07/12/2017 14:02 GMT+7

8 năm nấu nướng Lê la quà vặt và Ăn quà xuyên Việt

HOÀNG THU PHỐ
HOÀNG THU PHỐ

TTO - Bộ sách Lê la quà vặt và Ăn quà xuyên Việt vừa ra mắt đầu tháng 11 sau tám năm 'nấu nướng'. Bản tiếng Anh của bộ sách đang được thực hiện để kịp ra mắt đầu năm 2018. Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với họa sĩ ĐẶNG HỒNG QUÂN.

8 năm nấu nướng Lê la quà vặt và Ăn quà xuyên Việt - Ảnh 1.

Bò bía (trái) và bánh tráng trộn được giới thiệu sinh động trong tập sách Ăn quà xuyên Việt (NXB Trẻ) - Ảnh: H.T.Phố

Xu thế sách tranh mà giới trẻ hay gọi là artbook vốn khai thác thế mạnh của đồ họa và xử lý mỹ thuật cũng ngày càng được quan tâm, nhưng chuyên hẳn về ẩm thực thì có lẽ đây là những cuốn mở đầu. Một nét khác nữa là các sách ẩm thực lâu nay thường trình bày dạng tản văn, tùy bút có tính phong tục, suy ngẫm, lồng ghép các thông điệp văn hóa - xã hội và phần lớn mang nhiều nét hoài niệm. Những cuốn thực dụng lại thuần túy quảng bá hình ảnh thực đơn nhà hàng, hoặc chỉ dẫn cách nấu ăn. Đây là một loại sách kiểu bỏ túi có nội dung và hình ảnh nhấn mạnh vào yếu tố vui tươi, sinh động của đời sống đương đại. Người đọc sẽ giống như một người đang nhập vai trong một chương trình thực tế"

Nhà văn Nguyễn Trương Quý

* Điều gì thôi thúc anh thực hiện một dự án dài hơi đến thế? Nghe nói lúc đầu anh định làm ba tập?

- Đúng là dự định ban đầu của tôi làm ba tập, nhưng về sau gộp thành hai tập để nội dung chăm chút hơn, cụ thể là chia theo hai chủ đề: Lê la quà vặt (chuyên về quà Hà Nội), Ăn quà xuyên Việt (chuyên về quà vùng Tây Bắc, miền Trung và miền Nam).

Điều thôi thúc tôi bắt nguồn từ những ký ức trẻ thơ, khi tôi còn là một cậu nhóc được cha (họa sĩ Đặng Bá Cường - Bảo tàng Mỹ thuật VN) cho bám càng theo những người bạn văn nghệ sĩ của ông lê la khắp Hà Nội, có thế tôi mới được biết đến phở Đường Tàu hay cơm rang ngõ Cấm Chỉ. 

Sau này, những ký ức đẹp ấy cũng theo chân tôi lớn lên thành niềm đam mê. Mỗi dịp đi ăn uống với bạn bè, nếu cảm thấy món ăn có nét độc đáo là tôi lại ghi chép bằng bút sắt và màu nước như một kiểu nhật ký mỹ vị, anh trai tôi (họa sĩ Đặng Hoàng Vũ) thấy thế cũng động viên tôi nên vẽ thành tuyển tập và ghi cảm nhận bên cạnh.

Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi về ẩm thực thì miền Bắc tinh tế trong cách nấu nướng, miền Trung có cách nêm nếm đậm đà, miền Nam lại vô cùng đa dạng.
Họa sĩ Đặng Hồng Quân

* Trong Ăn quà xuyên Việt, dường như anh đã "phải lòng" với món ăn miền Nam khi dành tới gần nửa cuốn sách đề cập những món ăn đường phố ở Sài Gòn? Vậy anh ấn tượng nhất với món quà vặt nào của vùng đất Nam Bộ?

- Miền Nam là mảnh đất tuyệt vời, cởi mở và hiếu khách, Sài Gòn dang tay đón nhận mọi người cũng như những thức quà du nhập vào mảnh đất này. 

Tôi đặc biệt ấn tượng với món "cơm tấm sườn bì" (đúng hơn là cơm tấm sườn - bì - chả trứng, ăn kèm dưa leo hoặc rau củ muối, trên đĩa cơm rưới mỡ hành, phục vụ kèm bát nước mắm chua ngọt). 

Cơm tấm là sự giao thoa ẩm thực của nhiều nền văn hóa: thịt nướng kiểu BBQ của Tây, bì thính miền Bắc, mắm chua ngọt cùng đồ chua miền Nam, chả chưng của người Hoa. Tuy nhiên, ăn chung lại vô cùng hấp dẫn.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý được nhớ đến với loạt sách về Hà Nội như Tự nhiên như người Hà Nội, Ăn phở rất khó thấy ngon, Hà Nội là Hà Nội, Mỗi góc phố một người đang sống,... lần này rẽ lối tham gia dự án "quà vặt" với họa sĩ Đặng Hồng Quân. Từ những hình vẽ và ghi chép nháp của Đặng Hồng Quân, anh lọc lại thông tin, đưa ra yêu cầu chỉnh sửa và cấu trúc lại thành hệ thống.

* Theo anh, đâu là điểm khác biệt trong không gian quà vặt ở Hà Nội và Sài Gòn?

- Hà Nội thường thì không gian thưởng thức quà sẽ nhỏ hơn và sự chồng lấn nhau của các loại quà dày đặc hơn, thậm chí nhiều khi ăn quà cũng lẫn với việc ăn cho no. 

Ở Sài Gòn thì ưu tiên sự tiện lợi và đóng gói mang đi được (take-away), ngay cả những món truyền thống địa phương cũng dần công nghiệp và dây chuyền hơn (kiểu lẩu cá kèo như một cái công xưởng). 

Các quán hàng ở Hà Nội phụ thuộc bàn tay của ông bà chủ, rời ra là có khi chất lượng món đã khác; còn các tiệm trong Sài Gòn thì phần lớn mọi người có một tiêu chuẩn tương đối rộng nên dễ theo, phần lớn các hàng quán nấu rất đều tay, mỗi hàng ngon một kiểu.

* Và anh có nghĩ bộ sách là một tấm danh thiếp mới để giới thiệu ẩm thực Việt Nam?

- Quả thực tôi rất mong là thế. Đi đâu bạn bè cũng hỏi tôi: "Nghe nói ẩm thực của đất nước Việt Nam rất hấp dẫn, hãy giới thiệu cho tôi vài món khi đến Hà Nội, Huế hay Sài Gòn nhé!" và hai cuốn sách cũng là cách trả lời của tôi.

HOÀNG THU PHỐ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên