05/06/2020 10:26 GMT+7

9X trở về cống hiến cho giáo dục Việt

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Tốt nghiệp cao học từ Mỹ và từng có cơ hội làm việc tại một số công ty (trong đó có công ty khởi nghiệp được tài trợ bởi Quỹ Gates và Google), Phạm Mai Phương Linh (29 tuổi) vẫn quyết định trở về quê hương năm 2018.

9X trở về cống hiến cho giáo dục Việt - Ảnh 1.

Phương Linh (phải) trong Ngày hội quốc tế tại ĐH New York vào năm 2015 - Ảnh: LINH PHẠM

Cô chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online về hành trình "chuyển mình" từ một cô gái nhút nhát thành gương mặt lãnh đạo trẻ.

* Sau khi tốt nghiệp, bạn có cơ hội làm việc ở New York. Đó có là một hành trình bằng phẳng?

New York là vùng đất có tỉ lệ cạnh tranh rất cao, sự cạnh tranh đó càng trở nên gay gắt với một sinh viên quốc tế với những bất lợi nhất định về ngôn ngữ cũng như hiểu biết văn hoá so với người bản địa.

Tôi sớm nhận thức rằng mình phải cố gắng hơn rất nhiều và phải đầu tư xây dựng được lợi thế cạnh tranh của bản thân.

Chẳng hạn, tôi tham vấn các thầy cô (cũng đang làm việc trong ngành) và nhận thấy nhu cầu trong mảng dữ liệu marketing, từ đó đăng ký những lớp liên quan cũng như học thêm chứng chỉ online. Kế đến là tìm cơ hội trải nghiệm sớm, ngay sau học kỳ đầu tiên nhập học.

Thứ ba là tích cực xây dựng các mối quan hệ chuyên nghiệp dựa trên tinh thần học hỏi, cầu thị, đặc biệt là tìm được "mentor" (cố vấn) trong lĩnh vực của mình.

9X trở về cống hiến cho giáo dục Việt - Ảnh 2.

Phương Linh tạo dáng tại tượng Nữ thần Tự do - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Từ khi còn học đại học, bạn đã "săn" được nhiều chuyến đi đến Singapore, Hàn, Nhật... Bí kíp của bạn là gì?

- Thời trung học, do tập trung vào việc học nên tôi khá nhút nhát, sợ thất bại, không có nhiều trải nghiệm. Khi từ Thái Nguyên ra Hà Nội học đại học, tôi rất tự ti vì thấy xung quanh các bạn giỏi và năng động quá. Tôi tự nhủ "mình phải thay đổi".

Cơ hội đầu tiên đến với tôi từ một hội nghị do sinh viên đại học Harvard (Mỹ) tổ chức. Dù khi đó tôi cũng "chân ướt chân ráo" chưa có nhiều kinh nghiệm lẫn mối quan hệ, tôi vẫn quyết tâm nhận nhiệm vụ này, vừa làm vừa học hỏi từ bạn bè, các thầy cô. Hội thảo diễn ra tốt đẹp, tôi sau đó được giới thiệu cơ hội đến những hội thảo khác và dần trở nên chủ động hơn hẳn.

* Thất bại nào có ảnh hưởng lớn đến bạn?

Trước khi sang Mỹ học, tôi lên kế hoạch cho một cuộc thi tên là "To Vietnam Now" để thu hút các bạn trẻ nước ngoài đến Việt Nam thực tập, tìm hiểu về môi trường kinh doanh cũng như văn hoá Việt Nam. Ngày đó, dự án đã xin được tài trợ, đặc biệt là tìm được mentor (cố vấn) trong lĩnh vực của mình, nhưng cuối cùng chương trình không thu hút được nhiều người tham gia, bị gác lại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại này, trong đó có hạn chế về năng lực truyền thông số, điều đã thúc đẩy tôi theo học marketing kỹ thuật số sau này.

Tôi hiểu và trân quý những nét đặc trưng Việt Nam khiến mình trở nên đặc sắc đối với bạn bè quốc tế. Nhưng mặt khác, càng đi ra thế giới sẽ dễ thấy thương hiệu Việt chưa mạnh, từ góc độ sản phẩm đến nguồn nhân lực, điều ảnh hưởng đến sự chọn lựa điểm đến thực tập của sinh viên quốc tế.

9X trở về cống hiến cho giáo dục Việt - Ảnh 3.

Phương Linh (thứ hai từ trái sang) trong một buổi họp cùng các cộng sự - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Đó có phải là một phần lý do bạn chọn trở về Việt Nam và làm về mảng giáo dục?

Nếu coi Việt Nam là một thương hiệu nói chung, thì con người là yếu tố cốt lõi làm nên thương hiệu đó.

Đó cũng là động lực khiến tôi và nhiều cựu du học sinh Việt tại Mỹ khác thường xuyên tổ chức các hội thảo hoàn toàn miễn phí để tư vấn cho các bạn. Trong đó có các anh chị như đều là các gương mặt Việt rất thành công tại thung lũng Silicon, nhưng ai cũng sẵn sàng làm phi lợi nhuận chỉ mong góp phần cống hiến cho hai chữ Việt Nam.

* Nhưng con đường đến với mảng giáo dục liệu có phù hợp với người có nền tảng ngoại thương?

- Bố mẹ tôi đều là giáo viên, và chương trình hướng nghiệp đầu tiên tôi xây dựng là từ năm 2011, một hội thảo hướng nghiệp dành cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở một trường phổ thông tại Hà Nội.

Nhìn thấy những ánh mắt lấp lánh của các em sau chương trình, tôi thật sự thấy vui. Những sự kiện sau có thể quy mô khác, nhưng niềm vui về mảng giáo dục luôn như vậy, luôn nóng hổi trong tim, kiểu cảm giác những gì mình làm góp phần mở ra cơ hội mới cho người khác. Và từ đó tôi biết con đường mình lựa chọn là đúng.

* Quá trình học ở Mỹ có giúp ích gì cho việc hướng nghiệp ở Việt Nam?

- Đầu tiên là tôi học được sự chủ động chuẩn bị từ sớm cho thị trường lao động từ các bạn trẻ Mỹ. Tôi mong có thể góp phần nâng cao nhận thức và tạo môi trường trải nghiệm cho nhiều bạn trẻ Việt Nam hơn từ bậc học phổ thông.

Trong quá trình học và làm việc ở Mỹ, tôi (cũng như các cộng sự chương trình hướng nghiệp) học được những phương pháp tư duy - hướng nghiệp từ các trường đại học hàng đầu, cũng như hiểu được góc nhìn của nhà tuyển dụng từ các công ty, tập đoàn có quy chuẩn nghề nghiệp tiên tiến trên thế giới. 

Tôi từng học một lớp "Design thinking" (Tư duy thiết kế) dành cho học viên MBA ở ĐH New York, vốn ứng dụng trong đổi mới sáng tạo doanh nghiệp. Cũng với tư duy thiết kế này, hai giáo sư ĐH Stanford (Mỹ) đã phát triển phương pháp hướng nghiệp "thiết kế cuộc sống" mà chúng tôi đang áp dụng cho chính các học sinh trung học ở Việt Nam thời gian qua.

Chọn về Việt Nam

Phương Linh tốt nghiệp thạc sĩ về Marketing kỹ thuật số ĐH New York (Mỹ). Trước đó, cô từng là học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh và theo học ĐH Ngoại thương Hà Nội. Cô cũng nằm trong ban lãnh đạo Hội thảo nghề nghiệp đầu tiên (tổ chức năm 2017) của Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại New York (Mỹ) với sự tham gia của 300 người.

Cô có được những cơ hội làm việc tại Mỹ ngay trong quá trình học, dẫu vậy đã quyết định trở về Việt Nam và hiện là giám đốc đào tạo của một học viện hướng nghiệp quốc tế.

Hương Cao - thủ lĩnh của dự án phòng chống xâm hại Hương Cao - thủ lĩnh của dự án phòng chống xâm hại

TTO - Không muốn chạy theo các dự án phi chính phủ, "hết tài trợ thì hết dự án", sau gần 15 năm làm việc trong các dự án này, Hương Cao - Cao Huyền Diệu Hương (33 tuổi) lập ra doanh nghiệp xã hội với khao khát đi đường dài, tạo ra giá trị bền vững.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên