Suốt 20 năm qua, chương trình góp phần quan trọng mang lại sự thay đổi cho phụ huynh - học sinh, nhà trường và xã hội về công tác tuyển sinh, hướng nghiệp.
Kênh thông tin tư vấn - hướng nghiệp tin cậy
Với phụ huynh và học sinh, thay đổi lớn nhất có thể dễ dàng nhận ra đó là tư thế chuyển từ bị động đón nhận thông tin sang chủ động tìm kiếm thông tin, tìm ngành, tìm nghề rồi tìm trường phù hợp cho con em mình (phụ huynh) và cho chính mình (học sinh).
Nhớ lại hơn 20 năm trước đây, thông tin về tuyển sinh duy nhất mà phụ huynh - học sinh "bám víu" vào chính là cuốn cẩm nang "Những điều cần biết về kỳ thi đại học - cao đẳng".
Thì nay, xã hội tràn ngập thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, từ các cơ sở giáo dục - đào tạo, từ các cơ quan truyền thông, từ Internet... Nhiều khi thông tin quá nhiều, nhiễu loạn, ngồn ngộn tới bội thực.
Giữa đại dương thông tin đó, phụ huynh, học sinh lại cần những thông tin chính thức, chính thống, chính xác; cần những tư vấn, hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc, băn khoăn cụ thể của riêng mình.
Đó là lý do tại sao các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ miệt mài tới với phụ huynh, học sinh trên toàn quốc suốt 20 năm qua mà tới giờ càng ngày càng được đón nhận nồng nhiệt, càng có sức sống và lan tỏa rộng khắp.
Đó cũng là lý do tại sao trong ngày hội sáng 19-3 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, có những gia đình cả ba thế hệ đến dự hội, gồm bà, cha mẹ và con cháu.
Có những gia đình chồng hỏi, ban tư vấn giải đáp xong thì vợ ngay lập tức đứng lên "giành" micro và nói "nhà em chưa hỏi hết ý, em xin hỏi thêm"...
Nơi trung tâm, thành phố, đô thị thì như vậy. Còn ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, thiếu thốn thì là một gam màu khác. Nhận biết được sự khác biệt và chênh lệch đó, chương trình năm nay đặc biệt đặt mục tiêu đến với học sinh các khu vực này.
Liên tục trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, cứ hai ngày cuối tuần, thay vì thực hiện hai chương trình vào sáng thứ bảy và sáng chủ nhật như trước đây thì năm nay ban tổ chức quyết định tổ chức ba chương trình liên tiếp.
Cụ thể, sáng thứ bảy sau khi thực hiện xong chương trình ở một địa phương thì ngay lập tức các thành viên ban tổ chức và ban tư vấn lên xe để kịp chiều làm một chương trình nữa ở địa phương khác. Sáng chủ nhật lại một chương trình khác ở một nơi khác nữa.
Khác biệt trong tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp
Thực tế, những chương trình "lẻ" ở Buôn Hồ (Đắk Lắk), Vạn Ninh (Khánh Hòa), Vĩnh Thuận (Kiên Giang), Đầm Dơi (Cà Mau) luôn tạo được cảm hứng, hiệu ứng đặc biệt cả trong phụ huynh, học sinh lẫn thầy cô và thành viên ban tư vấn, ban tổ chức.
Về phía các trường đại học và cao đẳng, từ chỗ thụ động chờ thí sinh tìm tới thì nay chủ động đến với thí sinh. Nhiều trường thậm chí còn cho biết "hoàn toàn yên tâm" với số lượng hồ sơ đăng ký hằng năm nhưng vẫn hiện diện một cách "hoành tráng" tại ngày hội.
Các trường quan niệm tham gia ngày hội không chỉ nhằm mục tiêu tuyển sinh mà còn là cơ hội để quảng bá thương hiệu, cơ hội để góp mặt, để có một "chiếc chiếu giữa làng".
Số lượng gian tư vấn "khủng" tại ngày hội năm nay của các "thương hiệu" lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội (22 gian), Trường đại học Kinh tế quốc dân (14 gian), Trường đại học Ngoại thương (6 gian)... là những minh chứng sinh động.
"Điều làm nên sức sống và cũng là điểm khác biệt của chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ đó là hướng tới cộng đồng, phụng sự xã hội, giải quyết vấn đề của xã hội. Đó cũng là lý do chúng tôi gắn bó với chương trình hàng chục năm qua" - một thành viên lâu năm của ban tư vấn nhận xét.
Theo vị này, chương trình không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin mà còn góp phần tạo ra nhu cầu, gợi mở, dẫn dắt, tạo ra sự thay đổi cho phụ huynh - học sinh và ngành giáo dục trong việc chọn ngành, chọn nghề, tuyển sinh, đào tạo và cung cấp nhân lực cho xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận