Cậu bé Nguyễn Thành Long mới học lớp 6 Trường THCS Lang Quán (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) rùng mình kể lại cơn mưa đêm trước.
Sớm hôm sau, hàng xóm hò nhau đến sửa tạm cái chuồng lợn cũ của bác gái Long để ba anh em ở tạm. Căn nhà cũ từng là tổ ấm của các bé đã không còn chống chịu nổi một cơn mưa gió.
Chuồng lợn thay tổ ấm
Em gái Long - bé Ngọc Hoa mới học lớp 3, thẫn thờ nhìn đống đổ nát trong cái nền nhà cũ. "Bố con chết rồi! Mẹ con không biết đi đâu!", cô bé nghẹn giọng, rơi nước mắt lẫn vào giọt mưa lành lạnh miền núi.
"Căn nhà" hiện tại của ba anh em Ngọc Hoa là cái chuồng lợn nhà bác gái. Mái lá che tạm lại những chỗ mục, tường quây bằng lá cọ và bạt. Một ngăn chuồng được gác lên vài cây tre, trải giát tre để làm chỗ ngủ, gian chuồng còn lại làm chỗ nấu ăn.
Chị Lý Thị Liên - bác gái của đàn cháu nhỏ - giọng trĩu nặng: "Chẳng còn chỗ nào nữa nên chúng tôi phải sửa lại cái chuồng lợn này. Mái lá cũng dột nhiều rồi nhưng cột còn tốt, không sợ gió to. Từ ngày bố nó mất, chúng tôi đón các cháu về ăn chung. Có gì ăn nấy chứ bây giờ chúng nó biết về đâu?".
Trong bản, nhà anh em Long nghèo nhất. Bố các bé mất, nhà sập rồi thì đến lượt nhà bác gái nghèo nhất bản. Vợ chồng nghèo lại cưu mang thêm ba cháu nhỏ như muốn kiệt sức.
Căn nhà nhỏ được vay 20 triệu đồng từ tiền hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát của chính quyền năm năm trước đến nay vẫn chưa đủ tiền trát tường. Mấy cánh cửa gỗ buộc chằng đụp bằng dây thừng để gió đỡ giật bung mất.
Mấy năm trước nhà chị Liên có đàn lợn, bán mỗi lứa cũng có thêm vài đồng. Dịch giã, đàn lợn chết, nhà nghèo chẳng đủ tiền mua giống mới. Cái chuồng lợn thành nhà tạm cho các cháu.
Những chiếc lá rách bao bọc nhau
Ba anh em gầy gò, ngơ ngác khi tai họa ập xuống tổ ấm quá nhanh. Ngày trước nhà các bé cũng nghèo nhưng đi học về có bố có mẹ, những cơn gió rét lùa qua vách không làm chúng run lên vì rét.
Nhà nghèo thì Long phải làm việc nhà sớm hơn các bạn nhưng các em có bố, có mẹ ở bên. Long học khá, năm nào cũng được giấy khen. Những lần họp phụ huynh, bố Long về vuốt đầu cậu mấy cái mỉm cười. Tối hôm ấy bữa cơm trong căn nhà rách đầm ấm hơn mọi ngày.
Nhưng rồi chỉ năm ngoái thôi, những trận cãi vã ngày càng nhiều của người lớn. Nhiều lần ba anh em trốn ra sau nhà, vợ chồng bác Liên đón lên nhà ăn cơm. Sáng hôm sau cả ba mới lặng lẽ về lấy sách vở đi học.
Một lần ba anh em đi học về không thấy mẹ ở nhà, ông bố chỉ hậm hực ngồi uống rượu một mình. Long hiểu mẹ đã bỏ đi, hai đứa em nhớ mẹ chỉ rúc vào chăn thút thít.
Cuối năm ngoái, cả nhà được nhận món quà từ thiện 8 triệu đồng. Ông cầm số tiền có thể là lớn nhất đời. Bao dự định nào sửa lại cái mái nhà, sắm cho mấy đứa con bộ quần áo tươm tươm, nào bữa cơm ấm cúng ngày Tết.
Rồi mẹ của bọn trẻ trở về, chúng ríu rít cả ngày, ước mơ có được một tổ ấm lại nhen nhóm lên trong lòng những đứa trẻ. Chúng mơ đến những ngày Tết đầm ấm, đủ đầy, có cả bố mẹ.
Thế nhưng bố mẹ chúng lại cãi vã, mỗi người lại đi một ngả. Cũng ngày hôm ấy, bố đứa trẻ tự kết thúc bằng sợi dây thừng. Ba đứa trẻ ngơ ngác, bơ vơ giữa đời.
Gia đình bác Liên ở gần đứng ra hương khói cho em rể và lo bữa ăn cho ba đứa nhỏ. Vừa được 49 ngày, anh em đằng nội đến đưa bát hương, di ảnh cha bọn nhỏ về quê. Ba đứa trẻ vẫn bơ vơ trong căn nhà cũ nát, gió lùa hut hút qua những lỗ thủng ngày một nhiều trên vách.
Sáng đi học, đến bữa lên nhà bác gái ăn cơm, tối về đùm bọc nhau trong căn nhà cũ ấy. Ông Hoàng Đình Thư - trưởng thôn 21, xã Lăng Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang - kể trước đây chính quyền xã đã đưa gia đình anh Lợi (cha các bé) vào kế hoạch hỗ trợ làm nhà trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của xã.
Thế nhưng chương trình cho vay vốn ưu đãi thì gia đình phải có ít tiền đối ứng. Nhà anh Lợi quá khó khăn, không kiếm nổi vài triệu đối ứng.
Mấy hôm anh Lợi mất, thôn họp lại tìm cách giúp đỡ mấy đứa trẻ. Ai có gì cho nấy, người cho ít gạo, người góp ít tiền, có người góp mớ rau, củ măng mang sang. Hôm trước mưa to, căn nhà cột kèo mục nát muốn đổ.
"Cái nhà ấy cũ lắm rồi, không dỡ thì nó tự đổ. Chúng tôi bàn nhau để cho các cháu lên ở nhờ nhà bác, còn căn nhà buộc phải dỡ để đảm bảo an toàn", ông Thư kể.
Ước mơ đến trường
Mỗi sáng sớm Long đã biết dậy sớm giúp bác nấu cơm. Bữa cơm trắng với vài khúc cá mắm (cá khô mặn), bát canh rau lang hoặc sang hơn là gói mì nấu nhiều nước để chan cơm. Sau đó, Long đưa cậu em út mới học lớp 1 đi học, cô em gái lớp 3 thì tự đi bộ đến trường. Chiều về ba anh em giúp bác vài việc nhà rồi ra bờ suối kiếm rau.
"Cháu sợ không còn được đi học, cũng không có gạo ăn. Thùng gạo bố cháu mua hết lâu rồi, giờ cháu ăn gạo nhà bác", Long nghèn nghẹn kể.
Cậu bé ngượng ngùng ôm bàn tay đầy gân xanh gầy guộc lên đầu gối. Chiếc quần sờn chỉ thủng một lỗ giữa đầu gối. Vết thủng không phải do bị ngã rách mà vì sợi vải lâu ngày bị mục nát. Bên anh mình trong chuồng lợn, gấu quần của bé Hoa và bé Tân cũng đã rách.
Bé Hoa đôi mắt lúc nào cũng nhìn xa xăm, buồn rười rượi, còn bé Tân luôn giữ hai tấm ảnh mẹ. Tấm ảnh chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, một chiếc đã bị bong lớp ép plastic. Lúc chẳng có ai nói chuyện, cậu bé lại mang ảnh mẹ ra ngắm. Nhiều lúc bác Liên thấy Tân nói chuyện một mình, ngó sang thấy cậu đang buồn bã nói chuyện với ảnh mẹ.
Chị Liên tâm sự nhiều lúc thắt lòng bắt gặp bé Hoa mắt đỏ hoe, cánh mũi sụt sùi một mình, bé Tân thì nhiều đêm nhớ mẹ, cứ hỏi "bao giờ mẹ về?". Còn cậu anh cả Long cứng cỏi hơn, dỗ em trong chuồng lợn: "Em đừng khóc nữa, mẹ có nghe thấy đâu?".
Chậm nước mắt, người bác gái có vẻ vui hơn khi nhắc việc học của các cháu. Long học năm nào cũng được giấy khen. Từ ngày bố bọn trẻ mất, mẹ bỏ đi, cô giáo động viên gia đình bác Liên cố gắng để Long tiếp tục được đi học. Ở những xã còn khó khăn như Lang Quán không có nhiều học sinh khá như Long.
Hai em Long cũng từng được cô giáo khen, nhưng từ ngày tổ ấm tan vỡ đã học sa sút. Buổi tối, Long vẫn cố kèm các em học bài. Cậu chẳng ước mơ gì xa xôi, chỉ ước có đủ cơm ăn, đủ áo mặc và được "đi học đủ". Theo cách diễn giải của cậu bé, đi học đủ là cả ba anh em đều tiếp tục được đến trường.
Cố gắng để các bé được đi học
Bà Hoàng Thị Thúy, hiệu trưởng Trường THCS Lang Quán, chia sẻ: "Chúng tôi luôn bên cạnh các em, chỉ mong các em vượt qua hoàn cảnh, cố gắng hơn trong học tập. Riêng em Nguyễn Thành Long chúng tôi cho em mượn sách, đồ dùng học tập, phân công giáo viên đến gia đình thăm hỏi, giúp đỡ để làm sao cả ba em cố gắng vượt qua hoàn cảnh.
Về tiền bạc thì chúng tôi giúp đỡ chẳng được bao nhiêu, chỉ là những món quà động viên còn việc học tập các giáo viên trong trường luôn sát sao, tạo điều kiện để các em nỗ lực, học tập tốt hơn".
Để chia sẻ với các bé, bạn đọc có thể chuyển vào tài khoản: Báo Tuổi Trẻ - Số tài khoản: 113000006100, Ngân hàng Công Thương, Chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung chuyển: "Giúp các bé trong số báo ngày 12-4-2024". Chúng tôi sẽ kết nối và chuyển tới các bé trong thời gian sớm nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận