Nhà làm phim Hồ Tây: "Mặc dù gặp nhiều gian khổ nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm được phim ở bưng biền" - Ảnh: MAI THỤY
Buổi họp mặt diễn ra trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng bưng biền - Nam Bộ (15-10-1947 - 15-10-2017) với một số hoạt động như: chiếu lại các thước phim tài liệu do đạo diễn - NSƯT Khương Mễ và Tổ Nhiếp - điện ảnh khu 8 thực hiện, trưng bày 128 hiện vật - hình ảnh ghi lại quá trình làm phim thời kỳ cách mạng.
Tham dự buổi họp mặt, đạo diễn An Như Sơn, nhà quay phim Hồ Tây cùng những chiến sĩ lão thành thuộc Tổ Nhiếp - điện ảnh khu 8, khu 7, khu 9 đã chia sẻ những kỷ niệm trong buổi đầu làm phim kêu gọi người dân Nam Bộ chống Pháp.
Ngày 15-10-1947, Bộ tư lệnh khu 8 ra quyết định thành lập Tổ Nhiếp - điện ảnh khu 8.
"Từ lời đề nghị làm điện ảnh của nhà nhiếp ảnh Mai Lộc, chúng tôi đắn đo rất nhiều bởi chính quyền cách mạng còn non trẻ, tiền bạc thiếu thốn trong khi máy móc, hóa chất và phim nhựa phải mua từ Pháp. Thế nhưng, chúng tôi đã quyết tâm là phải làm được" - nhà quay phim Hồ Tây nhớ lại.
Tuy khó khăn chồng chất nhưng chỉ sau 5 tháng, Tổ Nhiếp - điện ảnh khu 8 cho ra mắt phim phóng sự đầu tiên và đến tháng 12-1948, họ đã trình chiếu bộ phim Trận Mộc Hóa - bộ phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, tiếp sau đó là hàng loạt phim tài liệu khác.
Dù qua đời cách đây hơn 13 năm, nhưng trong buổi họp mặt, đạo diễn - NSƯT Khương Mễ - người đặt nền móng xây dựng nền điện ảnh khu 8 - vẫn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất.
Nhà làm phim Xuân Phượng bồi hồi kể lại chuyến tham dự Liên hoan phim quốc tế Amiens (Pháp) năm 1997 của đạo diễn Khương Mễ:
"Lần đó, Việt Nam được ưu tiên chiếu đến 4 phim, buổi nào phòng xem phim cũng không còn chỗ. Dòng người xếp hàng kéo dài từ sân đến sát cửa vào phòng chiếu. Thấy anh Khương Mễ bước qua, tiếng vỗ tay vang lên "Bravo Việt Nam! Việt Nam!".
Dù quen biết anh đã lâu nhưng đó là lần đầu tiên tôi thấy anh cười, thấy anh chảy nước mắt nhiều đến thế!". Chuyến đi ấy, nhà làm phim Khương Mễ được trao giải Licorne D'Or (Kỳ lân vàng) cho những cống hiến với điện ảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận