04/10/2023 15:22 GMT+7

8 dân biểu Cộng hòa bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy là ai?

Nỗ lực lật đổ ông McCarthy khỏi ghế chủ tịch Hạ viện Mỹ không xuất phát từ phía Đảng Dân chủ, mà đến từ 8 dân biểu Cộng hòa.

Cựu chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (trái) cho rằng dân biểu Matt Gaezt (phải) đòi hạ bệ mình do tư thù - Ảnh: AFP

Cựu chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (trái) cho rằng dân biểu Matt Gaezt (phải) đòi hạ bệ mình do tư thù - Ảnh: AFP

Hạ viện Mỹ, do Đảng Cộng hòa kiểm soát, đã thông qua việc loại ông Kevin McCarthy khỏi vị trí chủ tịch cơ quan này, với 216/426 dân biểu tham gia biểu quyết đồng ý với động thái trên.

Điều đáng chú ý là việc ông McCarthy mất ghế không đến từ 208 lá phiếu của phe Dân chủ, mà do hành động của 8 dân biểu Cộng hòa cực hữu đã khiến đảng này mất lợi thế đa số khi biểu quyết.

Người 'cầm đầu' có tư thù?

Theo báo The Hill, dân biểu Matt Gaezt (bang Florida) chính là người khởi xướng việc cách chức ông McCarthy.

Dân biểu bang Florida chỉ trích cách cựu chủ tịch Hạ viện xử lý cuộc khủng hoảng trần nợ công hồi tháng 6, cho rằng ông McCarthy đã thỏa hiệp với Đảng Dân chủ và không theo đuổi những ưu tiên của Đảng Cộng hòa về việc giảm chi tiêu ngân sách đến cùng.

Về phần mình, ông McCarthy cho rằng động thái trên của ông Gaezt xuất phát từ tư thù. Từ đầu năm 2021, ông Gaezt bị Ủy ban Đạo đức Hạ viện điều tra quanh cáo buộc liên quan đến tình dục và sử dụng sai công quỹ.

Dân biểu này trách ông McCarthy đã không can thiệp vào cuộc điều tra trên, thậm chí cho rằng chính cựu chủ tịch Hạ viện là người đứng sau các cáo buộc.

Hồi tháng 1, ông Gaezt đã ngăn cản ông McCarthy làm chủ tịch Hạ viện, khi từ chối bầu cho ông trong 13 lần biểu quyết đầu tiên.

Sự phản đối này của ông Gaezt khiến nhiều thành viên Đảng Cộng hòa nóng mặt, đến nỗi dân biểu Mike D. Rogers đã lao vào tấn công ông Gaezt ngay giữa phiên họp Hạ viện.

Sự bất mãn với ông Gaezt trong nội bộ Đảng Cộng hòa lên cao đến mức ngay sau khi ông McCarthy mất ghế, nhiều thành viên Đảng Cộng hòa đã công khai kêu gọi loại dân biểu này khỏi Hạ viện.

Mất niềm tin vào chủ tịch Hạ viện?

(Theo chiều kim đồng hồ) Các dân biểu Andy Biggs, Ken Buck, Nancy Mace và Bob Good  - Ảnh: HILL

(Theo chiều kim đồng hồ) Các dân biểu Andy Biggs, Ken Buck, Nancy Mace và Bob Good - Ảnh: HILL

Phát biểu ngày 3-10, dân biểu Andy Biggs (bang Arizona) cho rằng ông McCarthy không còn phát huy vai trò lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện.

Ông cực lực chỉ trích cách cựu chủ tịch Hạ viện giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ công, nguy cơ chính phủ đóng cửa hay chính sách nhập cư.

"Chủ tịch McCarthy đã không thể cho thấy mình là người lãnh đạo hiệu quả, có thể thay đổi tình hình hiện tại. Ông ta đã đi ngược với nhiều lời hứa bản thân đặt ra hồi tháng 1 và không đáng tin để trao quyền", ông Biggs tuyên bố.

Giống ông Biggs, các dân biểu Ken Buck (bang Colorado), Bob Good (bang Virginia) và Nancy Mace (bang South Carolina) đều cho rằng ông McCarthy phải bị loại vì bội tín.

"Tôi đã ủng hộ ông Kevin McCarthy hồi tháng 1 vì tôi nghĩ ông ta là người phù hợp nhất cho việc giữ những lời hứa của chúng tôi với cử tri. Rõ ràng chúng tôi cần một chủ tịch có nguyên tắc, một người có thể giữ lời không chỉ với đại biểu Quốc hội mà còn với người dân Mỹ", ông Buck nói trong một tuyên bố.

Bất mãn với thỏa thuận trần nợ công

Dân biểu Matt Rosendale (trái) và Eli Crane - Ảnh: THE HILL

Dân biểu Matt Rosendale (trái) và Eli Crane - Ảnh: THE HILL

Dân biểu Matt Rosendale (bang Montana) lại xoáy sâu vào vấn đề nợ công để giải thích việc muốn lật ông McCarthy.

Ông Rosendale nói: "Đất nước chúng ta đang đối diện khoản nợ 33.000 tỉ USD. Đường biên giới đang đương đầu với cuộc xâm lăng chưa từng có. Thay vì nắm ưu thế năng lượng, chúng ta lại đang phụ thuộc về năng lượng. Hạ viện và người dân Mỹ xứng đáng có một lãnh đạo thay đổi được tình hình hiện tại và chấm dứt đống đổ nát này".

Dân biểu Eli Crane (bang Arizona) cũng ẩn ý điều tương tự. Ông cho rằng mỗi lần phe Cộng hòa tại Hạ viện có cơ hội tạo nên sự thay đổi táo bạo và lâu dài cho người dân Mỹ, ông McCarthy lại thoái lui và thông qua những chính sách được Đảng Dân chủ ủng hộ nhiều hơn Đảng Cộng hòa.

Xung đột đức tin?

Dân biểu Tim Burchett - Ảnh: HILL

Dân biểu Tim Burchett - Ảnh: HILL

Khác với những người trên, dân biểu Tim Burchett (bang Tennessee) lấy lý do tôn giáo để giải thích quyết định của mình.

Ông Burchett cho biết ông McCarthy đã hạ thấp ông và đức tin của ông trong một cuộc đối thoại giữa hai người.

"Tôi cầu nguyện cho vợ tôi, cho con gái tôi. Tôi cầu nguyện cho đối thủ của tôi. Tôi cầu nguyện cho ông chủ tịch. Tôi cầu nguyện cho cả tổng thống, và giữa những bê bối gần đây, cho con trai ông ta. Là một tín đồ Thiên Chúa giáo, đó là điều tôi nên làm. Khi ai đó chế nhạo tôi như thế, chế nhạo tôn giáo của tôi, thì với tôi mọi chuyện đã kết thúc", ông Burchett chia sẻ.

Tin tức thế giới 4-10: Phe Cộng hòa Mỹ "nổi loạn", loại Chủ tịch Hạ viện McCarthyTin tức thế giới 4-10: Phe Cộng hòa Mỹ 'nổi loạn', loại Chủ tịch Hạ viện McCarthy

Lần đầu tiên trong lịch sử, chủ tịch Hạ viện Mỹ bị bãi nhiệm; Canada tìm cách giữ các nhà ngoại giao ở Ấn Độ; Xe buýt rơi xuống cầu làm 21 người thiệt mạng ở Ý... là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 4-10.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên