02/02/2020 13:42 GMT+7

36 năm mẹ bên con, để cùng đi xa hơn nữa

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Trên chuyến hành trình hơn 300km từ Hà Nội ngược lên vùng núi Bảo Lạc (Cao Bằng) nhận giải thưởng "Tình nguyện quốc gia" năm 2019, không ít người xúc động khi nhìn thấy hình ảnh người mẹ kiên trì đẩy chiếc xe lăn cho con trai.

36 năm mẹ bên con, để cùng đi xa hơn nữa - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Kim Sơn cùng con trai Đỗ Hà Cừ đi quãng đường xa hơn 300km từ Hà Nội ngược lên vùng núi Bảo Lạc (Cao Bằng) nhận giải thưởng “Tình nguyện quốc gia” năm 2019 - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Chàng trai Đỗ Hà Cừ, năm nay bước sang tuổi 36 - cũng là 36 năm bà Nguyễn Thị Kim Sơn (67 tuổi, quê ở Thái Bình) cùng con trai chiến đấu với bệnh tật.

Cừ kể mới đầu để vận động sách cho người khuyết tật rất khó vì phải thuyết phục nhà tài trợ. Có những đêm thức viết thư, viết bài xin tài trợ đến 4h sáng. Cừ viết rất chậm, mồ hôi tứa ra ướt đẫm áo, vậy là mẹ ngồi cạnh để thay áo cho anh. Sớm mai tỉnh dậy anh lại viết, lại ướt áo...

Anh Cừ - con trai đầu lòng của bà Sơn - bị nhiễm chất độc da cam, liệt toàn thân, chỉ cử động được một ngón tay phải, mọi sinh hoạt, công việc hằng ngày đều phụ thuộc vào người mẹ.

Không phải do con

"Bạn tôi bảo nếu là tôi, họ sẽ nằm khóc suốt ngày. Tôi nói nếu nằm khóc một ngày, hai ngày hay một tháng, một năm, hai năm rồi cũng nín thôi. Nhưng mình thương con, mình sinh ra con khuyết tật chứ không phải do con, mình phải tìm mọi cách để con vui" - bà Sơn trải lòng.

Trong suốt câu chuyện kể, người mẹ ấy luôn "nhận lỗi" về mình dù bà hiểu tất cả đều do số phận định sẵn, nhưng không vì thế mà phó mặc cho số phận. Bà tin rằng nếu bản thân nỗ lực thì chắc chắn cuộc đời con trai bà sẽ vơi bớt khổ đau.

Khi con 4 tháng tuổi, bà nhận thấy điều bất thường nơi con. Suốt cả năm trời Cừ chỉ có một tư thế nằm không nhấc cổ lên được, bà đưa con lên Hà Nội chạy chữa khắp nơi nhưng không có tác dụng. Bà đành đưa con về nhà, cho đến nay đã 36 năm trôi qua, một tay bà bồng bế, cho con ăn, canh giấc cho con ngủ. Từ ngày có chiếc xe lăn, Cừ đi đâu đều có bóng hình của mẹ ở phía sau.

Nhưng khó khăn nhất là Cừ không thể đến trường. "Người thầy duy nhất của Cừ là mẹ và người thầy lớn nhất của con là sách" - bà Sơn giãi bày. Ban đầu những tưởng cuộc đời Cừ rồi sẽ "bỏ đi" nhưng mỗi ngày nhìn thấy con đều cố gắng tự học, người mẹ ấy tự nhủ phải kiên trì dạy con nhận biết mặt chữ, học thuộc từng bài thơ.

Dưới Cừ còn một em trai, bà Sơn kể hễ em học đến đâu thì mẹ ngồi bên dạy kèm, thế là Cừ ngồi cạnh cũng "học mót". Cừ được mẹ kèm cho đến hết kiến thức lớp 5 thì không tự học được nữa vì không thể nhấc đầu ngồi dậy. Sau này có máy tính, nhờ sự kèm cặp của mẹ mà dù chỉ cử động được một ngón tay chính xác, Cừ vẫn miệt mài tập gõ máy tính theo kiểu... đặc biệt.

"Lúc đầu tôi không gõ được bàn phím, phải nằm úp xuống để gõ chuột trên bàn phím ảo nhưng cũng không ăn thua vì đau bụng lắm. Sau đó, mẹ thiết kế tấm đệm khâu ở sàn nhà để tôi có thể nằm ngửa sử dụng con chuột bay (như chiếc điều khiển nhưng được tích hợp cảm ứng) gõ trên tivi tiện lợi hơn rất nhiều" - Đỗ Hà Cừ chia sẻ cách dạy học hiệu quả của mẹ.

36 năm mẹ bên con, để cùng đi xa hơn nữa - Ảnh 3.

Tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, nhiều cô cậu học sinh túm tụm xung quanh lắng nghe Đỗ Hà Cừ chia sẻ về câu chuyện đời mình - Ảnh: H.THANH

Cùng con đi khắp nẻo

Trên chuyến hành trình hơn 300km từ Hà Nội ngược lên vùng núi Bảo Lạc (Cao Bằng), người phụ nữ sắp sửa bước sang tuổi thất thập cùng cậu con trai Đỗ Hà Cừ vượt qua mọi trở ngại về đường sá xa xôi, bệnh tật để nhận giải thưởng "Tình nguyện quốc gia" năm 2019. 

Đỗ Hà Cừ là một trong 10 gương mặt tình nguyện được vinh danh với nỗ lực không biết mệt mỏi thành lập "Không gian đọc hi vọng" cho trẻ em.

Là kỹ sư thủy lợi, 55 tuổi bà Sơn về hưu, kể từ ngày đó bà toàn tâm toàn ý cùng con đi khắp nẻo để hoàn thành ước mơ lớn nhất trong cuộc đời con trai. Bà nhận ra niềm vui thích của con, chính từ khao khát mở không gian đọc để bước ra thế giới bên ngoài. 

Bà kể, Cừ vận động rất nhiều nhà hảo tâm, đi xin tất cả loại sách ở lứa tuổi từ 4-13, hằng tuần còn thiết kế các buổi nói chuyện với "đại sứ đọc" cho các bạn nhỏ từ trong nhà cho đến ngoài trời. "Những buổi đó Cừ đi cùng, mà Cừ đã đi thì tôi phải đi theo, đi bất cứ đâu đều đi theo" - bà Sơn quả quyết.

Nằm trên chiếc xe lăn nhận giải thưởng, Cừ chia sẻ về hành trình nỗ lực lập ra không gian đọc do người khuyết tật quản lý, và đằng sau thành công ấy luôn có bóng hình của mẹ. "Bị liệt toàn thân từ lúc còn nhỏ, từ lúc sinh ra tôi rất cô đơn vì chưa được một ngày đến trường, toàn bộ kiến thức của tôi do mẹ dạy. Tôi khao khát tri thức, học hỏi, đam mê đọc sách, tôi mong muốn lập ra tủ sách ngay tại nhà" - Đỗ Hà Cừ giãi bày.

Nhận mình "không thông minh lắm", đến 10 tuổi mới biết đọc, ai cũng nghĩ khuyết tật như anh đến cầm bút còn khó thì dạy chữ phỏng ích gì? "Thế nhưng nhìn thấy các bạn khiếm thị còn cố gắng học chữ nổi, tại sao mình có đôi mắt sáng mà không cố gắng đọc sách để hiểu biết hơn? Hôm nay những tri thức ấy tôi đã vận dụng được để phục vụ cho cộng đồng, cho những người khuyết tật khác như tôi" - Cừ chia sẻ.

Cừ nói những người khuyết tật như anh cũng có ước ao làm việc thiện nguyện, do đó anh quyết tâm biến người khuyết tật từ chỗ "bỏ đi" của xã hội trở thành niềm tin, thắp sáng lên hi vọng cho các em nhỏ. Từ ngày tủ sách được thành lập, Cừ vui vẻ hơn hẳn và còn tự tin chia sẻ câu chuyện đời mình để truyền cảm hứng, đem đến niềm tin cho những em nhỏ, cho những người khuyết tật khác.

Tính đến nay, "Không gian đọc hi vọng" ở Thái Bình có tới hơn 4.000 đầu sách với hơn 900 độc giả đăng ký mượn thường xuyên. Đồng thời phát triển thêm 9 tủ sách do người khuyết tật quản lý tại các tỉnh, mỗi tủ từ 700 - 2.500 cuốn sách. "Tất cả điều con có ngày hôm nay là do mẹ dạy dỗ" - Cừ rưng rưng nói.

Năm 2018, Đỗ Hà Cừ là một trong 20 thủ lĩnh có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện được nhận bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.

Năm 2019, anh nhận bằng khen của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch trao tặng cho "Không gian đọc hi vọng" đạt Giải thưởng văn hóa đọc 2019.

Năm 2020, Đỗ Hà Cừ là một trong 10 gương mặt tiêu biểu nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019.

Năm 2020 quyết lập thêm 14 tủ sách

Tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, khi nhìn thấy hình ảnh chàng trai nằm trên xe lăn được mẹ đẩy đi khắp nơi, nhiều cô cậu học sinh túm tụm xung quanh lắng nghe Đỗ Hà Cừ chia sẻ về câu chuyện đời mình. Trong lúc anh kể chuyện, bà Nguyễn Thị Kim Sơn chốc chốc sửa lại dáng nằm cho con trai vì lúc nói chuyện anh phải gồng hết người lên mới biểu đạt được hết lời nói.

Facebook của anh lấy tên Đỗ Hà Cừ, "mở quyền" cho người mẹ quản lý để mẹ có thể giúp anh thường xuyên đăng tải những câu chuyện truyền cảm hứng. "Trong năm 2020, tôi sẽ cố gắng đạt mục tiêu thành lập thêm 14 tủ sách nữa cho người khuyết tật" - Đỗ Hà Cừ chia sẻ.

Mẹ tôi là Mẹ tôi là 'siêu nhân'

TTO - Hình ảnh mẹ được Sơn ví von như "siêu nhân", bởi bà luôn chọn làm những công việc nặng nhọc nhất để lo đủ cái ăn, cái mặc, chuyện học hành cho các con. Vũ Hoàng Hải Sơn (sinh viên năm 2 Đại học Ngoại thương cơ sở II, TP.HCM) chia sẻ.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên