01/11/2018 11:15 GMT+7

70 năm lực lượng mũ nồi xanh LHQ - Kỳ 5: Thất bại, tai tiếng và cải tổ

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Nỗ lực của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (LHQ) rất xứng đáng với giải Nobel hòa bình được trao năm 1998. Dù vậy, họ cũng vấp phải không ít thất bại và tai tiếng.

70 năm lực lượng mũ nồi xanh LHQ - Kỳ 5: Thất bại, tai tiếng và cải tổ - Ảnh 1.

Ngày 6-9-2018, tòa án quân sự ở Nam Sudan kết án 10 binh sĩ giết nhà báo, cưỡng bức 5 nữ nhân viên cứu trợ nhân đạo quốc tế - Ảnh: africanews.com

Thật ra Hội đồng Bảo an LHQ không cho phép lực lượng mũ nồi xanh can thiệp chiến đấu, trừ khi dân thường bị đe dọa trực tiếp

Ông RICCARDO MAIA (phụ trách phái bộ LHQ tại Timbuktu, Mali)

Bắn thẳng vào dân địa phương

Trong ba chiến dịch gìn giữ hòa bình triển khai ở Nam Tư cũ, Somalia và Rwanda từ năm 1992-1995, LHQ bị chỉ trích gay gắt. 

Các bên không tôn trọng thỏa thuận hòa bình, còn lính mũ nồi xanh không đủ nguồn lực. Cuối cùng tổn thất gia tăng, xung đột tiếp diễn. 

Tổng thư ký LHQ Boutros Boutros-Ghali lúc bấy giờ phải nhìn nhận: "LHQ không thể duy trì hòa bình tại nơi không có hòa bình để duy trì".

Còn hiện nay, bị chỉ trích nặng nề nhất là lực lượng mũ nồi xanh LHQ ở châu Phi. Lính LHQ tập trung mấy chục ngàn người ở Cộng hòa Trung Phi, CHDC Congo và Mali nhưng chưa thể vãn hồi hòa bình, tái lập an ninh. 

Tiêu biểu như ở Trung Phi ngày 8-4-2018, lính mũ nồi xanh phối hợp với quân đội chính phủ tiến vào khu phố PK5 giữa thủ đô Bangui để giải giới bọn dân quân tự vệ và bắt giữ tên cầm đầu Nimery Matar Jamous. Rốt cuộc đối tượng trốn thoát. 11 lính mũ nồi xanh bị thương.

Sau đó có tin đồn một bà mẹ và con gái bị bắt. Người dân tức giận bao vây đồn cảnh sát. Tình hình cực kỳ căng thẳng. 20 lính mũ nồi xanh Rwanda bắn thẳng vào đám đông. 

Hôm sau, người dân mang 17 thi hài quấn vải liệm trắng đến đặt trước bộ chỉ huy phái bộ LHQ.

Tại Mali vào tháng 1-2015, lính mũ nồi xanh Rwanda đã bắn vào đám đông biểu tình ở Gao làm 3 người chết. 

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon phải xin lỗi gia đình các nạn nhân. Chỉ huy cảnh sát LHQ tại Gao và 35 người trong đơn vị bị sa thải.

Bỏ bê dân thường, lạm dụng tình dục

Tháng 11-2016, tướng Johnson Mogoa Kimani Ondieki người Kenya đã bị cách chức chỉ huy phái bộ LHQ tại Nam Sudan vì không bảo vệ được dân thường. 

Bốn tháng trước, vào ngày 8-7-2016 tại thủ đô Juba, quân của tổng thống và phó tổng thống đánh nhau. Hai bên nã pháo bừa bãi vào trại tị nạn bên trong doanh trại lính mũ nồi xanh LHQ.

Ba ngày sau, từ 50-100 binh sĩ phe tổng thống tập kích khách sạn Terrain cách doanh trại mũ nồi xanh 1km. 

Trong khách sạn có 50 nhân viên cứu trợ nhân đạo nước ngoài. Họ gọi điện thoại nhiều lần cầu cứu nhưng lính mũ nồi xanh LHQ không đến giải cứu. 

Bọn lính bắn chết nhà báo địa phương John Gatluak Nhial, cưỡng bức 5 nữ nhân viên nước ngoài, đánh đập nhiều người, cướp bóc tài sản. 

Kết quả điều tra của LHQ cho thấy thảm kịch xuất phát từ năng lực chỉ huy kém, không có đầu mối chỉ huy thống nhất giữa bốn đơn vị mũ nồi xanh Trung Quốc, Ethiopia, Nepal và Ấn Độ trong khi tại Juba lúc đó có đến 1.800 binh sĩ mũ nồi xanh. Ngoài ra, tiểu đoàn Trung Quốc còn rời bỏ một số vị trí phòng thủ trong trại tị nạn.

Lực lượng mũ nồi xanh LHQ còn thường xuyên bị tố cáo lạm dụng tình dục. 

Các vụ hiếp dâm, mua dâm, quan hệ tình dục với trẻ em xảy ra từ năm 1992-2016 tại 12 nước gồm Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Bờ Biển Ngà, Guinea, Liberia, Mali, CHDC Congo, Sierra Leone, Nam Sudan, Haiti, Nam Tư cũ, Campuchia.

Tại Nam Sudan, cuối tháng 6-2018, 46 cảnh sát LHQ người Ghana đã bị sa thải vì mua dâm. Gần đây, vào cuối tháng 9-2018, Nam Sudan đã mở cuộc điều tra lính mũ nồi xanh LHQ bị tố cáo lạm dụng tình dục trong trại tị nạn ở Juba. 

Tại Cộng hòa Trung Phi, giữa năm ngoái đã có 629 lính mũ nồi xanh LHQ người Congo bị sa thải vì tấn công tình dục, buôn lậu xăng dầu và vô kỷ luật. 

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã thân chinh đến Trung Phi vào cuối tháng 10-2017. Ông đã gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục và cam kết sẽ thực thi công lý.

Chiến lược cải tổ của LHQ

Sau khi nhậm chức tổng thư ký LHQ hồi đầu năm 2017, vào tháng 3-2017 ông Antonio Guterres công bố "Kế hoạch đặc biệt nhằm ngăn chặn bóc lột và xâm hại tình dục" trong lực lượng mũ nồi xanh. 

Ông khẳng định hiếp dâm, bạo lực tình dục, bóc lột và xâm hại tình dục là hành vi phạm tội và nhấn mạnh: "Những hành vi man rợ như thế không bao giờ được xảy ra nữa, đặc biệt bất cứ giá nào cũng không dính líu đến các cá nhân phục vụ dưới ngọn cờ LHQ". 

Ông hiệu triệu: "Chúng ta cùng đồng lòng khẳng định: Chúng ta sẽ không khoan dung cho bất kỳ ai sai phạm hoặc bao che cho hành vi bóc lột và xâm hại tình dục... Mỗi nạn nhân xứng đáng có được công lý".

Ông đã thành lập một ủy ban gồm 9 thành viên nghiên cứu các giải pháp thực hiện chiến lược mới kể trên. 

Ông thành lập đường dây nóng mới tiếp nhận khiếu nại về lạm dụng tình dục, thành lập tổ điều tra đặc biệt và quy trình mới tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo đơn giản và nhanh chóng hơn.

Để giải quyết vấn đề lính mũ nồi xanh không bảo vệ dân thường, cuối tháng 3-2018 ông đề ra sáng kiến "Hành động vì gìn giữ hòa bình" tập trung vào hai mục tiêu then chốt của các chiến dịch gìn giữ hòa bình: một là nỗ lực hơn nữa để đạt được giải pháp hòa bình, chấm dứt xung đột và hai là bảo vệ dân thường. 

Sau đó, bên lề khóa họp Đại hội đồng LHQ ngày 25-9-2018, 146 nước cùng bốn tổ chức quốc tế và khu vực đã thông qua văn kiện "Tuyên bố cam kết chung liên quan đến các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ" nhằm bảo đảm 14 chiến dịch đang triển khai hoạt động hiệu quả hơn, an toàn hơn và thực tế hơn.

Các nước giao quân phải trừng phạt người sai phạm

kỳ-5-ảnh-3-new-munoixanh-4(read-only)

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (giữa, thường phục) đến Trung Phi vào cuối tháng 10-2017 - Ảnh: Aljazeera


Ngày 21-9-2018, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết 2436 về củng cố các phái bộ và các chiến dịch gìn giữ hòa bình LHQ. Nghị quyết yêu cầu củng cố bộ máy kiểm soát - chỉ huy của các phái bộ và cải thiện năng lực của lãnh đạo chiến dịch. Nghị quyết tán thành biện pháp thành lập tổ điều tra đặc biệt để xử lý lực lượng mũ nồi xanh LHQ, đặc biệt là các vụ không bảo vệ dân thường. Nghị quyết yêu cầu các nước giao quân tham gia lực lượng mũ nồi xanh phải tăng cường xác minh tiền sử ứng viên, điều tra các cáo buộc về bóc lột và xâm hại tình dục và có biện pháp trừng phạt người sai phạm.

________

Kỳ tới: Mũ nồi xanh Việt Nam

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên