27/12/2018 10:14 GMT+7

70 năm Tây Tiến - kỳ 2: Tiến về Sầm Nứa

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Cũng như nhiều cựu binh Tây Tiến khác, ông Vũ Mạnh Đôn cho biết mình là học sinh tham gia liên đội bảo vệ lễ tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 ở Ba Đình.

70 năm Tây Tiến - kỳ 2: Tiến về Sầm Nứa - Ảnh 1.

Các chiến sĩ rời Hà Nội lên đường Tây Tiến - Ảnh tư liệu của Hoàng Giáp

Các tân binh vừa đi vừa tập luyện chiến đấu. Giáo viên huấn luyện quân sự là Anh Đệ và vài cựu binh sĩ mới gia nhập Việt Minh

Cựu binh NGUYỄN XUÂN SÂM

Những người này tình nguyện tham gia Tây Tiến hết sức tự nhiên khi người chỉ huy hô ai bước sang trái thì đi Tây Tiến, ai bước sang phải thì vào Nam Tiến. Ông Đôn và những người bạn bước sang trái, thế là lên núi rừng Tây Bắc...

Con đường hành quân

Ra Hà Tây vài ngày, đơn vị ông Đôn di chuyển lên huyện lỵ Lương Sơn, Hòa Bình và đóng quân ven đường số 6, chuẩn bị lên rừng. Một liên đội khác cũng vừa đến hợp với đội tới trước để phiên chế lại. 

Một nửa ở lại đợi lệnh hành quân. Một nửa lên đường ngay và không còn ở cấp liên đội mà đã lên thành đại đội do Anh Đệ chỉ huy và Tuấn Sơn làm đại đội phó. Đặc biệt cùng hành quân Tây Tiến đợt đầu này còn có ủy viên Chính phủ Lê Hiến Mai.

Đại đội ăn bữa cơm sáng cuối ở Lương Sơn, rồi hành quân bộ theo quốc lộ 6 lên Hòa Bình. Ngoài hai trung đội chủ yếu là học sinh, sinh viên, thanh niên Hà Nội, còn có trung đội người Tày mới từ Việt Bắc xuống do Nông Ích Cao chỉ huy. 

Ông Đôn ghi lại hồi ký lãng mạn lẫn hào hùng của đội võ trang đầu tiên trên cung đường sơn cước Tây Bắc: "Từ đây, tôi làm liên lạc viên đại đội, ở cùng hai y tá và một chiến sĩ thổi kèn đồng. Là liên lạc, tôi luôn bám sát anh Tuấn Sơn. Sẵn có cái kèn harmonica, vừa đi tôi vừa thổi mấy bài hành khúc quen thuộc theo yêu cầu của chiến sĩ".

Nhiều năm đã trôi qua, ông Đôn vẫn nhớ mãi một tối dừng chân ở Hòa Bình, Lê Hiến Mai và Tuấn Sơn đã cho làm "địch vận lẫn dân vận" bằng đốt lửa trại. Họ mời cả đội Hoa quân Lư Hán lẫn Nhật còn đóng ở đây chờ giải giáp. Tuy nhiên, chỉ quân Nhật tham dự, lính Tưởng không sang. 

Có lẽ, đây chính là một trong những nguyên nhân để sau đó một số lính Nhật không hồi hương mà gia nhập lực lượng Việt Minh kháng Pháp.

Dừng chân vài hôm, cuối tháng 9-1945, đại đội lại lên đường Tây Tiến. Ngày đi, đêm nghỉ, họ lần lượt vượt qua các địa danh lạ tai với người đồng bằng như Chợ Bờ, Suối Rút, Mộc Hạ, Mộc Châu... 

Không hành quân trên đường quốc lộ, họ men theo đường mòn trong rừng vừa dốc đứng vừa cheo leo bờ vực nguy hiểm. 

Sơn cước vắt kiệt sức người lính mà cũng đầy cảnh đẹp mê mẩn lòng người như những câu thơ lãng đãng của Quang Dũng: 

"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
".

Ông Nguyễn Xuân Sâm, cựu binh của đại đội võ trang này, nhớ lại: "Các tân binh vừa đi vừa tập luyện chiến đấu. Giáo viên huấn luyện quân sự là Anh Đệ và vài cựu binh sĩ mới gia nhập Việt Minh. 

Cả hai trường phái quân sự của quân đội Tưởng Giới Thạch lẫn Pháp được huấn luyện chung cho các học sinh, sinh viên, thanh niên Hà Nội vừa tòng quân. Mọi người thích thú làm quen với súng đạn, nhưng đau buốt cả vai vì bắn đạn thật mà chưa quen ghì báng súng".

Một đêm lửa trại lại được tổ chức để kết đoàn quân dân ở bản Vặt. Những chàng trai Hà Nội tròn mắt với các cô gái Thái xinh đẹp múa xòe trong ánh lửa rừng bập bùng. Từ đây, Quang Dũng đã viết nên những câu trác tuyệt: 

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ
".

70 năm Tây Tiến - kỳ 2: Tiến về Sầm Nứa - Ảnh 3.

Nhân dân tặng hoa cho bộ đội Tây Tiến - Ảnh: Ban liên lạc Tây Tiến

Giải phóng Sầm Nứa

Sau đêm vui cùng các cô gái Thái, những người lính Tây Tiến lại tiếp tục ngược đường Tây Bắc. Sức trai tráng thấm dần rừng thiêng nước độc. Đầu tiên là những cơn sốt cứ bất ngờ ập đến, quật ngã những người lính thủ đô ở tuổi đôi mươi, rồi ghẻ lở cũng bắt đầu hành hạ.

Sau nhiều ngày hành quân, đội võ trang đến biên giới Việt - Lào. Vượt đèo Pa Hang, sông Mã bằng bè tre, họ tiếp tục xuyên đường rừng ngày đêm, rồi đội đi đầu dừng chờ đội sau nhập quân tiến vào Sầm Nứa. 

Ông Nguyễn Văn Khuôn, 97 tuổi, một Việt kiều Lào, nhớ lại: "Khi nghe tin đội võ trang Việt Minh chuẩn bị vào Sầm Nứa, tôi và một người nữa được cơ sở cách mạng ở Lào cử đi đón để dẫn đường. 

Đến đầu bản Mường Phua, chúng tôi gặp đội gác. Họ kiểm tra không có gì khả nghi nên cho gặp chỉ huy Tuấn Sơn, lát sau được gặp cả Anh Đệ và Lê Hiến Mai. Anh nào cũng gầy gò, ốm yếu. Từng người ôm chặt lấy chúng tôi".

Khoảng 4 giờ sáng, những người dẫn đường đưa đội quân xung phong tiến vô thị xã Sầm Nứa, nhưng quân Pháp đã rút lui trước đó khi nghe tin Việt Minh chuẩn bị tấn công. Mặc dù đội võ trang Tây Tiến chỉ có 160 người, nhưng quân Pháp đồn trú ở đây lại nghe đồn về đối phương đông rợp cả rừng, đặc biệt có rất nhiều súng pháo lớn. 

Thật ra đó là những ống buông, nứa rừng mà các chiến sĩ Việt Minh hồi ấy thiếu thốn quân trang phải mang theo để đựng gạo, muối, kể cả nước uống. Trinh sát của Pháp nhìn xa nhầm lẫn là các khẩu súng, pháo hạng nặng. Còn quân số "đông rợp rừng" là do đội Tây Tiến chia làm hai đoàn đi cách nhau, quan sát không kỹ rất dễ lầm lẫn với đội quân dài dằng dặc...

Chưa tốn một viên đạn, đội quân Tây Tiến đầu tiên đã giải phóng Sầm Nứa, thủ phủ tỉnh Hủa Phăn, Lào. Gần 400 Việt kiều cùng dân Lào ùa ra đón những chiến sĩ thân thiện mà trước đó bị người Pháp đồn là "giặc phỉ"...

Đoàn binh đầu trọc

Không người lính nào quê hương dưới xuôi có thể hình dung nổi chấy và các loại bọ rận, nguồn gốc của ghẻ lở ở núi rừng Tây Bắc, Việt Lào lại nhiều như thế. Chúng sống trong tóc tai, râu ria. Chúng lổm ngổm trong quần áo, chúng bám cả vào kẽ tay, kẽ chân.

Buổi tối, dừng chân bên bếp lửa, tiếng tanh tách nảy lên cả đội quân do họ dùng móng tay giết chấy rận. Rồi nhiều quá, họ cho quần áo vào nồi nước để luộc hay hơ quần áo trên bếp lửa để giết rận.

Những cái đầu lính cứ phải cạo trọc dần, trọc dần để chống chấy rận trên những gương mặt gầy gò xanh xao vì sốt rét lẫn ghẻ lở. Nguồn cảm hứng cho Quang Dũng viết nên câu thơ mà chỉ người lính trong cuộc mới thấu hiểu:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
"...

________________________

Kỳ tới: Trận đánh đầu tiên

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên