21/04/2013 15:39 GMT+7

65% cha mẹ cho con ăn không đúng cách, vì sao?

THÙY DƯƠNG ghi
THÙY DƯƠNG ghi

TTO - Một khảo sát mới nhất của Hội Dinh dưỡng Việt Nam đã đưa ra con số có tới 65% các bậc cha mẹ cho con ăn không đúng cách. PV Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn TS Từ Ngữ, tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam về vấn đề này.

Hơn 65% cha mẹ cho trẻ ăn không đúng cách

* Thưa ông, ông có thể cho biết cách cho trẻ ăn không đúng mà các ông bố bà mẹ đang gặp phải?

- Qua qua khảo sát 3.000 phụ huynh, chủ yếu là các phụ huynh tại thành thị trong thời gian từ 15-3 đến 15-4, có tới hơn 65% các bậc cha mẹ cho trẻ ăn không đúng cách.

Cụ thể, có tới 13% các bậc cha mẹ không có thời gian phải nhờ ông bà hỗ trợ nuôi trẻ, 14% phụ huynh bắt trẻ ăn hết phần ăn dù trẻ kêu khóc không chịu ăn, 19% phụ huynh vẫn đút ăn cho trẻ khi trẻ đã lớn, để “dụ” trẻ ăn có đến 23% ông bố bà mẹ phải bật quảng cáo hoặc dùng đồ chơi trong lúc ăn…

* Tại sao nhờ ông bà cho trẻ ăn, buộc trẻ ăn hết phần ăn, đút ăn khi trẻ đã lớn, bật ti vi hoặc dùng đồ chơi cho trẻ trong lúc ăn… lại là sai lầm?

cj7Edfdu.jpgPhóng to

TS Từ Ngữ - Ảnh do TS Từ Ngữ cung cấp

- Cũng như cha mẹ, ông bà rất yêu thương trẻ nhưng cách cho ăn của ông bà sẽ mâu thuẫn với cách cho ăn của cha mẹ, điều này khiến trẻ không biết nghe lời ai, ảnh hưởng đến tâm lý khi ăn của trẻ. Trong khi cha mẹ được cập nhật những kiến thức nuôi con hiện đại thì ông bà lại lấy kinh nghiệm từ xưa để nuôi trẻ như cho trẻ ăn bột khi trẻ mới được 2-3 tháng tuổi, không muốn cho rau khi nấu cháo, bột cho trẻ… Khi các con thắc mắc, ông bà sẽ đưa ra lý lẽ “ngày xưa bố mẹ đã nuôi các con như vậy và các con vẫn lớn khôn như ngày hôm nay”.

Mặt khác, các bậc cha mẹ có ít thời gian nên muốn trẻ có một bữa ăn nhanh trong khi ông bà lại rảnh rỗi nên luôn kéo dài thời gian ăn cho trẻ. Kéo dài thời gian ăn (quá 30 phút) làm thức ăn nguội, không còn ngon và dần tạo thành tâm lý chán ăn ở trẻ.

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ hướng dẫn người giúp việc cho trẻ ăn. Dù người giúp việc đã tuân theo “quy tắc cho trẻ ăn" mà cha mẹ đã đưa ra nhưng người giúp việc không thể có tình thương như cha mẹ, ông bà đối với trẻ, điều này cũng làm cho trẻ không hào hứng đối với bữa ăn. Do vậy, các bậc cha mẹ nên có mặt và cho trẻ ăn cùng bữa ăn với gia đình.

Bên cạnh đó, việc cha mẹ ép trẻ ăn hết phần ăn khi trẻ không muốn ăn nữa sẽ làm cho trẻ ngày càng chán, sợ những bữa ăn. Vì vậy, nên cho trẻ kết thúc bữa ăn khi trẻ không muốn tiếp tục ăn nữa. Nhiều bậc phụ huynh còn có thói quen đút cho trẻ ăn khi trẻ đã hơn 2 tuổi. Thói quen này sẽ làm cho trẻ thiếu tính độc lập. Đút ăn cho trẻ khiến trẻ luôn cảm thấy mình bị ép ăn theo ý muốn của người khác. Trong khi trẻ cần một khay thức ăn với nhiều loại thức ăn đa dạng để trẻ biết mình muốn và cần ăn gì, kích thích cảm giác ngon miệng và hào hứng của trẻ với bữa ăn.

Ăn là một phản xạ không có điều kiện nhưng tới bữa ăn các bậc phụ huynh đã bật ti vi hoặc cho trẻ chơi đồ chơi khiến trẻ chú ý đến những thứ khác để các bậc cha mẹ tranh thủ đút ăn cho trẻ. Cách cho ăn này làm trẻ ngày càng có “đòi hỏi” phải có những tác nhân bên ngoài khác trẻ mới ăn. Chưa kể, cho trẻ ăn trong khi xem phim hoặc chơi trò chơi lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa của trẻ.

* Gần đây, rất nhiều gia đình thường gặp vấn đề khi cho trẻ ăn. Các bà mẹ than phiền rằng giờ cho trẻ ăn dường như “trở thành trận chiến” trong khi các thế hệ trước đó rất hiếm gặp tình trạng này?

- Là do bữa ăn gia đình hiện nay đã bị tan vỡ. Thời của tôi, các ông bố bà mẹ có mặt trong 3 bữa chính của gia đình, bữa sáng, bữa trưa và bữa tối nhưng hiện nay rất nhiều bà mẹ chỉ có mặt trong bữa tối của gia đình. Chính điều này đã tạo ra những khó khăn trong ăn uống của trẻ. Trẻ rất muốn được mẹ chế biến món ăn cho trẻ vì không ai gần gũi và hiểu đứa trẻ bằng mẹ. Ngoài ra, được nhìn thấy mẹ trong bữa ăn cũng là một niềm vui chính đáng của trẻ. Nhưng những mong muốn này giờ lại ít được đáp ứng.

* Vậy theo ông, muốn cho trẻ có thói quen ăn uống tốt, các ông bố bà mẹ cần làm gì?

- Các bậc cha mẹ cần tuân thủ những nguyên tắc trong ăn uống để trẻ hình thành nếp ăn ngay từ khi được 6 tháng tuổi - độ tuổi bắt đầu ăn thức ăn bổ sung. Cần tập cho trẻ ăn thức ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều. Cụ thể, trẻ đang bú sữa mẹ sẽ được bổ sung uống sữa bột, pha nước cháo với sữa, bột loãng, bột đặc, ăn cháo có hạt, ăn cơm. Khi trẻ ăn được bột cần cho trẻ ăn đầy đủ chất bột, đạm, béo và các vitamin. Chọn các loại thực phẩm theo ý thích của trẻ. Khi trẻ ăn loại thức ăn nào mà bị ói, không nên cho trẻ tiếp tục ăn loại thức ăn đó. Cần cho trẻ ăn đủ chất lượng, số lượng thức ăn tùy theo độ tuổi để trẻ tăng trưởng tốt.

Tập cho trẻ độc lập khi ăn. Trẻ 6 tháng tuổi, gia đình có thể mua một cái ghế ăn có độ nghiêng đỡ trẻ, có dây cột và cho trẻ ngồi ăn cùng với gia đình. Ngồi cùng gia đình giúp trẻ hào hứng khi ăn, đồng thời đây cũng là cách để trẻ quan sát người lớn ăn, học cách ăn. Trẻ sẽ đòi nếm thức ăn của người lớn. Khi đó, tùy từng lứa tuổi và loại thức ăn có thể cho trẻ nếm thử.

Trẻ còn nhỏ cho trẻ nếm nước canh, nước thịt, trẻ lớn hơn chút có thể cho nếm thử những thức ăn mềm mà trẻ có thể ăn được. Khi trẻ biết cầm muỗng nên cho trẻ cầm một cái muỗng để trẻ tự múc đồ ăn, người mẹ vừa ăn cơm vừa cầm một cái muỗng khác để đút ăn cho trẻ. Ngoài ra, cần đa đạng các loại thực phẩm trong bữa ăn của trẻ. Nên sắp xếp các bữa ăn cho trẻ từ 2-4 giờ. Khi thấy trẻ không tăng ký, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến các bác sĩ nhi khoa để được khám, tìm nguyên nhân.

THÙY DƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên