05/08/2017 14:53 GMT+7

Sài Gòn của người tha hương qua ẩm thực và ký ức

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Hai nhà báo Ngữ Yên và Trương Gia Hòa vừa có buổi ra mắt sách vào sáng 5-8 như một cách chia sẻ những góc nhìn tâm trạng của những người tha hương gắn bó với Sài Gòn.

Hai nhà báo Ngữ Yên và Gia Hòa (từ trái qua) đang tâm sự về Sài Gòn trong vị thế những người tha hương - Ảnh: L.Điền
Hai nhà báo Ngữ Yên và Gia Hòa (từ trái qua) đang tâm sự về Sài Gòn trong vị thế những người tha hương - Ảnh: L.Điền

Cả hai đều trình làng các tập tùy bút. Ngữ Yên (nhà báo Trần Công Khanh) giới thiệu một lượt hai tập tùy bút ẩm thực Sài Gòn chở cơm đi ăn phở, và Sài Gòn ồ bỗng ngon ghê.

Trong khi đó Trương Gia Hòa sau thời gian làm công việc tòa soạn và đối diện với khó khăn về sức khỏe, đã trở lại với tập tùy bút Đêm nay con có mơ không.

Về thể loại tùy bút ẩm thực, bấy nay bạn đọc từng quen thuộc với cây bút Ngữ Yên qua các bài viết rất duyên về những món ăn từ tờ Sài Gòn Tiếp Thị tới Thế Giới Tiếp Thị.

Điểm đặc biệt của tùy bút ẩm thực Ngữ Yên hình thành từ sự kết hợp giữa hành trình làm báo chuyên nghiệp và niềm đam mê khám phá sự kỳ thú của các món ăn.

Cho nên có thể nói cái lưỡi nếm trải của Ngữ Yên đến sau đôi tay ghi nhanh và bước chân phóng sự trong hành trình tìm đến những món ngon của nhiều cộng đồng người Việt.

Và tại buổi giao lưu lần này, chính Ngữ Yên cũng thừa nhận anh bắt đầu sự quan tâm nghề nghiệp đến các món ẩm thực cũng chính từ khi nghe thấy đa số khách ngoại quốc đến Sài Gòn và nhận định rằng người Việt có “phổ” món ăn đường phố ngon thuộc hàng nhất nhì thế giới.

“Bản thân tôi còn mang nặng ấn tượng những gì mẹ nấu cho ăn từ thuở nhỏ, nên tôi cảm nhận cái ngon của những món ăn theo hai hướng:

Đề cao cái ngon, và tìm kiếm kiến thức qua các món ăn, kể cả con cá lá rau tên gì, đặc tính ra sao... để vừa tăng kiến văn cho mình vừa cho cả bạn đọc”, Ngữ Yên tâm sự.

Và trong tập Sài Gòn chở cơm đi ăn phở, ông dành cả một chương “Từ gian bếp mẹ” để thuật lại những ấn tượng về món ngon dân dã đầu đời khi đã làm một người tha hương ở Sài Gòn nhiều năm rồi mới kịp nhận ra là hương vị vẫn còn nguyên quyến rũ, gọi mời.

Không chỉ thế, trong cả hai quyển viết về ẩm thực, bạn đọc sẽ nhận ra Ngữ Yên có cấu tứ viết về các món ăn tại Sài Gòn, nhưng đằng sau đó là một cuộc tề tựu của đa dạng ẩm thực các vùng miền.

Điều này cũng là một “chất” của Sài Gòn - chất dung hợp cởi mở nhìn qua sự hình thành và lưu giữ văn hóa ẩm thực.

Theo Ngữ Yên, đây là đặc điểm quan trọng của Sài Gòn. Ông nhắc lại quan niệm của một số người bạn sành ăn, rằng ở đất nước này có món gì thì Sài Gòn cũng có món đó, "Sài Gòn như cuốn kinh Mahabharata của Ấn Độ vậy".

Chính việc lang thang tìm tòi các món ăn bằng “nghiệp vụ nhà báo” đã đẩy Ngữ Yên vào hành trình khai quật các tầng nghĩa ẩn dưới quy trình làm ra một món ăn, mà nếu không đổ nhiều công phu vào tìm hiểu, một thực khách thông thường không thể am tường được.
TS Nguyễn Thị Hậu
Ba tập sách của 2 nhà báo, đều do First News liên kết với NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành - Ảnh: L.Điền
Ba tập sách của 2 nhà báo, đều do First News liên kết với NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành - Ảnh: L.Điền

Còn ý niệm tha hương trong nhà báo Trương Gia Hòa lần này là tập tùy bút mang nhan đề đậm chất gia đình: Đêm nay con có mơ không.

Tự nhận mình là người yêu chữ và thích tỉ mẩn, Trương Gia Hòa kể về xúc cảm tha hương của mình khi từ quê nhà Tây Ninh xuống Sài Gòn đi học và lập nghiệp:

“Có lần ngay giữa tuần, tôi chạy về quê, vào nhà, chui vô mùng khóc. Chỉ vì nhớ quê quá thôi chứ hông có gì, mặc dù khi đó đã sống ở Sài Gòn cả chục năm rồi”.

Gia Hòa nói về cảm xúc tha hương nhẹ nhàng như vậy, nhưng tập tùy bút của cô lại trĩu nặng những suy tư.

Có điều, Gia Hòa thật khéo léo và tinh tế trong việc tìm cách đánh mỏng những suy tư và các vấn đề mắc mướu trong cuộc sống qua những trang tùy bút với những tình tiết nhẹ nhàng, gần gũi, dễ theo dõi.

Điều thú vị là tình tiết của cô thật hấp dẫn đủ để giữ bạn đọc, những suy tư trăn trở cũng đủ mỏng để hiện diện theo mỗi câu chuyện mà không mất đi.

Như từ một chiếc rương hồi đi học ở ký túc xá, kỷ niệm về gian bếp của mẹ ở nhà quê, câu chuyện về người con “sắm” không gian cho cha mẹ nhưng bất thành... được viết với tất cả suy tư và niềm kỳ vọng rằng đằng sau những câu chuyện đó, là cả thế giới bài học, cả thế giới tâm cảm và kinh nghiệm nếu mọi người nhận ra thì cuộc đời này sẽ tốt hơn biết bao.

Nhà báo Gia Hòa cho rằng đời sống tha hương giữ mãi ở cô nét "nhà quê" - Ảnh: L.Điền

“Tôi sống ở Sài Gòn từ năm 17 tuổi, vậy mà đến nay tôi vẫn cứ thấy mình là người nhà quê”, Gia Hòa tâm sự chân thành như vậy.

Nhưng bạn đọc qua tập tùy bút của cô, biết đâu sẽ nhận ra chính nhờ cái chất chân quê “còn mãi” vậy, nên mới có những trang viết xúc động đầy ắp tình người.

Hãy đọc câu chuyện về ngôi nhà ở quê lần đầu tiên có điện, theo dõi cảm xúc của những người con về ánh sáng, về những cây đèn dầu lui vào quá vãng... để rồi bất ngờ nhận ra: Cái ánh sáng của điện khí hóa kia, vẫn không sao bù đắp lại khoảng trống của cả một nếp nhà đầy ắp kỷ niệm truyền đời...

Gia Hòa cho biết đang tiếp tục viết quyển tùy bút thứ hai, “về lối sống và các quan hệ cộng đồng ở Sài Gòn”; còn Ngữ Yên chắc chắn vẫn tiếp tục hành trình rong ruổi cùng các món ăn kỳ thú ở khắp vùng miền để dòng tùy bút ẩm thực của anh vẫn còn chảy mãi.

Vậy là bạn đọc vẫn còn có thề đón chờ những trang viết từ hai nhà báo này trong tương lai

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên