30/08/2021 13:55 GMT+7

Afghanistan, ngã tư Châu Á rền tiếng súng - Kỳ 8: Những ngày quyết định số phận Afghanistan

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Sáng sớm 24-4-2021 (giờ địa phương), một cuộc họp các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ được tổ chức tại Lầu Năm Góc để bí mật hoàn tất tiến trình rút quân Mỹ khỏi Afghanistan.

Afghanistan, ngã tư Châu Á rền tiếng súng - Kỳ 8: Những ngày quyết định số phận Afghanistan - Ảnh 1.

Người dân Afghanistan chờ di tản trước sân bay Kabul ngày 26-8 - Ảnh: Reuters

Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ rút quân bất chấp lời khuyên của các tướng lĩnh.

Không có sẵn kế hoạch di tản người Afghanistan

Trong căn phòng an toàn dưới tầng ngầm Lầu Năm Góc có mặt Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III, tướng Mark A. Milley - chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, các quan chức tình báo và Nhà Trắng. Ngoại trưởng Antony J. Blinken dự họp trực tuyến. 

Bốn tiếng thảo luận đã làm rõ hai điểm. Một là Lầu Năm Góc sẽ rút 3.500 binh sĩ Mỹ còn lại khỏi Afghanistan trước ngày 4-7 (sớm hơn hai tháng so với thời hạn ông Biden ấn định) và đóng cửa các phi đạo dành cho quân đội Mỹ ở Afghanistan. Hai là Bộ Ngoại giao vẫn mở cửa Đại sứ quán Mỹ với hơn 1.400 công dân Mỹ được 650 lính thủy quân lục chiến bảo vệ.

Một báo cáo phân tích tình báo được trình bày đánh giá quân đội Afghanistan có thể kiềm chế Taliban từ 1-2 năm nữa. Báo cáo tình báo mật khẳng định không có dấu hiệu Taliban đang tiến nhanh và tin rằng Taliban không thể chiếm Kabul trước 18 tháng. 

Kế hoạch di tản khẩn cấp tuy được đề cập nhưng nội dung chỉ ngắn gọn, gồm sử dụng máy bay trực thăng đưa người Mỹ đến sân bay dân dụng ở Kabul. Không ai thắc mắc gì cả.

Báo The New York Times ghi nhận thực tế hoàn toàn khác. Taliban đang chạy nước rút trên toàn lãnh thổ, kêu gọi các thủ lĩnh bộ tộc đầu hàng hay là chết, thu gom vũ khí, đạn dược, tình nguyện viên và tiền bạc tại các thành phố đã chiếm. Tháng 5-2021, Taliban mở cuộc tổng tiến công đánh tỉnh Helmand và sáu khu vực khác.

Tại Washington, các tổ chức người tị nạn lo sợ Taliban sẽ trả thù các phiên dịch viên, người dịch thuật và nhiều người đã giúp quân đội Mỹ (ước tính khoảng 100.000 người Afghanistan và gia đình). 

Ngày 6-5, đại diện các tổ chức cứu trợ người tị nạn lớn đã kết nối qua Zoom để thảo luận với các thành viên Hội đồng An ninh quốc gia. Họ cầu xin Nhà Trắng tổ chức di tản người Afghanistan mà không căn cứ chương trình cấp visa vốn đã quá tải. 

Ông Seth Moulton, dân biểu Đảng Dân chủ bang Massachusetts, đã liên hệ và đề nghị Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc "nên dừng quy trình cấp visa và đưa ngay mọi người đến nơi an toàn".

Yêu cầu của các tổ chức người tị nạn và dân biểu Moulton đều không được đáp ứng, đơn giản vì Nhà Trắng không hề có kế hoạch nào di tản người Afghanistan. Nếu chấp thuận đồng nghĩa phải khởi động một chiến dịch quân sự mới đầy rủi ro với khả năng tăng quân. 

Thêm nữa làm thế sẽ phật lòng Chính phủ Afghanistan vì di tản quá lộ liễu nghĩa là xem thường chính phủ và quân đội Afghanistan. Thay vào đó, Bộ Ngoại giao chỉ thúc đẩy cấp visa nhanh hơn và điều chỉnh quy định xét duyệt hồ sơ.

Taliban vẫn tiếp tục tiến quân. Đại sứ quán Mỹ ở Kabul bèn hối thúc công dân Mỹ rời khỏi Afghanistan. Ngày 15-5, Đại sứ quán gửi khuyến cáo cuối cùng "đề nghị các công dân Mỹ tự tổ chức rời khỏi Afghanistan ngay khi có thể". 

Tuần sau đó, trong cuộc họp báo ngày 2-7, Tổng thống Biden khẳng định: "Chúng tôi đã xây dựng mọi giả định, nhưng người Afghanistan phải tự xoay xở bằng không quân mà chúng tôi giúp họ". 

Thật ra vào thời điểm đó, hầu hết các công ty nhà thầu phụ của Mỹ duy trì hoạt động bay của không quân Afghanistan đều đã rút với quân đội Mỹ. Các quan chức quân sự và tình báo Mỹ thừa nhận không quân Afghanistan không còn có thể bay được nữa.

Đến ngày 8-7, gần như toàn bộ quân Mỹ đã rời khỏi Afghanistan trong khi Taliban tiếp tục đà tiến quân. 5 ngày sau, hơn 20 nhà ngoại giao Mỹ tại Đại sứ quán ở Kabul đã gửi tin nhắn cho Ngoại trưởng Blinken hối thúc Mỹ bắt đầu di tản người Afghanistan trong 2 tuần và nhanh chóng làm visa cho họ. 

Đến hôm sau, Nhà Trắng mới xây dựng chiến dịch di tản người Afghanistan với tên gọi "Chiến dịch đồng minh tị nạn".

Afghanistan, ngã tư Châu Á rền tiếng súng - Kỳ 8: Những ngày quyết định số phận Afghanistan - Ảnh 2.

Người di tản Afghanistan qua cửa khẩu Chaman (Pakistan) ngày 24-8 - Ảnh: AFP

Triển khai 3.000 quân đến sân bay Kabul

Cuối tháng 7-2021, Bộ trưởng Quốc phòng Austin chỉ thị điều động 2.000 lính thủy quân lục chiến đến Kuwait để có thể hành quân đến Afghanistan nhanh hơn. 

Từ ngày 3-8, các quan chức an ninh cấp cao đã thảo luận một báo cáo tình báo mới ghi nhận thủ phủ các tỉnh ở Afghanistan lần lượt rơi vào tay Taliban và Chính phủ Afghanistan có nguy cơ sụp đổ "từng ngày hoặc từng tuần".

Ngày 6-8, Lầu Năm Góc bắt đầu nghiên cứu các tình huống xấu nhất. Theo kế hoạch do cố vấn an ninh nội địa Elizabeth Sherwood-Randall soạn sẵn từ tháng 4-2021, các nhân viên Đại sứ quán sẽ được di tản bằng trực thăng ra khỏi đó và phần lớn rời khỏi Afghanistan trong khi một số nhỏ sẽ hoạt động từ một địa điểm bên trong sân bay Kabul.

Ngày 11-8, tốc độ tiến quân của Taliban đáng báo động đến mức Tổng thống Biden phải yêu cầu các cố vấn họp trong phòng tình huống và hỏi họ đã đến lúc điều thủy quân lục chiến đến Kabul và sơ tán Đại sứ quán Mỹ hay chưa. Ông cho phép sử dụng máy bay quân sự để di tản các đồng minh Afghanistan.

Tối hôm đó theo giờ Washington, Kandahar và Ghazni ở Afghanistan thất thủ. 4 giờ sáng 12-8, các quan chức an ninh quốc gia bị đánh thức để dự cuộc họp khẩn cấp nhằm trình bày các phương án với tổng thống. 

Tại cuộc họp, giám đốc tình báo quốc gia Avril D. Haines thông báo các cơ quan tình báo không bảo đảm đủ thời gian báo động nếu Kabul bị bao vây. Mọi người cùng đi đến kết luận: đã đến lúc phải ra đi.

Một tiếng sau, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan báo cáo với ông Biden bắt đầu cuộc di tản và triển khai 3.000 lính thủy quân lục chiến đến sân bay Kabul. Ngày cuối tuần 14-8, Bộ trưởng Quốc phòng Austin yêu cầu tất cả nhân viên còn trong Đại sứ quán ở Kabul phải lập tức đến sân bay. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải đi ngay".

Cùng hôm đó, Ngoại trưởng Blinken và Tổng thống Ghani trao đổi qua điện thoại. Theo một quan chức biết chuyện, ông Ghani tỏ ra đầy tinh thần chiến đấu, khẳng định ở lại bảo vệ đất nước đến cùng. Điều ông không nói với Blinken là ông đã chuẩn bị... đào tẩu. 

Chủ nhật 15-8, Tổng thống Ghani đã không còn ở Kabul. Hành động ra đi của ông (vài ngày sau ông xuất hiện tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và hình ảnh quân Taliban hò reo chiến thắng trong dinh tổng thống xác nhận Chính phủ Afghanistan đã sụp đổ.

Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ vẫn tiếp tục di tản nhân viên. Các nhà ngoại giao gấp rút lên trực thăng rời đi đến hầm ngầm trong sân bay Kabul. Một số người ở lại tiêu hủy tài liệu. 

Sau cùng, các trực thăng bị phá nổ trong Đại sứ quán. Nhiều người Mỹ và Afghanistan không đến kịp sân bay vì Taliban đã dựng chốt và đôi khi còn đánh đập những người cố thông chốt.

Buổi tối, trong khi ông Biden chuẩn bị thông báo với đồng bào tình hình Afghanistan, lá cờ Mỹ tại Đại sứ quán đã được tháo mang đi. Vùng Xanh vốn là trung tâm nỗ lực tái thiết Afghanistan của Mỹ lại trở thành lãnh địa của Taliban.

Ông Ghani không làm theo hướng dẫn quân sự của Mỹ?

Ngày 25-6, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã hội đàm với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng.

Ông Ghani đưa ra ba yêu cầu: Mỹ phải cân nhắc việc cấp visa cho các phiên dịch viên và một số thành phần khác; Mỹ phải rời Afghanistan trong êm thắm; Mỹ tăng tốc hỗ trợ an ninh và bảo đảm một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp tục không kích và giám sát bằng máy bay nhằm yểm trợ cho quân đội Afghanistan chống Taliban.

Ông Biden đồng ý hỗ trợ không quân và di tản người Afghanistan trong êm thắm, bù lại ông yêu cầu do các lực lượng Afghanistan quá phân tán nên đừng cố dàn trải chiến đấu mà nên củng cố xung quanh các vị trí chiến lược.

Sau đó, ông Ghani đã không quan tâm làm như ông Biden đề nghị.

*********

Taliban và Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan đều cùng dòng Hồi giáo Sunni và cùng chống chính quyền Afghanistan. Vậy tại sao hai nhóm này thâm thù nhau? Mỹ lại sa lầy cuộc chiến mới?

>> Kỳ tới: Bóng ma khủng bố quốc tế trỗi dậy?

Afghanistan, ngã tư Châu Á rền tiếng súng - Kỳ 7: Bí mật hội đàm Mỹ - Taliban Afghanistan, ngã tư Châu Á rền tiếng súng - Kỳ 7: Bí mật hội đàm Mỹ - Taliban

TTO - Ngày 29-2-2020 tại Doha (Qatar), ông Zalmay Khalilzad - đặc phái viên Mỹ về hòa giải ở Afghanistan và mullah Abdul Ghani Baradar - trưởng đoàn đàm phán Taliban - đã ký kết thỏa thuận về rút các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên