29/08/2021 11:50 GMT+7

Afghanistan, ngã tư Châu Á rền tiếng súng - Kỳ 7: Bí mật hội đàm Mỹ - Taliban

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngày 29-2-2020 tại Doha (Qatar), ông Zalmay Khalilzad - đặc phái viên Mỹ về hòa giải ở Afghanistan và mullah Abdul Ghani Baradar - trưởng đoàn đàm phán Taliban - đã ký kết thỏa thuận về rút các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan.

Afghanistan, ngã tư Châu Á rền tiếng súng - Kỳ 7: Bí mật hội đàm Mỹ - Taliban - Ảnh 1.

Taliban và người dân mừng thỏa thuận Doha tại tỉnh Laghman (Afghanistan) ngày 3-2-2020 - Ảnh: euronews.com

Đổi lại, Taliban cam kết bốn điểm: 1/ ngừng bắn; 2/ bảo đảm an ninh cho quá trình rút dần các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan; 3/ tiến hành đàm phán hòa bình với Chính phủ Afghanistan; 4/ cam kết Afghanistan sẽ không bao giờ được sử dụng làm căn cứ tổ chức hoạt động khủng bố đe dọa an ninh của Mỹ hoặc của đồng minh Mỹ.

"Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra với Taliban. Họ muốn hòa bình. Họ mệt mỏi rồi. Tôi nghĩ mọi người đều đã mệt mỏi.

Tổng thống Trump giải thích trên kênh truyền hình CBS ngày 23-12-2018.

Taliban chiếm lợi thế trên chiến trường

Theo tài liệu của Nhóm nghiên cứu và thông tin về hòa bình và an ninh (GRIP) ở Bỉ, vào tháng 7-2018 Nhà Trắng đã chỉ thị các quan chức Mỹ tìm kiếm khả năng thiết lập đối thoại trực tiếp với Taliban sau gần 20 năm Mỹ hiện diện quân sự tại Afghanistan. 

Tháng 9-2018, tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm TS Zalmay Khalilzad làm đặc phái viên.

Không phải tình cờ ông Khalilzad được chọn. Ông sinh ra tại Mazar-i-Sharif (Afghanistan) trong một gia đình bộ tộc Noorzai thuộc dân tộc Pashtun. Đây là yếu tố thuận lợi vì phần lớn quân Taliban đều có nguồn gốc Pashtun. 

Cuối những năm 1990, với tư cách giám đốc chi nhánh của tổ chức tư vấn Viện Nghiên cứu và phát triển (RAND), ông đã từng đàm phán với Taliban đang nắm quyền lúc đó ở Afghanistan về vấn đề an ninh của dự án đường ống dẫn khí đốt Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ (TAPI). 

Sau khi quân Taliban tan rã vào tháng 12-2001, ông giữ chức đặc phái viên của tổng thống Bush tại Afghanistan, sau đó là đại sứ Mỹ tại Kabul vào tháng 9-2003.

Ngày 12-10-2018, đặc phái viên Khalilzad dẫn đầu phái đoàn đến Doha gặp Sher Mohammad Abbas Stanakzai phụ trách văn phòng liên lạc của Taliban tại Doha. 

Taliban khẳng định không đàm phán với Chính phủ Afghanistan vì Chính phủ Afghanistan không đủ quyền lực thực sự và chỉ là "chính phủ bù nhìn".

Trong các vòng đàm phán đầu tiên từ tháng 7 đến tháng 12-2018, Taliban đồng ý thảo luận về các vấn đề trao đổi tù binh, xóa tên Taliban khỏi danh sách khủng bố, ngoài ra không có gì khác. 

Taliban tiết lộ điều kiện tiên quyết để đàm phán một nền hòa bình lâu dài là các lực lượng nước ngoài phải rút quân hiệu quả khỏi Afghanistan.

Đến ngày 20-12-2018, hai tờ báo Mỹ The New York Times và The Wall Street Journal tiết lộ tổng thống Trump quyết định sẽ rút 7.000 quân Mỹ khỏi Afghanistan trong thời gian tới. Cùng ngày, bộ trưởng quốc phòng James Mattis từ chức. 

Vài giờ sau, các quan chức Chính phủ Afghanistan và các nhà ngoại giao tại Kabul thức dậy trong trạng thái sững sờ. Một số người lo sợ hỗn loạn sẽ xảy ra. Quyết định rút quân quá bất ngờ ở chỗ một năm trước đó, ông Trump đã đồng ý tăng thêm 4.000 quân.

Quyết định rút quân của tổng thống Trump đã thay đổi hoàn toàn nội dung đàm phán với Taliban ở Doha theo đánh giá của nhà nhân chủng học Pháp Georges Lefeuvre, nguyên cố vấn chính trị về Pakistan cho Ủy ban châu Âu. 

Georges Lefeuvre giải thích ông Trump dường như đã nhượng bộ để bày tỏ dấu hiệu thiện chí nhằm nhanh chóng kết thúc hội đàm ở Doha. Ông Trump cảm thấy mệt mỏi đã có 2.401 binh sĩ tử trận từ tháng 10-2001 đến tháng 10-2018. 

Chi phí chiến tranh đã lên đến 900 tỉ USD, nhiều hơn kế hoạch Marshall tái thiết châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Quân đội Mỹ đã trải qua hơn 6.000 ngày ở Afghanistan, nhiều hơn các cam kết quân sự cộng dồn trong hai chiến tranh thế giới và chiến tranh Triều Tiên.

Trên chiến trường quân Taliban đang giành ưu thế. Theo số liệu từ Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR), lúc đó Taliban đang kiểm soát 50/407 huyện, chiếm ưu thế trên 200 huyện trong khi chính quyền Afghanistan kiểm soát hoàn toàn chỉ 38% lãnh thổ. Tinh thần binh lính Afghanistan đang xuống thấp.

Tại Diễn đàn Davos vào tháng 1-2019, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã tiết lộ một con số bí mật quốc phòng: 45.000 người trong lực lượng an ninh Afghanistan thiệt mạng từ khi thay thế NATO duy trì an ninh vào cuối năm 2014. 

Con số này đã tăng theo cấp số nhân vì theo số liệu của Viện nghiên cứu Watson, tổng số quân Afghanistan thiệt mạng từ năm 2001 là 58.596 người.

Afghanistan, ngã tư Châu Á rền tiếng súng - Kỳ 7: Bí mật hội đàm Mỹ - Taliban - Ảnh 3.

Các tỉnh do Taliban kiểm soát vào ngày 13-8-2021, tức hai ngày trước khi Taliban tiến vào Kabul - Ảnh: CNN

Taliban yêu cầu Mỹ phải rút quân trước đã

Ngày 24-2-2019, vòng đàm phán mới giữa Mỹ với Taliban bắt đầu. Lần này trưởng đoàn đàm phán mới của Taliban là mullah Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập Taliban với mullah Mohammed Omar (năm 2013 có thông tin Omar qua đời trong bệnh viện ở Karachi vì bệnh lao).

Khalilzad rất tự tin về tính cách của Baradar. Baradar là người bộ tộc Durrani thuộc dân tộc Pashtun (nhánh Popalzai), một bộ tộc quen tiếp xúc với nước ngoài hơn các bộ tộc khác. Từ lâu Baradar đã ủng hộ con đường đàm phán. 

Baradar bị bắt ở Karachi năm 2010 và được thả vào tháng 10-2018 theo yêu cầu của Mỹ. Chức vụ và tính cách của Baradar đã góp phần khởi động lại tiến trình đàm phán bị bế tắc từ tháng 1-2019.

Lúc bấy giờ, Lầu Năm Góc đề xuất kế hoạch nhanh chóng rút 50% trong 14.000 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan. Taliban đã bác bỏ kế hoạch của Mỹ và yêu cầu rút toàn bộ lực lượng nước ngoài trong khung thời gian kỹ thuật hợp lý từ 6-8 tháng. 

Với tình hình chiến trường nêu trên, Baradar luôn từ chối ngừng bắn (điều kiện tiên quyết của Mỹ để ký kết thỏa thuận) trước khi Mỹ rút quân hoàn toàn và từ chối ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với Chính phủ Afghanistan. Nói ngắn gọn, rút quân trước đã rồi mới nói đến chuyện ngừng bắn.

Giữa các vòng đàm phán Doha, Taliban đã mở chiến dịch tấn công mùa xuân sớm hơn thường lệ. Hai căn cứ quân sự lớn ở tỉnh Helmand và tỉnh Badghis bị đánh ngày 28-2 và 11-3-2019 với gần 50 người tử trận và 40 người bị bắt làm tù binh. 

Chuyên gia Georges Lefeuvre nhận định Taliban muốn thể hiện sức mạnh quân sự trong khi người Mỹ trong thế đường cùng muốn thoát khỏi địa ngục này. Người Mỹ không có gì quan trọng để trao đổi và thậm chí khó gây sức ép.

Đàm phán Doha được nối lại vào tháng 8-2019. Tháng sau, tức một năm sau khi được bổ nhiệm giữ chức đặc phái viên ở Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad thông báo Mỹ và Taliban đã đạt được thỏa thuận về bốn chủ đề trọng tâm gồm rút quân, bảo đảm trong lĩnh vực chống khủng bố, ngừng bắn và đối thoại với Chính phủ Afghanistan. 

Dự kiến ông Trump sẽ bí mật gặp phái đoàn Taliban tại trại David nhưng đến giờ chót ông Trump tuyên bố hủy bỏ đàm phán với Taliban vì ngày 8-9-2019, Taliban đã tấn công ở Kabul làm 12 người chết, trong đó có một binh sĩ Mỹ.

Tháng 12-2019, đàm phán tiếp tục được nối lại. Theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, Mỹ đang mong muốn đẩy nhanh tiến trình đàm phán. 

Ban đầu dự kiến quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan từ 3 - 5 năm, sau đó Mỹ cam kết sẽ giảm quân khoảng 30% (từ 12.000 binh sĩ xuống 8.600 người) trong 135 ngày, cuối cùng mọi lực lượng nước ngoài rời khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng.

Vấn đề hóc búa nhất trong đàm phán liên quan đến tổ chức Hồi giáo khủng bố Al Qaeda. Taliban có nhiều liên kết đan xen với tổ chức này. Ayman Al-Zawahiri, thủ lĩnh Al Qaeda (Bin Laden đã bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt ngày 2-5-2011), đã tuyên thệ trung thành với mullah Haibatullah Akhundzada, thủ lĩnh hiện nay của Taliban.

Mạng lưới Haqqani của phó tướng Seraj Haqqani liên kết với các mạng lưới của Al Qaeda theo cách trực tiếp hoặc thông qua Phong trào Taliban ở Pakistan (TTP-Tehrik-e-Taliban Pakistan ra đời năm 2007 nhằm lật đổ chính quyền Pakistan).

Lúc bị quân đội Pakistan truy đuổi, quân TTP đã chạy sang Afghanistan. Cắt đứt liên hệ giữa mạng lưới Haqqani với TTP rất khó. Cuối cùng, Taliban đã cam kết sẵn sàng cắt đứt quan hệ với các nhóm có thể đe dọa nước Mỹ.

********

Mỹ đưa ra kế hoạch di tản người dân Afghanistan quá chậm, vì vậy hỗn loạn đã xảy ra. Trong những ngày căng thẳng, Mỹ đã tính toán như thế nào?

>> Kỳ tới: Những ngày quyết định số phận Afghanistan

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên