Đại diện doanh nghiệp phản ảnh các thắc mắc tại buổi đối thoại - Ảnh: NGỌC HIỂN
Theo ông Lâm, những người được cấp phép cho nhập cảnh là quản lý, chuyên gia người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Có 82 người là vợ, con của các lao động người nước ngoài cũng được TP đề xuất và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cấp phép vào VN.
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp cho biết nhiều người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý chưa được nhập cảnh vào VN, làm ảnh hưởng đến công việc của các doanh nghiệp .
Một số doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị nhập từ nước ngoài không thể vận hành do đội ngũ kỹ thuật không nhập cảnh để lắp đặt được.
Ông Lâm cho biết TP đã lập tổ công tác để xét duyệt các đề xuất nhập cảnh của doanh nghiệp mỗi tuần và công bố công khai danh sách này trên website của sở. Tuy vậy, ông Lâm thừa nhận có tình trạng quá tải nên doanh nghiệp không thể vào website của sở để theo dõi danh sách đã được xét duyệt.
Với những người đã được cấp phép, ông Lâm cho biết visa sẽ nhận tại đại sứ quán VN ở các nước mà lao động này hiện đang sinh sống. Theo ông Lâm, các lao động này khi vào VN sẽ được cách ly tập trung hoặc cách ly tại khách sạn theo yêu cầu.
Cũng tại buổi đối thoại, đại diện Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh - Bidrico (huyện Bình Chánh) cho biết trong tháng 3 doanh nghiệp kinh doanh khó khăn do dịch COVID-19 nên đã gửi công văn xin giãn đóng quỹ hưu trí, tử tuất và các loại bảo hiểm trong tháng 3 và 4, đến tháng 5 đã đóng trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại nhận được văn bản của Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Bình Chánh buộc phải đóng lãi chậm nộp các khoản tiền trên.
Do đó, vị đại diện doanh nghiệp này cho rằng chính sách như vậy sẽ làm khó doanh nghiệp bởi thời điểm dịch doanh nghiệp vẫn nỗ lực để duy trì được hoạt động, hạn chế cắt giảm nhân viên nên việc bắt doanh nghiệp đóng tiền lãi là không hợp lý.
Tương tự, Công ty CP công nghệ Sen Đỏ cũng cho biết doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh song cố gắng không cắt giảm lao động, không giảm, trễ lương người lao động.
Tuy vậy, nguồn tài chính để đóng thuế, BHXH gặp khó khăn nên không thể đóng đủ, đúng thời hạn và doanh nghiệp cũng cam kết sẽ trả nợ sau khi tình hình kinh tế phục hồi nhưng các cơ quan thuế, BHXH vẫn đòi thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp .
Bà Trần Ngọc Giao Châu - trưởng phòng chế độ BHXH, BHXH TP.HCM - cho biết Chính phủ đã ban hành nghị quyết và UBND TP.HCM cũng có quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp , người lao động bị tác động bởi dịch bệnh.
Theo đó, việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất và giãn nộp, không tính lãi chậm các loại bảo hiểm được áp dụng cho trường hợp doanh nghiệp giảm trên 50% lao động và thiệt hại tài sản trên 50%.
Những doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện trên vẫn phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng theo quy định và sau 30 ngày nếu doanh nghiệp không chuyển tiền nợ sẽ bị phạt, tính lãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận