08/08/2012 07:36 GMT+7

30 năm lang thang ngoài đường

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - Sáng sáng, tại góc công viên 30-4 (Q.1, TP.HCM), ông già 82 tuổi ngồi ghế đá ghé sát tai vào chiếc radio nghe tin tức. Đã 30 năm nay ông sống ngoài đường.

Ông dành dụm tiền từ người này, người nọ cho rồi mua được cái radio vừa túi áo để nghe đài. Âm thanh rè rè. Thời sự, tin tức, ca nhạc cứ vậy vang lên. “Mấy cô chú trẻ trẻ ở đây hay ngồi gần tôi để nghe đài “ké”. Họ cũng kêu tôi kể chuyện ngày xưa, chuyện tôi đã sống qua mấy miền đất nước. Mà cũng có gì để kể đâu...” - ông nói. Mấy người trẻ có nhà có cửa lại muốn ra công viên ngồi cho thoải mái, còn ông già gần đất xa trời tìm đến công viên để thay cho ngôi nhà không bao giờ có.

Ông tên Đào Thanh Cảnh, chỉ nhớ mình là trẻ mồ côi được một gia đình ở Hải Phòng nuôi nấng. 19 tuổi ông ra Hà Nội, phụ việc cho một hiệu may ở phố Hàng Bông. Năm 1982, hiệu may đóng cửa, ông vào Sài Gòn kiếm sống, từ lau dọn rửa chén cho các quán ăn tới bốc vác sống qua ngày. Cũng từ việc lau dọn này, ông có duyên với quán cơm trên đường Nguyễn Trung Trực (Q.1) để “giờ không làm được nhưng chủ quán vẫn cho tôi bữa cơm” - ông nói. Đã qua hai đời chủ, nhưng quán cơm trưa nào cũng dọn cho ông đĩa cơm với phần ăn hệt như những thực khách khác tại quán. Thứ bảy, chủ nhật quán nghỉ, những người buôn bán ở vỉa hè lại cho ông cái bánh, ly nước.

Như sáng nay, ông ngồi ghế đá ở công viên 30-4 và bắt đầu soạn đồ trong cái cặp sờn cũ ra sắp xếp lại: cái mền, bộ quần áo thay ra thay vô, cả một cục xà bông đang dùng dở được ông gói ghém cẩn thận trong mấy lớp bọc nilông. Rồi ông giơ lên như “khoe” cây quạt nhựa: “Hôm bữa có hai cô chú kia ngồi uống cà phê, thấy cây quạt ai để quên nên cho tôi. Có cây quạt này trưa trưa tôi cũng đỡ nóng”. Ông cười hềnh hệch, rồi chầm chậm lấy ra cái bánh chưng nhỏ bằng bàn tay đã “chảy mồ hôi” và nói đó là của một bà bán nước ở công viên mua cho.

Buổi chiều ông hay đi ngang các quán ăn. “Tôi tới đó, mấy người phục vụ cứ thấy là vô lấy đồ ăn cho tôi. Tôi còn bật radio và nói chuyện với họ nữa. Nhiều khi thấy tôi đi ngang là họ kêu ông ơi, vô đây!” - ông nói về cách tồn tại mỗi ngày của mình.

Cứ thế, ngày nào ông cũng đi bộ từ cầu Bông (Q.Bình Thạnh) qua Q.1, rồi lang thang ở các con đường, các công viên. 30 năm rồi, dù ông cứ nói mình sống “khỏe re” và chẳng mong muốn gì nữa. Cho dù ở tuổi ngoài bát thập, có lẽ lòng ông cũng mong có một mái ấm để nương tựa tuổi già...

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên