cô giáo. Chúng tôi cũng thương thầy cô nhưng thực sự không còn cách nào khác. Trách nhiệm này thuộc về những người đã ký quyết định tuyển dụng giáo viên", vị này phân trần.

Bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết khoảng 600 giáo viên hợp đồng được chia làm hai đối tượng là giáo viên không có vị trí để xét tuyển (tức từ nay đến năm 2021 không còn vị trí để xét tuyển), số này có 200 người; giáo viên có vị trí xét tuyển khoảng 400 người nhưng chỉ tiêu biên chế năm nay chỉ cho 83 người. 

Tức đến hết năm 2018, tất cả các giáo viên không đủ điều kiện xét tuyển và giáo viên thi rớt đợt tuyển dụng viên chức giáo dục tháng 4-2018 sẽ bị chấm dứt hợp đồng.

Theo bà Trinh, hai năm gần đây huyện đã xin nhiều giải pháp để tuyển dụng những người đã tuyển ngoài biên chế. Tuy nhiên tinh thần chỉ đạo từ trên và các quy định hiện hành không cho phép, bởi ngay cả những người có biên chế còn bị tinh giản, huống chi là giáo viên hợp đồng. 

"Thương lắm chớ, tôi cũng từng là giáo viên tôi hiểu hết nhưng không còn cách nào khác để giải quyết nên đành để các em tự tìm việc khác", bà Trinh nói.

"Giáo viên có thể khởi kiện?"

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online, luật sư Tạ Quang Tòng - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk, cho biết việc đình chỉ hợp đồng đối với các giáo viên là giải pháp bất đắc dĩ vì kinh phí nhà nước không đủ chi trả cho các giáo viên ngoài biên chế. 

Tuy nhiên, ở đây giáo viên có quyền được hưởng một khoản phụ cấp về việc mất việc làm, 1 năm làm việc tương đương với 1 tháng lương.

Ai đòi lại công bằng cho 500 giáo viên dôi dư mất việc? - Ảnh 4.

Mất việc, thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh và nhiều giáo viên khác phải đi làm "thợ đụng" để kiếm sống qua ngày - Ảnh: TRUNG TÂN

"Việc cắt hợp đồng đối với những giáo viên này là do sai phạm của các nhiệm kỳ chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Giáo viên có thể khởi kiện đơn vị ký hợp đồng về việc mất việc làm theo điều 49 Luật Lao động, mỗi năm làm việc được trợ cấp 1 tháng lương. 

Ngoài ra giáo viên có quyền khởi kiện người ký hợp đồng hoặc ký quyết định tuyển dụng để yêu cầu bồi thường thiệt hại", luật sư Tòng hướng dẫn.

Về việc này, bà Ngô Thị Minh Trinh cho biết với những giáo viên mất việc huyện đã chỉ đạo các trường mời lên để thỏa thuận phương án thỏa thuận bồi thường theo Luật Lao động. 

Nếu các giáo viên vẫn bức xúc thì huyện sẽ tổ chức một buổi đối thoại để tiếp tục thỏa thuận với giáo viên về lương, khoản hỗ trợ... 

"Nếu các giáo viên hợp đồng không chấp nhận thì có quyền khởi kiện UBND huyện, nhà trường theo quy định của Luật Lao động hiện hành", bà Trinh khẳng định.

Về trách nhiệm đối với những lãnh đạo đứng đầu huyện, bà Trinh nói đây là trách nhiệm chung của đảng bộ, UBND huyện liên quan đến việc tuyển dôi dư này. 

Theo đó ông Nguyễn Sỹ Kỷ - phó ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện giao đoạn 2011-2016 đã bị kỷ luật cảnh cáo và ông Y Suôn Byă - chủ tịch đương nhiệm đang bị Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm đảng viên liên quan đến việc này.

Theo thông tin phóng viên có được, đến nay có 5 giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai đã làm đơn khởi kiện UBND huyện, nhà trường vì vi phạm luật lao động đối với các giáo viên. 

"Đơn đã gửi từ lâu nhưng tòa án không hướng dẫn cụ thể mà lúc nói thiếu cái này, khi bảo thiếu cái kia trong khi chúng tôi phải đi làm ăn xa, đi lại rất tốn kém", một thầy giáo nói.

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, buổi thông báo "chủ trương, chỉ đạo" của huyện Krông Pắk đối với số giáo viên mà huyện này đã tuyển ngoài biên chế nhà nước cho phép chiều qua 9-3 đã khiến hàng trăm giáo viên bức xúc.

Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk, có 200 giáo viên không đủ điều kiện để xét tuyển đầu tháng 4-2018, hơn 400 giáo viên đủ điều kiện xét tuyển nhưng chỉ tiêu chỉ có 83.

Tức trong số hơn 600 giáo viên, nhân viên nhà trường mà huyện này đã tuyển thì sẽ có hơn 500 người bị huyện "đem con bỏ chợ".

Sáng 10-3, phóng viên liên lạc với ông Y Suôn Byă - chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, người cũng ký quyết định tuyển dụng nhiều giáo viên dôi dư để ông này nói thêm về giải pháp giải quyết cũng như trách nhiệm của ông khi giáo viên đang đứng trước nguy cơ mất việc, nhưng ông Y Suôn nói mình bị bệnh, đang đi điều trị tại TP.HCM nên chưa thể thông tin.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên