15/01/2020 06:41 GMT+7

7 đời tổng thống Mỹ chưa xử xong

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Tính từ khi Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời năm 1979, nước Mỹ đã trải qua 6 đời tổng thống, không tính ông Donald Trump. Cũng trong ngần ấy năm, Iran mới chỉ qua một đời lãnh tụ tối cao và đang ở đời thứ hai.

7 đời tổng thống Mỹ chưa xử xong - Ảnh 1.

Cái chết của tướng Soleimani thổi bùng làn sóng chủ nghĩa dân tộc và chống Mỹ tại Iran và những cộng đồng Hồi giáo Shiite - Ảnh: AFP

Thù hằn giữa hai nước dẫn tới những va chạm liên tục khiến nhiều người đặt ra câu hỏi phải đến khi nào Mỹ và Iran mới thôi đối đầu, bắt tay cùng nhau. Những người lạc quan cho rằng điều đó từng suýt xảy ra một lần vào năm 2015, khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1, trong đó có Mỹ.

Theo đó, Iran đồng ý ngừng làm giàu uranium, đổi lại Mỹ dỡ bỏ hoặc nới lỏng các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran. Năm 2016, vào những ngày cuối cùng của chính quyền tổng thống Barack Obama, Iran đồng ý mua 80 chiếc Boeing của Mỹ, hứa hẹn tạo ra việc làm cho hàng chục ngàn người Mỹ. Hợp đồng này chưa bao giờ trở thành hiện thực bởi sự đổi chủ ở Nhà Trắng, với sự xuất hiện của Tổng thống Donald Trump.

Sự thỏa hiệp vụ tướng Soleimani?

Những ngày đầu năm 2020, thế giới sốc sau khi Mỹ hạ sát Qasem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Những tiết lộ của Wall Street Journal và New York Times, hai tờ báo uy tín của Mỹ, đã cho thấy hậu trường vụ việc và lý giải cách đáp trả thận trọng của Iran.

Vài tiếng sau khi Mỹ giết tướng Soleimani, các quan chức Mỹ đã vội vã soạn thảo một thông điệp và gửi đến Iran thông qua những kênh không chính thống. Nội dung đoạn fax cảnh báo Iran không nên có các hành động trả thù mạnh mẽ và làm leo thang căng thẳng nếu không muốn làm ông Trump cảm thấy rằng ông cần phải có các hành động quân sự mạnh mẽ hơn nữa đối với Iran.

Theo lời kể của những binh sĩ Mỹ ở hai căn cứ bị tấn công, họ đã nhận được cảnh báo và yêu cầu sơ tán hoặc trốn trong boongke vài tiếng trước khi cuộc tấn công xảy ra. Một quan chức Mỹ tiết lộ chính quyền Iraq - vốn gồm nhiều nhân vật thân thiết với Iran - đã cảnh báo cho Washington. Như vậy, có thể hiểu vụ trả thù cho tướng Soleimani là một sự thỏa hiệp của tất cả các bên, từ Iran đến Mỹ và cả Iraq.

Bài toán khó

Khi chính quyền Obama đồng ý thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, một loạt nước đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là Israel và Saudi Arabia, đã thể hiện sự phản đối ra mặt. Bởi theo họ, Iran chẳng mất thứ gì trong kho nguyên liệu chế tạo hạt nhân trong lúc hưởng lấy các lợi ích kinh tế từ Mỹ và phương Tây. Sự trấn an của Mỹ rằng Iran sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân trở nên thừa thãi tại Trung Đông.

Tổng thống Trump là người phản đối kịch liệt thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và lật lại mọi thứ sau khi nhậm chức. Washington chấm dứt việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Iran và áp thêm các biện pháp trừng phạt mới, chủ yếu nhắm vào ngành xuất khẩu dầu mỏ - yết hầu của nền kinh tế Iran. Người Mỹ tin rằng một khi hết tiền, Tehran sẽ buộc phải chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cũng như tài trợ cho các nhóm vũ trang như Hamas, Hezbollah và Houthi trong khu vực.

Israel và Saudi Arabia là những nước hưởng ứng nhiệt thành chiến lược gây sức ép tối đa của ông Trump. Quan hệ giữa Mỹ và hai nước này lập tức nồng ấm trở lại sau thời gian dài căng thẳng dưới thời ông Obama. Các hợp đồng vũ khí hàng chục tỉ USD được ký kết chóng vánh. Giống như trò chơi có tổng bằng 0 (zero sum), nếu Washington muốn cải thiện quan hệ với Tehran, họ sẽ phải đánh đổi mối quan hệ với các đồng minh Trung Đông và ngược lại.

Đây là một bài toán không hề đơn giản đối với chính quyền Mỹ và tạo ra cuộc tranh luận giữa những người làm chính sách. Nhiều học giả đi đến một kết luận: nếu Washington muốn kết thúc 4 thập kỷ đối đầu, họ phải sẵn sàng cho việc thay đổi chế độ thần quyền ở Tehran. Tổng thống Trump chưa từng công khai nói về điều này, nhưng việc ông áp dụng chiến lược gây sức ép tối đa có thể dẫn tới kết cục như giới học giả đề xuất.

Ví dụ mới đây, những bức xúc xã hội đã có dịp hiếm hoi bộc phát khi Tehran thừa nhận đã vô tình bắn rơi một máy bay thương mại của Ukraine, làm thiệt mạng toàn bộ 176 người, trong đó có 82 người Iran. Một số ít người biểu tình đã mạnh mẽ yêu cầu Đại giáo chủ Ali Khamenei rời khỏi ghế lãnh tụ tối cao Iran, một chức vụ đã được quy định có nhiệm kỳ trọn đời trong hiến pháp. Từ Mỹ, Tổng thống Trump lập tức lên tiếng ủng hộ người biểu tình Iran, ca ngợi họ là những người "dũng cảm, đã chịu áp bức quá lâu", đồng thời cảnh báo Iran không được "thảm sát" họ.

Ngoài ra, với việc ông Trump tuyên bố sẽ không đáp trả các đòn trả đũa của Iran bằng biện pháp quân sự và sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế mới, mọi thứ dường như lại quay về quỹ đạo cũ. Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể vẫn sẽ tiếp diễn thêm nhiều năm nữa, trừ khi có sự thay đổi lãnh đạo ở Iran hoặc ngược lại, ông Trump không còn làm việc ở Nhà Trắng.

Iran bắt các nghi phạm bắn rơi máy bay Ukraine

Bộ Tư pháp Iran ngày 14-1 xác nhận đã tiến hành bắt giữ những người chịu trách nhiệm vụ bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraine hôm 8-1. Người phát ngôn cơ quan này không cung cấp các chi tiết như có bao nhiêu người bị bắt và những người này là ai.

airplane-crash-iran-afp 3(read-only)

Hiện trường vụ máy bay Boeing của Ukraine rơi hôm 8-1 ở ngoại ô Tehran - Ảnh: AFP

Trong một thông điệp được phát đi trực tiếp trên sóng truyền hình Iran ngày 14-1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ và toàn diện về sự cố và gọi đây là "một sai sót không thể tha thứ", song cho rằng việc quân đội Iran thừa nhận lỗi lầm là một hành động đẹp.

Lợi và hại từ cái chết của tướng Soleimani

Theo nhà nghiên cứu Abbas Milani thuộc Viện Hoover (Mỹ), việc Mỹ sát hại tướng Soleimani có thể gây tổn hại đến tiến trình xuất khẩu cách mạng Hồi giáo của Iran. Song Tehran cũng hưởng lợi từ điều này. Theo ông Milani, trong hơn 1 năm trở lại đây, làn sóng chống Iran bất ngờ bùng phát ở Iraq - quốc gia có đông người theo Hồi giáo Shiite như Iran. Ngay cả Đại giáo sĩ Ali al-Sistani, người vốn sinh ra ở Iran và là giáo sĩ người Shitte cao cấp nhất ở Iraq, cũng đã lên tiếng chống lại sự can thiệp của "nước ngoài" vào các vấn đề Iraq, ám chỉ Iran.

Cuộc không kích của Mỹ giết hàng chục tay súng thuộc một nhóm dân quân Iraq được Iran hậu thuẫn hôm 29-12 và tướng Soleimani ngày 3-1 ngay trên lãnh thổ Iraq đã khiến người Iraq chĩa mũi dùi từ Iran sang Mỹ. "Nhiều người Iraq hiện đang tự hỏi không phải Iran mà là Mỹ khi nào sẽ rời đi", ông Milani lập luận.

Iran bắt một số người vụ rơi máy bay, cam kết trừng phạt người có lỗi Iran bắt một số người vụ rơi máy bay, cam kết trừng phạt người có lỗi

TTO - Bộ Tư pháp Iran thông báo đã bắt một số người liên đới trong thảm họa bắn nhầm máy bay Ukraine làm 176 người thiệt mạng.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên