12/12/2014 09:07 GMT+7

​Ai cho tôi... tử tế?

NHƯ ANH (TP.HCM)
NHƯ ANH (TP.HCM)

TT - Chuyện làm thế nào để tử tế khiến tôi trăn trở mãi...

Muốn đi đúng phần đường của mình cũng khó do người đi ngược chiều quá nhiều. Một số người đi xe máy đã đi qua luôn làn xe ôtô - Ảnh: Q.Định
Muốn đi đúng phần đường của mình cũng khó do người đi ngược chiều quá nhiều. Một số người đi xe máy đã đi qua luôn làn xe ôtô - Ảnh: Q.Định

Không đặt được vé tàu trên mạng, tôi đành tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy ra ga Sài Gòn để mua bốn vé tàu đi Nha Trang cho người nhà. Bấm lấy số thứ tự rồi nhìn lên màn hình báo số đang được phục vụ mà... hết hồn, khách đang mua vé ở số 205, trong khi mã số tôi nhận được là 367, nghĩa là còn hơn 150 lượt nữa mới đến mình.

Chỉ có bốn nhân viên bán vé, trong đó một nhân viên ngồi ở khu vực vé dành cho người khuyết tật, khó khăn, một ở khu vực bán vé đi liền trong ngày và hai nhân viên còn lại sẽ lần lượt phục vụ cho mấy trăm con người đang ngồi la liệt đầy ắp các dãy ghế, mòn mỏi chờ vé của các chuyến tàu Bắc - Nam...

Muốn tử tế, phải có bản lĩnh

Tôi có cô bạn học chung đại học, giờ đã đi dạy. Cô bạn tôi đã phải bỏ ra gần 20 triệu đồng để có một suất dạy ở quê. Nhưng đó mới là hợp đồng. Để chắc chắn có một suất biên chế, cô ấy phải bỏ thêm khoảng 30 triệu đồng nữa.

Đi dạy, cô bạn tôi cũng rất muốn tử tế. Lên lớp, cô cố hết sức truyền đạt kiến thức cho học trò. Ngoài giờ, cô cũng nhận dạy kèm miễn phí cho học sinh nghèo. Ấy thế, vẫn có một số đồng nghiệp ganh ghét, đặt lời gièm pha. Họ trình báo lên phòng giáo dục là cô dạy thêm lấy tiền, ép điểm những học sinh không đi học thêm. Rồi các cơ quan đoàn thể về kiểm tra, buộc cô giáo trẻ này phải dừng ngay việc dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào. May là cô không bị phạt. Sau vụ ấy, cô bạn thường chua chát nói với tôi: “Ai cho chúng ta sự tử tế trong một môi trường sống như thế này?”.

NGUYỄN THÀNH GIANG 
(Tam Kỳ, Quảng Nam)

Hơn một giờ trôi qua, mới chỉ có khoảng 50 lượt khách được mua vé. Hai nhân viên bán vé làm việc hết tốc lực, không có một phút nghỉ ngơi dù đã quá trưa. Nếu chờ thêm thì sẽ không kịp giờ làm việc buổi chiều, tôi đành nương theo câu “cái khó ló cái khôn”.

Đi lòng vòng quanh khu vực bán vé, tôi tìm ra một người đàn ông trung niên sắp đến lượt mua vé, liếc qua tờ giấy cầm trên tay thì thấy anh cũng mua hai vé tàu SE4 đi Nha Trang giống tôi. Tôi đánh bạo nhờ vả: “Anh giúp em mua thêm bốn vé giường nằm được không ạ. Em sắp vào giờ làm, chờ 100 số nữa thì trễ quá!”.

Thấy tôi trình bày hoàn cảnh, một số khách đứng gần đó cũng nói thêm vào: “Anh giúp người ta đi, chờ đợi ai cũng khổ hết, mình giúp cũng có mất gì đâu”. Nhưng vị khách trung niên thoái thác và sau đó kiên quyết không giúp tôi mua vé.

Lại tiếp tục chờ đợi, thấy tình hình không mấy khả quan vì số thứ tự cứ nhích chầm chậm và không còn đủ kiên nhẫn, tôi đành quay về. Đi cùng tôi là một số người khác cũng trong tâm trạng bức bối vì chờ vật vạ suốt buổi trưa mà vẫn về tay không. Tôi nhớ lại hình ảnh mình đã cương quyết từ chối ngay lời kêu gọi của những “cò vé” lúc vừa trờ tới sân ga (vì báo chí cảnh báo về “cò vé” quá nhiều rồi) và có chút hối hận.

Rồi nghĩ đến thái độ của người đàn ông trung niên nọ, lòng tôi trĩu nặng. Có khó gì đâu, chỉ thêm một động tác nhỏ anh có thể giúp tôi thoát khỏi sự bức bối này, chưa kể những người lấy số sau tôi sẽ đến lượt nhanh hơn.

Nhưng khi về lại cơ quan và chia sẻ câu chuyện bức xúc này trong một tâm trạng khó chịu, các đồng nghiệp của tôi đều lên tiếng phản đối: “Người đàn ông trung niên đó từ chối là đúng. Bởi quy tắc đã lấy số thứ tự là không được chen vào giữa hàng, nếu bạn mua được vé thì những người đến trước bạn có thể sẽ chịu cảnh hết vé. Như vậy là không công bằng! Bạn đến sau không thể ra về trước được”.

Bạn tôi nói không phải không có lý. Nhưng lý lẽ của tôi cũng ra sức bảo vệ hành động của mình: tôi đã phải chờ quá lâu. Không phải công chức nào cũng có thể dành hai giờ nghỉ trưa để chầu chực ở sân ga (mà vẫn không mua được vé).

Tôi nghĩ cả trăm người chờ mua vé thế này mà nhà ga chỉ bố trí hai người bán vé, bất chấp người mua phải chờ đợi hàng giờ cũng là chuyện không tử tế thì cớ gì tôi lại phải hành xử tử tế (trong hoàn cảnh đói, mệt, đã mất hai giờ nghỉ trưa và sắp trễ giờ làm buổi chiều). Họ có thể tăng thêm quầy vé, thêm nhân viên, chia thành các phân khu bán vé phục vụ từng điểm đến như Nam, Trung, Bắc... Bỗng dưng tôi nghĩ đến câu “Ai cho tôi lương thiện?” như trong tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao) để hét lên “Ai cho tôi tử tế?”. Dẫu biết lấy lý do và hoàn cảnh để biện minh cho hành động là hoàn toàn ngụy biện, nhưng ranh giới giữa tử tế và không tử tế quá mong manh, người ta ngày càng dễ dàng đổ lỗi cho hoàn cảnh và xã hội cho khoảnh khắc không tử tế của mình.

Muốn làm người tử tế, quá khó. Bạn có đồng cảm với tôi?

NHƯ ANH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên