19/08/2020 20:21 GMT+7

6 tháng cuối năm 2021, Việt Nam mới tiếp cận được vắc xin COVID-19

L.ANH
L.ANH

TTO - Phát biểu tại cuộc giao ban trực tuyến với các Sở Y tế chiều nay 19-8, Quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đang tìm mọi phương pháp, mọi góc độ tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19, nhưng phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có.

6 tháng cuối năm 2021, Việt Nam mới tiếp cận được vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Long phát biểu tại cuộc giao ban trực tuyến chiều 19-8 - Ảnh: Bộ Y tế

Theo ông Long, Việt Nam đang nỗ lực bằng mọi phương pháp, mọi góc độ để tiếp cận vắc xin, nhưng ít nhất phải 6 tháng cuối 2021 mới có vắc xin. Từ nay đến thời điểm đó, lúc nào cũng phải sẵn sàng nguy cơ có thể xảy ra dịch.

Ông Long cũng đánh giá "nhờ triển khai các biện pháp chưa có tiền lệ", cho đến nay sau gần 1 tháng, ổ dịch ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã từng bước được kiểm soát. Các tỉnh miền Trung đang tăng cường xét nghiệm, truy vết để có biện pháp ngăn dịch kịp thời.

Về ổ dịch tại Hải Dương, ông Long cho rằng nguồn bệnh xâm nhập vào quán Thế giới bò tươi vào khoảng 25-27 tháng 7, nơi có ca bệnh 867 và từ địa điểm này lây lan ra 11 bệnh nhân khác. Trong những ngày tới có thể có thêm ca nhiễm, do trong khoảng thời gian từ khi có mầm bệnh đến khi phát hiện ổ dịch đã có khoảng 1.000 người ra vào quán ăn này và thời gian đã kéo dài khoảng 2 tuần.

Ông Long cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại các kịch bản ứng phó các cấp độ, do thời gian qua khi dịch xảy ra tại địa phương, có địa phương đã lúng túng và không đủ điều kiện nhân lực, vật lực, Bộ Y tế phải điều bệnh viện trung ương vào hỗ trợ. Tốc độ lây lan trong giai đoạn này của dịch cũng cao hơn, giai đoạn trước chỉ có 40 ổ dịch, giai đoạn này có 150 ổ dịch.

Về các bài học chống dịch, ông Long khuyến cáo các cơ sở y tế phải có kế hoạch ứng phó chủ động, tránh trường hợp phải phong tỏa 1 loạt bệnh viện, đặc biệt là bảo vệ các khoa hồi sức, khoa thận nhân tạo, nhân viên y tế, đồng thời cách ly ngay các trường hợp F1 và phản ứng nhanh, chần chừ sẽ rất nguy hiểm. 

Các nhà thuốc phải giám sát chặt trường hợp có ho, sốt, bệnh viện và nhà thuốc để lọt ca bệnh nghi ngờ sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã đăng ký mua vắc xin của Anh và Nga, đồng thời đang nỗ lực phát triển vắc xin trong nước. Hiện có 2 trong 4 loại vắc xin ngừa COVID-19 trong nước chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.

Vì sao vắc xin Mỹ chậm chân hơn Nga và Trung Quốc? Vì sao vắc xin Mỹ chậm chân hơn Nga và Trung Quốc?

TTO - Việc có ít người da màu tham gia thử nghiệm vắc xin đã khiến nhiều quan chức Mỹ lo lắng bởi đây là nhóm chiếm hơn 50% số ca mắc COVID-19. Thiếu họ, các đánh giá hiệu quả của vắc xin có thể xa rời thực tế và bị chỉ trích phân biệt chủng tộc.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên